Khát nước sạch ở một trong 5 làng ung thư của cả nước
|
Hơn 1300 nhân khẩu tại thôn Yên Lão đang hằng ngày sống cùng nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nặng nề. |
Nhiều năm nay, người dân của thôn Yên Lão phải sống trong cảnh “khát” nước sạch. Bà con không dùng nước giếng hoặc nước giếng khoan để ăn vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Mặc dù qua 1 lần lọc cát đá nhưng nước vẫn còn màu vàng, vẩn đục. Dân thôn Yên Lão dùng nước này để tắm rửa, tưới tiêu và tắm cho… lợn. Thậm chí, có những người dùng nước này tắm nên bị nổi mẩn ngứa, lần sau tắm xong bằng nước giếng khoan phải giội lại bằng nước mưa. Nếu dùng nước này tưới lên mái lợp fipro xi măng thì khi khô, mái lợp sẽ được “mặc áo” màu vàng giống màu gỉ của sắt.
Những mái fipro xi măng khi giội nước giếng khoan nhuộm thành màu vàng ám ảnh. |
|
Chai thuốc có mức độ giảm thiểu mức độ ô nhiễm sắp hết hạn trong bể nước nhà bà Lại Thị Nguyệt. |
Bà Lại Thị Nguyệt kể, sau Tết, có một đoàn cán bộ môi trường về thực tế nguồn nước tại địa phương và bán cho bà con mỗi chai thuốc có tác dụng giảm thiểu mức độ ô nhiễm trong nước với giá hơn 200.000 đồng, dùng trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, mới vài tháng, khi bà lôi lên, chai nước chỉ còn 1/3, xung quanh lớp mùn cặn bám đầy.
1 trong 2 trạm bơm nước sạch bị bỏ hoang 15 năm nay. |
Nhiều người dân Yên Lão cho rằng, nguồn nước ngầm của thôn bị ô nhiễm là do nước sông Nhuệ chảy qua địa phận xã Hoằng Tây bị ô nhiễm. Bà Bùi Thị Viên, một người dân thôn Yên Lão cho biết, sáng sớm và đêm là 2 thời điểm trong ngày nước thải từ các khu công nghiệp từ Hà Nội, Đồng Văn đổ về.
Theo bà con Yên Lão, nguồn nước bị ô nhiễm từ khi sông Nhuệ chảy qua địa phận xã bị ô nhiễm. |
Sau khi đi khảo sát nguồn nước trên cả nước, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã xếp Yên Lão vào vị trí thứ 5 trong “top” 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất của cả nước. Kết quả thẩm định xét nghiệm nguồn nước ngầm tại thôn yên Lão cho thấy, nguồn nước ngầm ở Hoằng Tây có tỷ lệ tạp chất cao hơn tiêu chuẩn cho phép, trong đó hàm lượng asen cao hơn 0,01 mg/L có nơi còn lên đến 0,25 hoặc 0,3 mg/L so với giới hạn tối đa TCVN.
Theo tìm hiểu, cách đây 15 năm, xã có làm 2 trạm máy bơm nước sạch. Tuy nhiên, sau vài lần chạy thử nghiệm, chất lượng nước không khác gì nước của nhà dân nên bà con không ai dùng. Đến nay, công trình này bị bỏ hoang, 1 bên trạm còn có dấu hiệu nghiêng, sắp đổ. Nước sạch trở thành mong mỏi cấp thiết của hơn 1300 người dân thôn Yên Lão.
Phóng sự “Khát nước sạch ở một trong 5 làng ung thư của cả nước” sẽ được đăng tải đầy đủ trên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, số ra ngày 11/8/2015.