Hệ lụy nhãn tiền trước “ma trận” thuốc bảo vệ thực vật
Tại buổi tọa đàm “Những bất cập trong công tác quản lý ngành thuốc bảo vệ thực vật” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Hóa chất nông nghiệp tổ chức tại Hà Nội ngày 17/12, ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết: Việt Nam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ những năm 50 của thế kỷ trước và giá trị sử dụng hằng năm ngày một tăng, hiện ở mức 20.000 đến 24.000 tỷ đồng/năm và đã đem lại nhiều lợi ích cho sản xuất nông lâm nghiệp.
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay trong ngành thuốc BVTV là việc nhập lậu, buôn bán và sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc giả; sử dụng thuốc tuỳ tiện, không theo hướng dẫn kỹ thuật. Cụ thể, hiện nay cả nước có trên 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV. Số này có tác dụng trực tiếp nhất đối với người sử dụng thuốc và cũng là thành phần chủ yếu của các phi vụ buôn bán thuốc giả, thuốc ngoài danh mục và nhập lậu thuốc qua biên giới nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ.
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường đang kiểm tra các loại thuốc bảo vệ thực vật tại một cửa hàng. |
Kết quả kiểm tra thuốc BVTV trong những năm gần đây cho thấy, khoảng 0,6% đến 0,8% các lô thuốc nhập chính ngạch không đạt chất lượng và phải tái xuất; 3 đến 10,2% lô thuốc gia công chưa đạt chất lượng phải tái chế lại. Khâu yếu nhất trong lĩnh vực thuốc BVTV là việc nhập lậu thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV ngoài danh mục...
Trình độ của các đại lý bán thuốc BVTV còn yếu kém, thường chạy theo lợi nhuận bất chấp hiệu quả xấu có thể xảy ra. Trong khi đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã dù đã được giao rất nhiều quyền hạn nhưng hầu như vẫn đứng ngoài cuộc đẩy hết cho ngành BVTV đảm trách.
Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội Hóa chất và Nông nghiệp Hà Nội cho rằng: Sự hỗn loạn của thị trường thuốc BVTV trong thời gian qua có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước ta phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Chính sự lệ thuộc quá lớn này khiến cho việc kiểm soát từ giá cả, chất lượng, chủng loại đều rơi vào bị động.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2013, nước ta đã nhập 112.000 tấn thuốc BVTV, trong đó có tới 91.000 tấn nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa kể sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nhập về từ nước thứ 3. Riêng 7 tháng đầu năm nay, nước ta cũng phải bỏ ra tới 475 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó 57% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Đó chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, còn con số nhập lậu thì không thể thống kê hết được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng thuốc BVTV rải xuống đồng ruộng Việt Nam phục vụ cho nhu cầu thâm canh, tăng vụ trong những năm gần đây cũng tăng lên nhanh chóng.
Trong khi đó, từ những năm 1980, các nước trên thế giới đã nhận ra sự nguy hại khi lạm dụng thuốc BVTV và trong 20 năm qua liên tục giảm sử dụng lượng hóa chất này (Thụy Điển giảm 60% lượng thuốc, Đan Mạch, Hà Lan cũng giảm 50%), thì nước ta lại đang đi ngược lại. Do vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, việc cắt giảm số lượng thuốc BVTV, kiểm soát chặt chẽ từ nhập khẩu đến kinh doanh mặt hàng có điều kiện này là việc làm cấp bách và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng nếu thực sự quyết tâm vào cuộc.
Còn không, nếu cứ để như hiện nay, với khoảng 1.000 hoạt chất và 3.000 tên thương phẩm, trên 20 ngàn đại lý, cửa hàng kinh doanh, thị trường thuốc BVTV sẽ trở thành ma trận rối rắm không thể tháo gỡ cùng với đó là những hệ lụy lớn có thể gây ra đối với sức khỏe của người dân.