Cảnh báo hoạt động môtô nước không an toàn
Ngoài TP HCM, tại các khu du lịch biển, thể thao giải trí tại các vùng biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Vũng Tàu… môtô nước là thủ phạm gây mất trật tự an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường thủy.
Một số vụ điển hình như: Lúc 11h ngày 29/3, trên sông Lòng Tàu, 3 môtô nước chạy với tốc độ cao, bất chấp hiệu lệnh dừng của Cảnh sát giao thông đường thủy, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa. Trước đó, vào 13h45' ngày 31/1, Trạm Cảnh sát đường thủy Đồng Tranh - PC68 cũng đã phát hiện 9 môtô nước chạy từ hướng Vũng Tàu về Nhà Bè.
Môtô nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. |
Lúc 17h ngày 23/12/2014, Tổ tuần tra của Trạm Cảnh sát đường thủy Phú Xuân - PC68 phát hiện một đoàn môtô nước trên 15 chiếc chạy với tốc độ rất cao từ hướng sông Lòng Tàu về Nhà Bè…
Từ tình hình thực tế, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho các đội, trạm tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử lý, ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy. Mặt khác, lực lượng PC68 tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động của phương tiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng về công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động của tàu, thuyền thể thao vui chơi giải trí (trong đó có môtô nước) trên địa bàn để có các giải pháp tham mưu, kiến nghị, đề xuất các cơ quan cấp trên các biện pháp quản lý Nhà nước đối với phương tiện tàu, thuyền thể thao vui chơi giải trí.
Sau hơn 5 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, công tác quản lý và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thủy đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên gần đây, trong lĩnh vực này lại nổi lên một số vấn đề mà chưa có sự điều chỉnh của pháp luật.
Về hoạt động của loại môtô nước (jetsky) đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều doanh nghiệp và chính quyền cho rằng, việc tồn tại của loại hình thể thao này là cần thiết, đặc biệt tại những khu du lịch biển thu hút đông đảo người dân như: Hòn Rơm (TP Phan Thiết), Cam Bình (TX La Gi), Sơn Trà (Đà Nẵng), Nha Trang, Vũng Tàu... Nhưng cũng có ý kiến về sự ồn ào, ô nhiễm, không an toàn của môtô nước dễ gây tai nạn với người tắm biển tại khu vực giải trí, thể thao chung…
Khu du lịch cộng đồng Hòn Rơm, TP Phan Thiết (Bình Thuận) là nơi có lượng môtô nước hoạt động khá lớn. Nhiều môtô nước chạy xen vào khu vực bãi tắm của du khách gần bờ, gây phiền hà và bất ổn. Khu vực Hàm Tiến - Mũi Né nổi tiếng là “thủ đô resort”, nơi có hơn 90% khách du lịch nghỉ dưỡng là người nước ngoài nên hoạt động của môtô nước đã gây phản cảm, khó chịu cho du khách. Những du khách này thường tham gia các môn thể thao như: Lướt ván buồm, lướt sóng…
Theo quy định, môtô nước phải hoạt động cách bờ biển 150m, các cơ sở phải có điểm giao dịch, xây dựng bến bãi, luồng tuyến, đường ra rộng 6m, với phao, neo, cờ cách mặt nước 30x40cm… nhưng hầu hết không đảm bảo đúng quy định, thường hoạt động tự phát, núp bóng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương mạnh tay, đối với các doanh nghiệp không đảm bảo được các điều kiện hoạt động sẽ bị rút giấy phép. Hiện nay, các loại môtô nước, xuồng kéo dù… hầu như nằm ngoài sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Cả nước hiện có 32 địa phương có hoạt động của phương tiện thủy phục vụ vui chơi, giải trí, diễn ra trên các tuyến sông, hồ, ven biển và vùng vịnh.