Truy vết "lâm tặc"
Sau mỗi chuyến tác nghiệp, trong tôi luôn đọng lại nhiều kỷ niệm buồn, vui nghề báo gắn liền những dấu ấn bạn đọc thân thiện của Báo CAND đã cung cấp thông tin và hỗ trợ phóng viên kịp thời tiếp cận hiện trường. Một trong những dấu ấn gần đây nhất là từ nguồn tin của bạn đọc, tôi cất công truy vết “lâm tặc” ở miền núi Phú Yên để từ đó cơ quan chức năng vào cuộc đấu tranh làm rõ 4 vụ phá rừng…
1. Hôm đó là buổi sáng một ngày đầu tháng 9/2021, một người dân điện thoại báo tin “lâm tặc” ngang nhiên đốn hạ cây gỗ, cạo trọc một vạt rừng tự nhiên kế bên Hội trường Mùa Xuân, nằm trong quần thể Di tích lịch sử Quốc gia căn cứ tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ. Sau khi dò hỏi thêm thông tin, tôi vượt chặng đường hơn 50 cây số để tiếp cận hiện trường.
Len lỏi vào khoảnh 6, tiểu khu 173 ở thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, tôi đã chứng kiến dấu tích hàng chục cây gỗ có đường kính lớn bị đốn hạ, cách đó vài trăm mét là một vạt rừng tự nhiên trong tiểu khu V3.4 đã bị cạo trọc 2.100m2 để lấy đất làm nương rẫy nhưng chính quyền địa phương chưa biết được thủ phạm(!?).
Trong lúc đang chụp ảnh hiện trường thì điện thoại lại reo, một cựu chiến binh cho biết, có hai đối tượng thuê nhân công, thiết bị xe cơ giới mở đường vào rừng Hòn Đót ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định đốn hạ, phát dọn trắng hai khu rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo lá tràm và tận thu cây gỗ. Trời đã quá xế chiều nhưng “máu” nghề nghiệp thôi thúc tôi vượt qua những chặng đường đồi dốc, đi bộ vào đến khoảnh 6, tiểu khu 170 và tận mắt nhìn thấy những vạt rừng đã bị phát trắng ngổn ngang, có nơi cây lá đã khô khốc chờ đốt, có nơi cây xanh vừa mới đổ ngã. Thấy tôi, nhóm phá rừng dừng tay phát dọn, lặng lẽ đi dạt về nơi khác. Bức xúc trước thảm cảnh rừng bị tàn phá trên diện rộng, chúng tôi điện thoại cho ông Nay Y BLung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa. Sau khi cảm ơn, ông Lung nói: “Tôi sẽ đến hiện trường ngay”.
Hơn nửa giờ đi ôtô từ thị trấn Củng Sơn về xã Sơn Định, Bí thư Huyện ủy người dân tộc Êđê xắn quần, đi chân đất qua những triền dốc vào tới Hòn Đót kiểm tra thực tế hiện trường rồi triệu tập cuộc họp khẩn tại trụ sở UBND xã Sơn Định trong chiều cùng ngày với sự tham gia của một số cơ quan chức năng để chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn, đồng thời giao cho Công an huyện Sơn Hòa tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Hai ngày sau đó, từ nguồn tin trên Báo CAND, một tổ công tác của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc phối hợp Công an huyện Sơn Hòa khám nghiệm hiện trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ truy xét thủ phạm phá rừng.
Kết quả điều tra, không chỉ hai đối tượng chủ mưu là Trần Quốc An (SN 1979, trú ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) và Lê Đồng Tánh (SN 1977, trú ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân, huyên Tuy An) bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi hủy hoại hơn 8,7ha rừng, gây thiệt hại hơn 556 triệu đồng, mà 12 đối tượng đồng phạm cũng đã vào vòng tố tụng hình sự.
Mở rộng điều tra vụ án, đến giữa tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời khởi tố thêm hai bị can về tội danh này là Đặng Dương (SN 1978), kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa và Nguyễn Văn Hoài (SN 1991) cán bộ lâm nghiệp xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa.
Nửa tháng trước khi phát hiện vụ phá rừng ở Hòn Đót, tôi cùng một số đồng nghiệp Báo Nhân dân, Thông tân xã Việt Nam, VTV8, Thanh niên… thường trú tại Phú Yên đã mất khá nhiều thời gian, công sức truy vết “lâm tặc” trong khu rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương tại tiểu khu 162 ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa. Nhiều vạt rừng tự nhiên nơi này đã bị đốn hạ, phát dọn tạo thành những “vùng trắng” để lấy cây gỗ lớn và đất rừng trồng keo lá tràm, trong đó có nhiều hécta rừng mới bị đốn hạ... Những khoảnh rừng bị cạo trọc giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên không hề hay biết(!?).
