Công trình văn hóa hơn nghìn tỷ đồng chờ nhà quản lý vận hành

17:34 16/01/2017
Một công trình văn hóa của tỉnh Quảng Ninh có mức đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước dự kiến ngày 18-1 sẽ khai trương, đưa vào khai thác nhưng đến nay nhà quản lý chưa có kế hoạch, phương án khai thác.

Công trình đó là Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Cung quy hoạch Quảng Ninh), có tổng diện tích xây dựng 62.363m², tổng diện tích sàn 20.678m², chia làm hai khối: Khối hình con ngọc trai và khối hình con cá heo khổng lồ dài tới 320m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.151 tỷ đồng; trong đó phần xây lắp, công nghệ, thiết bị và nội thất là 1.051 tỷ đồng; phần trưng bày quy hoạch hơn 100 tỷ đồng. Sau 19 tháng, công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ vào ngày 30-9-2016.

Cung quy hoạch Quảng Ninh với kiến trúc hình con cá heo bên hòn ngọc trai được xem là công trình nổi trội, kiến trúc đồ sộ, thiết kế phá cách, trừu tượng, mô phỏng sinh vật biển, được giới chuyên môn đánh giá là công trình đẹp, mới, lạ, sáng tạo, độc đáo, hài hòa với không gian bên bờ vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới.

Mục đích Quảng Ninh đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng từ ngân sách xây dựng công trình trên, để có nơi trưng bày các đồ án quy hoạch, hội tụ, giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế...

Công trình hoàn thiện từ cuối tháng 9-2016 song tại cuộc họp báo công bố chương trình khai trương Cung quy hoạch vừa diễn ra vào ngày 12-1, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao cho hay, đến nay đơn vị quản lý chưa có hợp đồng khai thác. Mọi việc đều ở "ngưỡng" đang xây dựng phương án. Hơn một tháng nay, nhà quản lý chỉ đang tập trung vào kiện toàn bộ máy quản lý, bàn giao, ổn định chỗ ở cho cán bộ nhân viên bộ máy quản lý.

Một giám đốc điều hành (CEO) của một Tập đoàn thuộc diện lớn nhất Việt Nam đang kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh cho biết: Nếu một dự án nghìn tỷ do doanh nghiệp đầu tư, trong lúc thi công doanh nghiệp đã phải xây dựng phương án kinh doanh chi tiết, cụ thể, để ngay khi dự án hoàn thành sẽ được vận hành và đem lại hiệu quả của đồng vốn.

Từ ngày 1-12, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý Cung quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hoá, gồm 6 phòng, bộ phận chuyên môn. Ban quản lý Cung quy hoạch là đơn vị sự nghiệp có thu. Trước mắt, năm 2017 đơn vị này phải tự chủ kinh phí 60%, số còn lại 40% được ngân sách Nhà nước cấp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, một dự án có mức đầu tư trên một nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 3 tháng nhưng đến ngày khai trương cũng chưa có phương án khai thác đem lại nguồn lợi cho tỉnh là chậm trễ. 

Điều đáng quan tâm, số kinh phí để vận hành công trình nghìn tỷ này là khá lớn. Chỉ riêng tiền điện mỗi tháng ước vài trăm triệu đồng, cộng thêm chi phí duy tu, bảo dưỡng và quản lý của khoảng 40 cán bộ, nhân viên. Do vậy, công trình chậm đưa vào khai thác vận hành ngày nào là thiệt hại cho ngân sách ngày đó.

Lý giải việc chậm trễ này, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý công trình tập trung hoàn thiện gấp rút các phần công việc cơ bản tiếp nhận. Đồng thời, tính toán chi phí vận hành, xây dựng phương án, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo các công năng của công trình, nhằm để công trình trở thành một sản phẩm du lịch, tham quan, giới thiệu với du khách.

Theo ông Long, các hoạt động khác như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các hoạt động dịch vụ tổ chức triển lãm, hội chợ thương mại sẽ được khai thác trong không gian của công trình một cách hợp lý, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giao lưu văn hóa của người dân.

Người dân Quảng Ninh đang mong chờ sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm hơn của các nhà quản lý nhằm khai thác có hiệu quả công năng của công trình văn hóa nghìn tỷ đồng này, qua đó đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời đem lại hiệu quả cho ngân sách nhà nước, tránh lãng phí trong đầu tư.

K.H.

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文