Nhà máy xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Theo chị Sơn Thị Phi (một hộ dân sống gần khu vực ô nhiễm), tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài rất lâu. Gia đình chị Phi đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại lên các cơ quan chức năng nhưng không thấy Công ty khắc phục hay thay đổi gì cả. Hiện, cả ngày gia đình phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi thối; việc buôn bán của gia đình cũng bắt đầu đi xuống từ mấy năm qua, do khách không còn ghé vì không chịu được mùi hôi. Còn theo giải thích của ông Trần Trường Giang, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Sóc Trăng, từ cuối năm 2012, BQL các KCN và Công ty đã làm việc với nhiều đơn vị chuyên ngành môi trường để bảo trì nhà máy nhưng không đơn vị nào đảm nhận (?!).
Đến tháng 6/2014, Công ty có ký hợp đồng bảo dưỡng hàng năm với một đối tác tại Cần Thơ, nhưng sau 2 tháng thực hiện bảo trì, công ty kia cũng từ chối thực hiện hợp đồng bảo trì với lý do nhà máy quá tải, ô nhiễm cao. Hiện tại, BQL các KCN đã gửi yêu cầu bảo trì cho 2 đơn vị khác. Ông Giang cũng cho biết thêm, đơn vị đã yêu cầu các DN phải làm lưới chắn rác và xử lý sơ bộ nước thải trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Tuy nhiên, việc này chưa được các DN thực hiện nghiêm túc (?!).
Nước thải từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng KCN Sóc Trăng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu dân cư chung quanh. |
Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tập trung KCN An Nghiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Đến nay đã có 11 DN đấu nối nước thải vào hệ thống đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các DN trong KCN không xử lý sơ bộ, chỉ qua lưới chắn rác, xả thẳng vào hệ thống thu gom đưa về nhà máy, nhà máy xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường với công suất khoảng 2.800m3/ngày đêm. Nhưng hiện tại nhà máy phải tiếp nhận nước thải của các DN trung bình từ 3.300-3.800 m3/ngày đêm vượt từ 500-1000m3/ngày đêm. Lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong KCN. Khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như: bồn bồn, lục bình, rau ngổ… ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh KCN An Nghiệp. Tuy nhiên, việc nhà máy xử lý nước thải quá tải là chưa rõ ràng. Theo đó, công suất thiết kế là 4.000m3/ngày đêm, nhưng hiện nay chỉ xử lý đạt 70%, tương đương 2.800m3/ngày đêm mà đã quá tải. Điều này đặt ra nghi vấn về công suất thực trong việc xử lý nước thải của nhà máy so với thiết kế ban đầu; đồng thời chỉ ra năng lực thực sự của đơn vị này trong việc vận hành và xử lý nước thải.
Trước những bức xúc của người dân về việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại KCN An Nghiệp, mới đây, Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với lãnh đạo BQL các KCN và Công ty Phát triển hạ tầng KCN Sóc Trăng về tình hình vận hành, xử lý nước thải tại nơi này. Tuy nhiên, trước khi những quyết định, chế tài được đưa ra thì hàng ngày, những người dân sống chung khu vực này vẫn phải hít thở với sự ô nhiễm trầm trọng. Việc xả thải của Công ty đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc thờ ơ của các DN trong việc xả thải chất độc, ô nhiễm ra môi trường.