Hải Phòng lý giải về việc chỉ định nhà đầu tư khu đất “vàng”

10:34 12/04/2018
Tại vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố sẽ xây dựng một khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao với quy mô tối đa 35 tầng, có giá trị đầu gần 1 nghìn tỷ đồng, mục đích để chỉnh trang đô thị. Dự án đang được dư luận quan tâm sau khi thành phố Hải Phòng giao cho một doanh nghiệp theo hình thức thuê đất…

Khu đất này có diện tích hơn 10 nghìn m2, nguyên là mặt bằng cũ Trường THPT chuyên Trần Phú, địa chỉ số 12 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền. Do nhu cầu mở rộng, phát triển, Trường THPT chuyên Trần Phú đã được di chuyển đến địa điểm mới tại số 10A, đường Lê Hồng Phong, quận Hải An.

Theo đó, nhà đầu tư được chỉ định là Công ty TNHH Nhật Hạ, địa chỉ tại số 9 Tôn Đức Thắng, phường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Doanh nghiệp này được biết đến với thương hiệu vàng Nhật Hạ nổi tiếng từ lâu tại Hải Phòng cùng với chuỗi khách sạn hạng trung tại TP HCM…

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hải Phòng cho biết, Dự án xây dựng khách sạn 5 sao được triển khai theo hình thức thuê đất, hàng năm nhà đầu tư trả tiền thuê đất cho UBND TP Hải Phòng và thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Tổng chi phí thực hiện dự án xây dựng khách sạn 5 sao trị giá gần 1 nghìn tỷ đồng và dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Lý giải tại sao không đấu giá đất ở theo Luật đất đai để thu về hàng nghìn tỷ đồng mà lại đầu tư khách sạn 5 sao, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết đây là việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và thành phố về phát triển theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ. Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phải đạt từ 3 – 5 khách sạn 5 sao. Cùng với đó, ngoài tiền thuê đất hằng năm, ngân sách thành phố còn có thêm các nguồn thu cho các năm sau, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt phí, lệ phí, Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm mới cho khoảng 500 lao động.

Khu đất rộng 10 nghìn m2 giữa trung tâm thành phố được giao cho doanh nghiệp xây khách sạn 5 sao.

“Đây là biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu cho các năm sau và tạo điều kiện cho du lịch thành phố phát triển cũng như có thêm cơ sở lưu trú cao cấp cho khách du lịch, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư...” - ông Tùng nhấn mạnh.

Còn lý giải về việc chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Nhật Hạ, ông Tùng cho biết thành phố Hải Phòng đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sơ tuyển quốc tế. Quá trình đấu thầu đã trải qua 5 giai đoạn với hơn 30 bước công việc, kéo dài gần 6 tháng, gồm: thuê tư vấn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; sơ tuyển quốc tế: lập thẩm định phê duyệt phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng thực hiện dự án. Tuy nhiên do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký và trúng sơ tuyển, nên trong giai đoạn 3 việc lựa chọn nhà đầu tư áp dụng theo hình thức chỉ định thầu.

Cùng với đó việc bổ sung khu đất trường THPT chuyên Trần Phú cũ vào danh mục các dự án thực hiện thu hồi đất trên địa bàn thành phố năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng khẳng định Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng đã thực hiện đúng thẩm quyền được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định và HĐND thành phố đã biểu quyết. Đây cũng chính là Dự án chỉnh trang đô thị được quy định tại Điều 146 Luật Đất đai 2013. 

Cụ thể  đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất chỉnh trang khu vực nội thành, nội thị hiện có, đất được quy hoạch để mở rộng đô thị hoặc phát triển đô thị mới. Đất sử dụng để chỉnh trang, phát triển đô thị gồm đất sử dụng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng, đất thương mại, dịch vụ... Và trước đó thành phố Hải Phòng đã thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của Luật Quy hoạch.

Về nguồn gốc khu đất trường THPT chuyên Trần Phú cũ, theo ông Nguyễn Văn Tùng thuộc quyền quản lý của UBND thành phố, giao cho trường Trần Phú sử dụng vào mục đích giáo dục. Vì vậy, 23 hộ dân đang sử dụng đất của nhà Trường không có quyền sử dụng đất. 

Theo các quy định, các hộ dân không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ một phần công trình, vật kiến trúc đã cải tạo, xây dựng trong quá trình sử dụng và tạo điều kiện về chỗ ở. Từ thực tế, phần lớn các hộ dân là các nhà giáo, công tác lâu năm, đóng góp nhiều cho ngành giáo dục, cuộc sống còn khó khăn, nên Thành phố đã vận dụng tối đa nhất các chính sách để hỗ trợ các hộ dân.

V.Huy

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文