Hiểm họa vỡ đập hồ Hóc Thánh
Hiểm họa vỡ đập
Hồ chứa nước Hóc Thánh nằm giữa một bên là đồi núi trùng điệp, một bên là thung lũng ruộng đồng với hơn 500 hộ dân thôn Hòa Trung đang sinh sống dưới vùng hạ lưu. Đứng trên con đập chính dài gần 100m nối 2 chân núi với nhau tạo nên lòng hồ Hóc Thánh, chúng tôi có cảm giác đây là một túi nước khổng lồ đang treo lơ lửng giữa không trung. Mặc dù, những cơn mưa nặng hạt đã ngưng hẳn, lượng nước trong lòng hồ đang dao động trong khoảng 250.000m3 - tức là đã giảm đi hơn một nửa so với dung tích thiết kế - nhưng hệ thống mái hạ lưu đập đất bị sạt lở, nứt nẻ vẫn dễ khiến người dân địa phương hoang mang.
Có mặt tại khu vực hồ Hóc Thánh, chúng tôi nhận thấy mái đập bị sụt xuống với nhiều nơi bị khoét rỗng tạo nên những khe suối có chiều sâu từ 20 - 30 cm, có nơi sâu tới 0,5 m. Thân đập đất mái hạ lưu bị nước thẩm thấu tạo nên những đường lồi lõm đáng sợ. Phía mái thượng lưu đã bị nước lũ hàng năm cuốn phăng hết các thảm cỏ bảo vệ, chỉ còn trơ lại sỏi đá và những khe suối sâu ăn vào thân đập. Lòng hồ bị đất, đá bồi lấp nặng. Cửa xả lũ bị hư hỏng, với những mảng khối đá bê tông bị vỡ nứt, nằm ngổn ngang bên miệng hồ. Theo kinh nghiệm của ngành thủy nông, đây là những dấu hiệu xuống cấp ẩn chứa phía bên trong lòng đập rất đáng ngại.
Thân đập đất mái hạ lưu bị nước thẩm thấu tạo nên những đường lồi lõm đáng sợ. |
Ông Nguyễn Văn Hồ (62 tuổi) - một hộ dân sống vùng hạ lưu hồ Hóc Thánh thuộc xóm 10, thôn Hòa Trung - nói với chúng tôi với vẻ mặt đầy âu lo: “Đã mười năm rồi, cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi phải sống trong cảnh lo sợ vì nguy cơ vỡ hồ. Nếu không may đập đất bị vỡ thì tính mạng của 805 hộ dân trong thôn và gần 100 ha đất canh tác ở vùng chân hồ không biết sẽ ra sao”.
Ông Lê Quang Tư - Trưởng thôn Hòa Trung - cho biết: Hồ chứa nước Hóc Thánh được xây dựng từ năm 1984 và đưa vào sử dụng năm 1986. Tuy nhiên, thân đập chủ yếu được đắp bằng đất nên qua thời gian đưa vào sử dụng thì đã có biểu hiện xuống cấp. Theo thiết kế, hồ có dung tích chứa hơn 400.000 m3 nước, tưới cho 60 ha lúa, hoa màu hằng năm tại 2 thôn Hòa Trung và thôn Hòa Sơn. Song đến nay, hồ chỉ chứa được 200.000 m3 và tưới cho khoảng 35 ha lúa vụ Đông Xuân. Vào vụ Hè Thu thì lòng hồ trơ cạn, phần lớn diện tích lúa canh tác trong vùng đành phải bỏ hoang hoặc chuyển sang canh tác cây trồng cạn vì thiếu nước.
Hệ thống cửa xả lũ hồ chứa bị hư hỏng, vỡ nứt nghiêm trọng. |
Biết nguy hiểm nhưng đành “bó tay”
Vì sao hồ Hóc Thánh bị xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng không được tu sửa? Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Công Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường - chia sẻ: “Biết là sự xuống cấp của hồ chứa hiện nay là đáng ngại, nhưng địa phương đành bó tay vì không có... kinh phí”.
Theo ông Dũng để tu sửa, gia cố lại hồ Hóc Thánh phải mất ít từ 20 - 30 tỉ đồng, nhưng với một xã còn nhiều khó khăn như Bình Tường thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Ông Dũng cho biết thêm: “Địa phương đã nhiều lần kêu cứu lên huyện, tỉnh; cấp trên cũng đã về đây kiểm tra thực tế xuống cấp của hồ chứa, nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy rục rịch gì”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tây Sơn - bày tỏ: “Trong số 3 hồ chứa nước bị hư hỏng, cần tu sửa của huyện thời điểm hiện tại, Hóc Thánh là hồ chứa đang ở trong tình thế “báo động đỏ” cần phải nâng cấp ngay. Trước thực trạng này, chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình xin kinh phí từ UBND tỉnh Bình Định, Trung ương để tu sửa hồ Hóc Thánh nhưng mãi đến hôm nay nguồn kinh phí vẫn chưa có”.