Từ phản ánh của báo chí, ngày 2/9/2021, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp kiểm tra hiện trường, chỉ đạo xử lý vụ việc. 5 ngày sau đó, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Đặng Việt Dũng, Phó Giám đốc, phụ trách BQL rừng phòng hộ Sơn Hòa, để phục vụ công tác xác minh.
Tiếp theo, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, xác định diện tích rừng bị đốn hạ hơn 3,1ha, gây thiệt hại hơn 110 triệu đồng. Ngoài hai đối tượng chủ mưu phá rừng là Phạm Văn Anh (SN 1980), Phạm Văn Thành (SN 1987), cùng trú ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, còn có 3 đồng phạm cũng bị khởi tố hành vi “Hủy hoại rừng”, gồm: Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1978), Ngô Hoàng Hải (SN 1988) và Lê Ngọc Hòa (SN 1982), cùng trú ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa.
2. Cuối tháng 4/2022, TAND tỉnh Phú Yên đã xét xử hình sự sơ thẩm 34 bị cáo trong vụ phá rừng ở địa phận tiếp giáp huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh. Trong số đó có 24 “lâm tặc” và 10 cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước. Đây là vụ phá rừng có tổ chức quy mô lớn nhất, hậu quả thiệt hại nghiêm trọng nhất, số lượng bị can cùng với tội danh nhiều nhất, số lần khám nghiệm hiện trường nhiều nhất và cũng là cuộc điều tra truy xét vất vả nhất. Điều đáng nói là vụ phá rừng này phát lộ từ những cuộc truy vết gian nan của nhiều PV báo chí, trong đó có PV Báo CAND.
Khởi đầu từ nguồn tin của người dân giữa buổi sáng tháng 4/2020, tôi và một số đồng nghiệp đi xe máy rời TP Tuy Hòa ngược lên hướng Tây Nam hơn 40km. Giấu xe trong những bụi cây rậm bên cửa rừng ở thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, cả nhóm bám theo người dân đi bộ vòng vèo gần hai giờ qua nhiều triền rừng chênh vênh dốc núi, vực sâu và suối đá khô cằn.
Quá trưa chúng tôi mới tiếp cận một phần hiện trường phá rừng là những cây gỗ có đường kính lớn chỉ còn trơ gốc với dấu tích cưa máy cầm tay cùng với hàng chục cây gỗ dài 15-20m đổ ngã ngổn ngang chưa kịp cẩu kéo ra khỏi rừng. Mở rộng diện tìm kiếm, chúng tôi phát hiện con đường do "lâm tặc" san ủi bằng xe cơ giới chuyên dụng để vận chuyển gỗ theo hướng khác. Đi tiếp một chặng đường rừng nữa tìm thấy thêm hiện trường phá rừng khác thuộc địa phận xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh.
Trở ra khỏi cửa rừng khi ánh chiều đã tắt, dò hỏi nhiều người dân về hành tung “lâm tặc” nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu từ chối vì họ lo ngại sẽ bị trả thù. Lựa lời động viên thuyết phục hồi lâu, một nông dân mới tiết lộ rằng, trong nhóm “lâm tặc” có những tay “anh chị” quan hệ thân thiết với cán bộ xã và Kiểm lâm huyện. Thêm một ngày nữa trở lại hiện trường phá rừng, những bài báo của PV Báo CAND cùng nhiều đồng nghiệp đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, chuyển hồ sơ cho Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên.
Gần 1 năm nỗ lực điều tra, truy xét, Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Hoài Linh (SN 1975, trú ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) cùng 22 đồng phạm “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” đã xâm nhập tiểu khu 358 ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa và tiểu khu 312 ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh đốn hạ 373 cây gỗ các loại với tổng khối lượng hơn 343m3, gây thiệt hại về lâm sản và môi trường rừng hơn 1 tỷ đồng.
Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra khởi tố thêm 10 cán bộ, công chức, viên chức về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số đó có Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa Dương Tấn Định; Phó Hạt trưởng Trương Minh Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh; Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây Trịnh Lâm Hải; cán bộ lâm nghiệp xã Phan Văn Tâm… Vụ án tạm khép lại khi án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên xử 34 bị cáo tổng mức hình phạt 89 năm 9 tháng tù giam và 4 năm tù (án treo).
Sau những chuyến lên rừng tác nghiệp theo dấu vết “lâm tặc”, chúng tôi thêm yêu nghề báo và cảm nhận niềm vui khi đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan những vụ phá rừng.