Nguy cơ tuyệt chủng cây thủy tùng trên đất Tây Nguyên

10:59 12/12/2014
Thủy tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, là loại thực vật được hình thành từ hàng triệu năm trước. Là loài không chỉ có giá trị lớn về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế do gỗ có mùi thơm, hoa văn và màu sắc đẹp được dùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Theo ghi nhận, hiện trên thế giới chỉ còn lại khoảng 162 cá thể thủy tùng tồn tại duy nhất ở Đắk Lắk nhưng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng bởi cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Bị săn lùng ráo riết

Những năm 80 của thế kỷ trước, huyện Krông Năng và Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk) được xem là “thủ phủ” của loài thủy tùng. Thậm chí, người ta sẵn sàng đốn hạ, vùi lấp hàng trăm héc ta cây thủy tùng để làm hồ thủy lợi. Điều này cũng dễ hiểu bởi vào   thời điểm đó, thủy tùng vẫn được xem là loài cây thông nước bình thường, thuộc nhóm gỗ tạp. Thế nhưng, những năm trở lại đây, giá trị của loài cây này dần được hé lộ, cộng với những lời đồn đoán có khả năng chữa bệnh ung thư, mang lại sinh khí cho ngôi nhà... nên có thời điểm, mỗi ngày có hàng trăm người chen nhau bới tung cả lòng hồ thủy lợi để tìm kiếm những cây thủy tùng bị vùi lấp. “Tiếng lành đồn xa”, các đầu nậu ở khắp nơi cũng lũ lượt kéo về mua bán mặc dù giá cả rất cao khiến cho loài cây này bị săn lùng ráo riết.

Trước thực trạng trên, đầu năm 2010, Trường Đại học Tây Nguyên lập dự án điều tra hiện trạng để làm cơ sở cho công tác bảo tồn. Qua công tác kiểm đếm, vào thời điểm đó, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn sót lại đúng 256 cây. Tháng 1/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án bảo tồn loài sinh cảnh thông nước và thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh này. Mặc dù đã được lực lượng chức năng tích cực vào cuộc bảo vệ trong những năm qua nhưng trước món lợi mang lại quá lớn, kẻ gian vẫn lén lút chặt hạ hàng trăm cây, hiện chỉ còn lại đúng 162 cây.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, quần thể thủy tùng ở xã Ea Ral (huyện Ea Hleo) số cây có chất lượng loại A chiếm 39,7%, số cây loại B 42,5% và loại C 17,8%. Còn tại xã Trấp Ksor (huyện Krông Năng) số cây loại A chỉ chiếm có 20%, loại B 46,7% và loại C là 33,3%. Còn các cây đơn lẻ khác chủ yếu là loại C. Như vậy, số thủy tùng còn sót lại trên địa bàn của tỉnh Đắk Lắk không những bị hạn chế về mặt số lượng mà còn giảm sút về mặt chất lượng.

Một cây thủy tùng hiếm hoi còn sót lại tại Đắk Lắk.

Quần thể thủy tùng Trấp Ksor hiện còn 21 cây, cây nhỏ nhất có đường kính 30cm, cây lớn nhất từ 3 - 4 người ôm, nhiều cây có tuổi thọ từ 500-600 năm. Năm 2012, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành dựng một con đập có chiều dài 300m tại khu sình lầy để giữ nước cho cây thủy tùng sinh trưởng, phát triển và phục vụ nước tưới cho sản xuất người dân trong vùng. Tuy nhiên, do khi thiết kế xây dựng đập không tính toán lưu lượng nước và các biện pháp xả nước nên một thời gian dài, mực nước trong vùng sình lầy luôn ở mức rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của cây.

PGS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Thủy tùng là loài cây phát triển tốt ở khu vực đầm lầy, nước cạn. Tuy nhiên cũng như bao loài cây ngập nước khác, thủy tùng chỉ phát triển được khi rễ thở không bị ngập nước để lấy ôxy. Theo khảo sát thì quần thể thủy tùng ở Trấp Ksor có bộ phận rễ thở mọc cách gốc từ 20-50cm tùy theo tuổi thọ của cây. Trong khi mực nước tại khu sình lầy Trấp Ksor luôn cao từ 80 đến 90 cm, vào mùa mưa, mực nước cao hơn 1m, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình lấy ôxy của rễ thở”.

