Giải phóng mặt bằng, còn nhiều khiếu kiện
Tham nhũng trong GPMB có thể bằng cách khi triển khai dự án thì tìm cách trì hoãn để buộc người dân phải trích "phần trăm" thì mới chi trả tiền đền bù. Đó là chưa nói đến việc cán bộ dự án câu kết với người được đền bù để khai đền bù khống.
Theo thống kê, trong các trường hợp khiếu kiện hiện nay có tới 70% liên quan đến lĩnh vực đất đai, và trong khiếu kiện đất đai có 70% trường hợp liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, 50% trên tổng số khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng là khiếu kiện về giá. Tại sao lại có những con số như vậy?
Nhận diện những khiếu kiện...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ thì các loại khiếu kiện về giải phóng mặt bằng (GPMB) có thể chia ra làm 4 dạng chính.
Dạng thứ nhất là khiếu kiện ngay từ khi có quyết định thu hồi đất. Dạng này phát sinh trong trường hợp khi các UBND cấp tỉnh đưa ra những quyết định thu hồi không phù hợp hoặc các bước để dẫn tới quyết định thu hồi đất đó không đúng với trình tự, thủ tục pháp luật. Đây là một trong những biểu hiện của việc thực thi pháp luật của các địa phương không nghiêm túc, không đầy đủ. "Tuy nhiên, vẫn không loại trừ nhiều trường hợp khiếu kiện nhưng khi tìm hiểu ra thì cơ quan Nhà nước không sai, mà do người dân vì muốn cản trở việc thu hồi đất mà viện vào đó để gây khiếu kiện", Thứ trưởng Đặng Hùng Võ giải thích thêm.
Dạng thứ hai là khiếu kiện về phương án bồi thường không thỏa đáng. Trong đó, chủ yếu nhất là về giá. Đối với những trường hợp này xảy ra phần lớn là do tính công bằng trong phương án đền bù.
Còn một dạng nữa là khiếu kiện trong trường hợp bị cưỡng chế: Người dân khiếu kiện vì theo họ chưa đủ điều kiện để cưỡng chế hoặc cảm thấy có những khuất tất trong trình tự, thủ tục cưỡng chế như kiểm đếm tài sản, lên phương án, thông qua phương án cho tới chi trả tiền bồi thường...
Dạng cuối cùng dẫn tới khiếu kiện trong GPMB là cưỡng chế sai. Tức là trong lúc thực hiện cưỡng chế, cơ quan chức năng thực hiện việc cưỡng chế thiếu thành phần hoặc làm không đúng quy trình.
... Và phát sinh tham nhũng!
Một trong những hệ quả tất yếu xuất phát từ những lỗ hổng về pháp lý trong công tác GPMB hiện nay là tham nhũng. Theo phân tích của Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, thì tham nhũng trong GPMB cũng xuất hiện ở một số dạng. Có những trường hợp tham nhũng ngay từ phương án. Và thường thì những nơi nào có giá đất cao sẽ xuất hiện "độ lệch" về phương án.
Trong đó, có thể kể đến như phương án duyệt một đằng, ra thực thi một nẻo. Hoặc có khi là thực thi theo phương án, nhưng tìm cách trì hoãn để buộc người dân nằm trong dự án phải trích "phần trăm" thì mới thực hiện chi trả tiền đền bù. Đó là chưa nói đến việc cán bộ dự án câu kết với người được đền bù để khai đền bù khống.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, còn phát hiện được tình trạng ra quyết định thu hồi đất vượt quá dự án, rồi sau đó "ỉm" đi, đợi cho mọi việc êm ắng rồi mới bắt tay vào "xử lý" nó sau khi dự án đó hoàn thành.
Hoặc có những trường hợp khai khống phương án đền bù để xà xẻo tiền chênh lệch... Đây đều là những yếu tố tham nhũng xuất hiện trong quá trình thực hiện lấy quỹ đất ra để thực hiện dự án đầu tư.
Còn thiếu một khung pháp lý chuẩn
Vấn đề nằm ở chỗ vận dụng chính sách của các địa phương. Theo giải thích của ông Võ, khung pháp luật về thu hồi đất, bồi thường và GPMB cũng như việc quy định các diện được bồi thường, hỗ trợ nằm ở Nghị định 181/CP. Còn việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ thế nào lại nằm ở Nghị định 197/CP.
Còn lại, một số điểm khác có liên quan như các dạng hỗ trợ khác... theo quy định được giao cho UBND cấp tỉnh có quy định riêng về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp với điều kiện của địa phương. "Tuy nhiên, cho đến thời điểm đầu năm 2006, mới chỉ có 1/2 số địa phương trên cả nước có quy định cụ thể về bồi thường và GPMB", ông Võ cho biết.
Ngoài ra, khung pháp lý về cưỡng chế hành chính cũng chưa có. Đối với các trường hợp cưỡng chế hiện nay, các địa phương mới chỉ vận dụng trên cơ sở cưỡng chế thi hành án dân sự. Trong khi đó, cưỡng chế hành chính và cưỡng chế thi hành án dân sự là hoàn toàn khác nhau.
Việc để cho các tỉnh tự quy định các phần về cưỡng chế trong nội dung công tác GPMB trong khi chưa có một khung chuẩn là sự gượng ép. Bản thân việc này sẽ gây ra những sự tuỳ tiện của các địa phương... và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra những khiếu kiện cũng khác nhau.
Bởi thế, theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, việc cần thiết hiện nay là phải có một khung chuẩn quy định mọi vấn đề liên quan đến công tác GPMB ở tầm Nhà nước để các địa phương dựa vào đó mà thực hiện. Có như thế mới giải quyết được những thắc mắc, khiếu kiện cũng như bức xúc trong nhân dân từ công tác GPMB ở các địa phương