Đua nhau băm nát di tích lịch sử văn hóa Quốc gia hồ Tuyền Lâm
- Công nhận Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) là Khu Du lịch quốc gia
- Hồ Tuyền Lâm Đà Lạt trở thành Khu du lịch Quốc gia đầu tiên
- Hàng chục dự án nghỉ dưỡng trăm tỷ “chết lâm sàng” ở hồ Tuyền Lâm
Câu hỏi được đặt ra, vì sao một công trình lớn như vậy lại có thể dễ dàng qua mắt được nhà chức trách địa phương để hoàn thành (?).
Đơn vị liều lĩnh đổ bê tông, ngăn chiếm một phần lòng hồ Tuyền Lâm lần này là Công ty Cổ phần đầu tư Lan Anh Đà Lạt (viết tắt là Công ty Lan Anh Đà Lạt). Tại hiện trường, PV Báo CAND ghi nhận, một phần eo nước giữa hai quả đồi thông đã bị chắn ngang bởi một bờ kè bê tông cốt thép được thiết kế, xây dựng rất kiên cố.
Trong trường hợp phải cưỡng chế, tháo dỡ để trả lại nguyên hiện trạng ban đầu thì đây là công việc không phải dễ dàng, nhất là phải thực hiện dưới lòng nước.
Vị trí Công ty Lan Anh Đà Lạt xây dựng bờ kè bê tông chắn ngang hồ thuộc khu vực bảo vệ 1 di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Chiều dài bờ kè bê tông này là 49m, dày hơn 20cm, cao trung từ từ 3-4m. Diện tích mặt nước hồ bị tác động khoảng 2.000m².
Bờ kè án ngữ hồ Tuyên Lâm do Công ty Lan Anh Đà Lạt lấn chiếm xây dựng. |
Theo điều tra, quá trình triển khai dự án Trung tâm giải trí du lịch, hội nghị cao cấp, Công ty Lan Anh Đà Lạt còn “xây lụi” một căn biệt thự với diện tích gần 132m². Chủ đầu tư lấn sang phần đất thuộc Ban Quản lý hồ Tuyền Lâm quản lý với diện tích khoảng 1.000m², hiện đang trồng cây Atiso.
Ngoài ra, tại khu vực đối diện với công trình nhạc nước thuộc dự án của công ty này, chủ đầu tư đang san gạt đất, gây ảnh hưởng xấu tới nhiều cây thông với diện tích tác động khoảng 300m2.
Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho biết, ngày 9-8, đơn vị phát hiện Công ty Lan Anh Đà Lạt đang có hành vi xây dựng bờ kè ngăn đôi một phần mặt nước hồ Tuyền Lâm nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công.
Sau đó, Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm đã báo cáo sự việc cho UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo giải quyết. Theo ông Dân, vào thời điểm cơ quan chức năng phát hiện, chủ đầu tư mới chỉ thi công được phần cốt pha, bao chắn của bờ kè.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các cơ qua chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, điều lạ là trong lúc cơ quan chức năng địa phương sốt sắng xử lý công trình lấn chiếm di tích lịch sử - văn hóa trên thì Công ty Lan Anh Đà Lạt vẫn thản nhiên xây dựng mà không hề gặp phải sự cản trở nào. Đến nay, công trình bờ kè chắn án ngữ một phần hồ Tuyền Lâm đã hoàn thiện.
Cũng tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu vực khe tụ thủy nằm giữa ranh giới dự án của Công ty Cổ phần Thiên Nhân và Công ty Cổ phần Đất Việt VP, có một phần mặt nước thuộc khu vực bảo vệ 1 của di tích thắng cảnh Quốc gia hồ Tuyền Lâm và khu vực hành lang kỹ thuật đường giao thông công cộng cũng đang bị tác động, làm thay đổi hiện trạng ban đầu.
Người xây dựng các công trình không phép, ngăn hồ Tuyền Lâm, thực hiện san gạt đất tại đây là ông Nguyễn Hòa, ngụ đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt. Diện tích đất ông Hòa đang tác động thuộc sự quản lý của Ban Quản lý hồ Tuyền Lâm.
Ông Hòa lý giải sở dĩ xây dựng các công trình trên là do ông đã “nắm trong tay” hợp đồng cho thuê mặt nước với Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng. Hợp đồng này được các bên xác lập ngày 8-6-2018.
Theo đó, ông Hòa được Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng cho thuê 4.000m² đất và mặt nước để trồng hoa tiểu cảnh, thả cá cho du khách vào chụp hình. Thời gian cho thuê là 5 năm, giá 7 triệu đồng/năm.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác cũng đã có hành vi xây dựng các công trình kiên cố lấn chiếm di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia hồ Tuyên Lâm, như Công ty TNHH Trà Vườn Thương (xây nhà nghỉ, quán cà phê, ăn uống…), Công ty TNHH LIMI (xây quán cà phê, nhà chờ…), một số người còn tự ý lấn chiếm mặt nước hồ Tuyền Lâm, dựng cầu gỗ cho khách vào chụp ảnh để thu tiền…
Trước những công trình ngang nhiên lấn chiếm hồ Tuyền Lâm, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng nêu quan điểm là “không thể chấp nhận được”.
Theo ông Sơn, chưa xét về yếu tố lịch sử, văn hóa của một di tích cấp Quốc gia, trong tương lai rất gần, hồ Tuyền Lâm là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ lực cho TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng, bởi hiện nay hồ Suối Vàng và hồ Chiến Thắng (hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho Đà Lạt) đang gặp vấn đề lớn về chất thải nông nghiệp rất khó khắc phục, trong đó có cả chai, lọ thuốc BVTV đổ về hồ, ảnh hưởng tới nguồn nước.
“Nếu không bảo vệ được hồ Tuyền Lâm sẽ có nguy cơ đe dọa tới nguồn nước sinh hoạt trong tương lai gần!..”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết, trong tuần tới ông sẽ dẫn đầu một đoàn công tác do sở này chủ trì để kiểm tra toàn bộ các công trình lấn chiếm, vi phạm trên hồ Tuyền Lâm, trong đó có bờ kè của Công ty Lan Anh Đà Lạt để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng vào cuộc xử lý.
Liên quan đến công trình sai phạm đặc biệt nghiêm trọng này, ngày 10-9, Thanh tra Sở Xây dựng Lâm Đồng đã chủ trì buổi làm việc với các bên liên quan.
Theo đó, chậm nhất tới ngày 20-9, Công ty Lan Anh Đà Lạt phải tháo dỡ toàn bộ bờ kè án ngữ hồ Tuyền Lâm, khắc phục những sai phạm tại các công trình không phép, lấn chiếm đất ngoài dự án được cấp.
Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cho biết, Công ty Lan Anh Đà Lạt đã cam kết sẽ hoàn thành tháo dỡ những công trình vi phạm trước ngày 20-9.
Tuy nhiên, những “tiền lệ xấu” trước đó ở hồ Tuyền Lâm đến nay vẫn chưa được xử lý (công trình lấn chiếm hồ Tuyền Lâm của Công ty TNHH LIMI, Công ty TNHH Trà Vườn Thương…), mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần ra “tối hậu thư” nhưng những công trình vi phạm, lấn chiếm di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia hồ Tuyền Lâm vẫn ngang nhiên tồn tại.