Còn theo Tiến sĩ Trần Vinh, khảo sát nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên mới đây thì, nguyên nhân chính dẫn đến những cây thủy tùng bị chết, vàng lá, rụng lá trong thời gian qua là do ngập nước. Đối với các cây con, hiện có 84 cây được trồng thử nghiệm tại trạm Trấp Ksor đã chết do đập nước dâng cao, ngập hết các bộ phận của cây.

Khó khăn bảo tồn

Để bảo tồn loài thực vật quý hiếm, những năm qua các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều phương pháp để nhân giống. Một trong những phương pháp bước đầu cho tỉ lệ sống cao là dùng nhánh của thủy tùng ghép vào gốc của cây bụt mọc (một loài cây cùng họ với thủy tùng). Tuy nhiên, khi đưa 260 cây con vào trồng thử nghiệm ở 2 quần thể thủy tùng Ea Ral và Trấp Ksor, thì kết quả không như mong đợi. Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk, mặc dù đã trồng được 2 năm nhưng gần 300 cây thủy tùng ghép phát triển rất chậm, nhiều cây héo dần rồi chết.

PGS. TS Bảo Huy phân tích: Thủy tùng là loài cổ thực vật, có cách đây hàng triệu năm. Những cây cùng thời với thủy tùng hiện nay đa số đã bị tuyệt chủng. Do đó, xét theo góc độ quy luật tiến hóa tự nhiên thì việc thủy tùng biến mất cũng là điều bình thường, bởi thủy tùng không tiến hóa kịp với xu thế thay đổi của môi trường sinh thái. Vì thế, cố gắng chống lại quy luật của tự nhiên để bảo vệ thủy tùng thì việc chúng ta gặp nhiều khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Riêng về nghiên cứu ghép thủy tùng vào cây bụt mọc, bước đầu cho kết quả khả quan nhưng cần phải có thời gian để xem cây có phát triển được không. Vì thực tế, xét về nguồn gen, một khi đã ghép thủy tùng trên gốc cây mẹ khác, mặc dù là cùng họ và kết quả cây có phát triển tốt đi chăng nữa thì chưa hẳn đó thực sự là cây thủy tùng. “Vấn đề nan giải nhất hiện nay là sinh cảnh nơi thủy tùng sống đã thay đổi, nếu thành công trong việc lai tạo giống cũng chưa chắc đã bảo tồn được loài cây này”, PGS. TS Bảo Huy lo ngại.

Thuê bảo vệ 1 triệu đồng/cây/tháng

Theo ông Trần Xuân Phước, ngoài 2 quần thể thủy tùng tập trung ở Ea Ral và Trấp Ksor thì hiện nay còn có 3 cây khác nằm rải rác trong vườn của người dân. Để bảo tồn tuyệt đối loài cây này, Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk đã thuê 3 hộ dân bảo vệ với giá 1 triệu đồng/cây/tháng.

Văn Thành

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

Ngày 20/11, sau gần 40 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm, không quản khó khăn, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ và các đơn vị chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân trong vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào ngày 18/11 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhìn nhận mọi việc ở góc độ lãng phí thì "nhìn đâu cũng thấy", hiện hữu và yêu cầu xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Từ ngày 15/11 - 31/12/2024, THACO AUTO triển khai chương trình “Cùng Kia đón Tết tại Hàn Quốc”. Theo đó, khi mua xe Kia K5 hoặc Kia Sorento, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 490 triệu đồng.

Khi tòa tuyên tử hình, bị cáo Mển hối hận và xin được khoan hồng vì còn nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên với 2 lần vận chuyển hàng chục kg ma túy, sau khi xem xét HĐXX nhận định các tình tiết không đủ làm giảm nhẹ tội cho bị cáo Mển…

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết chuyên án A724p chống tội phạm ma túy. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文