Điểm mặt những công trình xây dựng gây nhức nhối ở Hà Nội

Bài 1: Xây dựng sai phép để đợi nộp phạt

09:15 30/05/2016
Xây dựng sai phép, không phép đã trở thành “căn bệnh” ở Hà Nội mà vi phạm diễn ra từ công trình lớn đến công trình dân sinh. Chế tài xử lý vẫn là “cưa ngọn”, cắt gọt phần sai phép và phạt cho tồn tại. Việc xử lý thiếu kiên quyết khiến một số công trình chây ỳ hoặc chậm chạp trong việc khắc phục vi phạm.

10 năm trước, Hà Nội đã “cưa ngọn” nhiều công trình cao tầng xây dựng sai phép. 10 năm sau, số công trình phải “cưa ngọn” không ngừng gia tăng. Nghịch lý là nhiều công trình cố tình xây dựng sai phép để chờ nộp phạt cho tồn tại. Vậy, nếu cứ phạt mà cho tồn tại thì quy hoạch kiến trúc của Hà Nội sẽ như thế nào?

Vi phạm điển hình nhất về việc xây dựng sai phép làm “nóng” dư luận thời gian qua là công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày 24-5, có mặt tại đây, chúng tôi thấy phần trên cùng của tòa nhà vẫn đang tiến hành phá dỡ nhưng với tốc độ rất chậm. Ở công trình này, chủ đầu tư đã xin phép tự khắc phục vi phạm.

Việc tháo dỡ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tháo dỡ tầng 19 và giai đoạn 2 là tiếp tục xây dựng phương án tháo dỡ phần còn lại. Tính đến thời điểm này, công trình đã phá dỡ 321m2 tầng 19 và chưa xong giai đoạn 1, chậm so với yêu cầu là phải hoàn thành xong trước 30-4.

Theo ông Đinh Quang Thắng, Đội phó phụ trách Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) Ba Đình thì chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực có đơn xin nộp phạt để tồn tại theo Điều 9 Nghị định 121. Tuy nhiên yêu cầu này đã không được chấp thuận do đây là công trình đang vi phạm, đang xử lý, cưỡng chế nên không được áp dụng xử phạt theo NĐ 121. Hiện công trình vẫn đang được tháo dỡ nhưng với tốc độ rất chậm. Đội TTXD Ba Đình đang ráo riết phối hợp cùng UBND phường Điện Biên giám sát, đôn đốc đẩy nhanh việc tháo dỡ.

Không chỉ công trình 8B Lê Trực mà trên địa bàn thành phố hiện có nhiều công trình xây dựng sai phép bị xử lý và chủ đầu tư xin tự khắc phục tháo dỡ nhưng làm với tiến độ rất chậm. Điển hình là khu chung cư cao tầng Phương Đông – Mỹ Sơn Tower tại 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư.

Công trình 8B Lê Trực đang tháo dỡ phần vi phạm.

Trong quá trình thi công phần thô đã xây dựng sai so với GPXD và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Khi phát hiện vi phạm, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đội TTXD quận Thanh Xuân cũng lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình do hành vi tiếp tục tổ chức thi công công trình sai nội dung giấy phép xây dựng.

Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện việc khắc phục phần sai phạm về trật tự xây dựng trong thời gian 45 ngày (đến ngày 30-5 phải hoàn thành xong) nhưng theo cơ quan chức năng quận Thanh Xuân thì chủ đầu tư vẫn đang tháo dỡ nhưng với tốc độ rất chậm.

Xây dựng sai phép đang trở thành vấn đề nóng khi mỗi mét vuông đất ở Hà Nội có giá trị lớn nên vi phạm ngày một gia tăng. Hàng loạt vi phạm về xây dựng sai phép đã diễn ra trong thời gian qua khiến bộ mặt đô thị của Hà Nội trở nên nhếch nhác. Nhiều vi phạm trong số đó không được kịp thời phát hiện nên khi xử lý đều gặp khó khăn do đã xây dựng kiên cố, như các công trình ở số 3 ngõ 8 Lý Nam Đế, 60 Hàng Than, công trình 108 Nguyễn Trãi, công trình tại 250 Minh Khai…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, trong quý I-2016, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra đối với 24 công trình, dự án trên địa bàn thành phố đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm, trong đó có 4 trường hợp sai giấy phép xây dựng, 3 trường hợp sai quy hoạch, 1 trường hợp xây dựng không phép…

Điển hình là 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng không phép) tại Dự án chung cư cao tầng và Trung tâm Thương mại văn phòng tại số 250 phố Minh Khai gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Chủ tịch UBND phường Minh Khai đã ban hành 2 quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với 2 công trình vi phạm này và chủ đầu tư có đơn xin tự khắc phục tháo dỡ. Theo ông Hùng thì đến nay 2 công trình vi phạm đã phá dỡ hết.

Nghịch lý tồn tại là nhiều công trình xây dựng dân sinh, công trình lớn đã cố tình xây sai phép để đợi nộp phạt. Vì sao lại có chuyện này? Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều công trình xây dựng dân sinh do muốn lấn khoảng không nên đã đua ban công nhưng không làm ban công mà xây luôn thành nhà. Vi phạm này diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở các quận nội thành, nhiều nơi đã trở thành “quy ước” của khu dân cư.

Nhà này làm được thì nhà khác cũng làm. Và người ta cố tình xây dựng sai phép để chờ nộp phạt cho tồn tại. Chính vì thế nhiều khu dân cư, nhiều con ngõ ở Hà Nội đã không còn ánh sáng do nhà dân đua ban công, thậm chí có nhà còn đua cả vào đường dây điện nhưng vẫn không phải tháo dỡ (?).

Ông Lê Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ cho biết: “Ngoài đua ban công xây nhô ra quây thành nhà thì một số công trình xây dựng dân sinh vi phạm theo kiểu thêm tầng trồng rau sạch, làm giàn leo, làm tum nhưng nhô buồng thang máy lên 4,2m.

Từ cuối năm 2015 đến nay đối với các công trình vi phạm mới theo Thông tư 02, phường Xuân La không xử phạt cho tồn tại. Không có chuyện xây vượt tầng hoặc xin xây tầng tum mà biến thành một tầng chúng tôi xử phạt cho tồn tại. Những công trình vi phạm này đều kiên quyết dỡ bỏ trở về đúng giấy phép xây dựng đã được cấp”.     

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại nhiều tuyến đường mới mở của Hà Nội như tuyến Võ Chí Công hiện nay còn tồn tại một số nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng không có công trình xây dựng sai phép. Tuy nhiên, đi vào trong nhiều khu vực dân cư, phổ biến nhất là các công trình đang xây dựng sai phép là đua ban công xây liền thành nhà. Và hầu hết dạng vi phạm này đều tồn tại, không bị phá dỡ dù họ đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trần Hằng – Trần Huy

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文