Nhiều sai phạm tại một dự án chung cư và cao ốc văn phòng
Dự án chung cư Nguyễn Kim - Khu B được xây dựng trên khuôn viên 6.218m², vị trí có 3 mặt tiền đường Lý Thường Kiệt, Nhật Tảo và Vĩnh Viễn thuộc quận 10. Đây là nền các chung cư lô N, O thuộc chung cư Nguyễn Kim cũ được cải tạo lại.
Mục đích của dự án là để phục vụ tái định cư cho các lô K, L, M, N khi cải tạo lại các lô chung cư này. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 6/2014, dự kiến hoàn thành sau 30 tháng thi công, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, gồm vốn chủ đầu tư và vốn huy động.
Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, qua kiểm tra 3 gói thầu thi công xây lắp thi công xây dựng phần ngầm: móng, hầm và sàn tầng trệt (tổng dự toán 147,7 tỷ đồng), gói thầu lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán (9,8 tỷ đồng) và gói thầu tư vấn giám sát (5,2 tỷ đồng) chủ đầu tư thực hiện theo hình thức chỉ định thầu là không đúng với quy định của Chính phủ.
Về công tác quản lý chi phí đầu tư, trong quá trình thực hiện dự án có một số thời điểm Công ty cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp (đối tác hợp tác thực hiện dự án) chưa thực hiện góp vốn đúng thời hạn để chi trả các chi phí phát sinh.
Tổng Công ty phải bỏ tiền ra trước và tính lãi phạt chậm góp vốn với số tiền gần 37 tỷ đồng cũng không đúng quy định. Gói thầu khoan địa chất do Công ty TNHH Thế giới Kỹ thuật thực hiện không có biên bản kiểm tra nhân lực, máy móc, thiết bị phục vụ khảo sát; nhật ký thi công không đánh số trang và xác nhận của chủ đầu tư.
Việc khởi công xây dựng chậm 2 năm so với kế hoạch dẫn đến dự án chậm tiến độ 3 năm. Về dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, quận 3.
Theo giấy chứng nhận đầu tư của UBND TP HCM, tổng số vốn hơn 244 tỷ đồng, trong đó vốn góp thuộc sở hữu của chủ đầu tư là hơn 73 tỷ đồng, phần còn lại là vốn huy động, vốn vay…
Công trình cao ốc văn phòng 257 Điện Biên Phủ, quận 3. |
Ngày 23/7/2014, chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (gọi tắt là Công ty Nguyễn Kim). Theo đó, tổng mức đầu tư ước tính 300 tỷ đồng, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn góp 45 tỷ đồng bằng giá trị thương quyền khu đất, chiếm 15% số điều lệ.
Công ty Nguyễn Kim góp bằng tiền mặt 255 tỷ đồng, chiếm 85% vốn điều lệ. Tính đến tháng 9/2020, Công ty Nguyễn Kim góp gần 169 tỷ đồng, còn Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chưa góp khoản kinh phí nào cả.
Theo thanh tra, khu đất 257 Điện Biên Phủ là đất thuê của nhà nước trả tiền hàng năm nhưng Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn kêu gọi đầu tư, góp vốn hợp tác thực hiện dự án mà không xin ý kiến và được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương là chưa phù hợp.
Mặt khác, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chỉ được sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê để góp vốn, còn giá trị thương quyền của khu đất là của nhà nước. Do vậy, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn phải nộp lại giá trị thương quyền khu đất vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt hơn, dự án cao ốc này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2006, đến nay đã 16 năm vẫn chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Tất cả các gói thi công đều chậm tiến độ, đến thời điểm thanh tra (tháng 1/2021) công trình còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Từ kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra TP kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP HCM đồng ý, giao cho Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến công tác đầu tư xây dựng dự án.
Nộp lại giá trị thương quyền khu đất 257 Điện Biên Phủ và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót theo kết luận thanh tra. Giao giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện TP quản lý, tùy mức độ sai phạm có biện pháp xử lý trách nhiệm phù hợp.
Năm 2020, Thanh tra TP cũng đã thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Từ năm 2017-2018, Tổng Công ty đầu tư tài chính tại 32 đơn vị với tổng giá trị góp vốn là 2.250,4 tỷ đồng nhưng chỉ có 18/32 đơn vị có lợi nhuận, cổ tức được chia, còn lại không có lợi nhuận hoặc thua lỗ.
Trong đó năm 2017 có 7 doanh nghiệp đầu tư bị lỗ, tổng số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2017 là hơn 40 tỷ đồng… Tại thời điểm thanh tra, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn còn 1.473 tỷ đồng nợ chưa thu hồi được, trong đó có khoản nợ phải thu là cổ tức, lợi nhuận được chia số tiền hơn 304 tỷ đồng.
Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch Nha Trang Golden Gate ở 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Dự án này do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/12/2014, trên khu đất có vị trí đắc địa bởi mặt tiền trải dài bên đường Trần Phú hướng ra vịnh biển Nha Trang. Với tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng, mục tiêu dự án xây dựng khu tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch cao cấp tiêu chuẩn 5 sao. Tại quyết định ngày 16/2/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa, cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang thuê đất thực hiện dự án 20.112m². Trong số đó có 8.224m² đất thương mại – dịch vụ được thuê trong thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất một lần để xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại; 4.675m² đất ở đô thị được giao đất có thu tiền sử dụng đất để xây dựng căn hộ chung cư. Ngoài ra, trong dự án này còn có 7.212 m² đất thuê trả tiền hàng năm, bao gồm công viên cây xanh 3.541m²; đất giao thông, sân bãi 3.670m². Tháng 9/2016, Cục thuế tỉnh Khánh Hòa có quyết định miễn giảm 3,4 tỷ đồng tiền thuê đất đối với Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang. Theo đó, chủ đầu tư dự án Nha Trang Golden Gate chỉ nộp khoảng 75,9 tỷ đồng tiền thuê đất. Sau khi chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tháng 4/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm 12.900m² cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang. Trong đó có 4.675m² đất ở đô thị được giao đất có thu tiền sử dụng đất và 8.224m² đất thương mại – dịch vụ cho thuê trong thời hạn 50 năm. Dự án Nha Trang Golden Gate điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, nhưng đầu năm 2017, Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang đã thi công xây dựng dự án Nha Trang Golden Gate, nên tháng 5/2017, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với đơn vị thi công. Do chưa giải quyết được nhiều vướng mắc, trong đó có việc điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch, nên dự án Nha Trang Golden Gate vẫn trong tình trạng ì ạch hơn 6 năm qua, hoạt động thi công xây dựng cũng phải tạm dừng do chưa có giấy phép xây dựng. Sau một thời gian xác minh về sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa xác định có sự việc phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí” nên quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật. H.Toàn |