Nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tiền BHXH

08:42 03/06/2015
Nắm rõ quy định, thủ tục về việc lập hồ sơ đăng ký, chi trả tiền BHXH theo chế độ thai sản, dưỡng sức cho người lao động, Thắng đã câu kết với một đối tượng làm giả hồ sơ chiếm đoạt tiền chi trả BHXH.

Lúc 13h ngày 20/5/2015, Phạm Thị Ngọc Hằng (28 tuổi, ngụ phường Hiệp Phú, quận 9) đến bảo hiểm xã hội (BHXH) quận 9 lấy tên giả là Lê Thị Thu Thảo để làm thủ tục ứng tiền chế độ thai sản và dưỡng sức cho nhân viên công ty. Nghi ngờ có dấu hiệu làm giả hồ sơ nên BHXH quận 9 đã trình báo cơ quan Công an.

Qua làm việc với Hằng, Công an quận 9 truy xét nhanh và mời Lê Thành Thắng (36 tuổi, chồng Hằng) đến cơ quan Công an làm việc.

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Thắng là nhân viên hợp đồng làm việc tại BHXH quận Thủ Đức. Trong quá trình công tác, Thắng nắm rõ các quy định, thủ tục về việc lập hồ sơ đăng ký, chi trả tiền BHXH theo chế độ thai sản, dưỡng sức cho người lao động. Do tham, Thắng nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền chi trả BHXH. Thắng trao đổi với Hằng và được Hằng đồng tình ủng hộ.

Thực hiện kế hoạch, Thắng thuê một Công ty luật tư vấn làm các thủ tục để thành lập doanh nghiệp (DN) tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh. Thắng và Hằng mượn giấy chứng minh nhân dân (CMND) của một số người để đứng tên Giám đốc DN và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thắng và Hằng thành lập tổng cộng 10 DN “ma” có trụ sở tại nhiều quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Khi đã có tư cách pháp nhân, Thắng và Hằng tiếp tục mượn giấy CMND của nhiều người thân quen để tạo lập khống hồ sơ nhân viên làm việc cho các DN do Thắng và Hằng điều hành.

Vì quyền lợi nên người lao động làm việc tại các công ty luôn thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH.

Lợi dụng quy định người lao động đóng BHXH từ 6 tháng trở lên thì được hưởng tiền bảo hiểm chế độ ốm, thai sản, dưỡng sức, Thắng và Hằng đã đăng ký và đóng tiền BHXH cho các hồ sơ nhân viên khống này từ 6-8 tháng rồi ngưng đóng, đồng thời lập hồ sơ cho nhân viên nghỉ sinh đẻ hoặc cho thôi việc, sau đó làm thủ tục để chiếm hưởng số tiền lớn theo chế độ ốm đau, thai sản, và dưỡng sức từ BHXH của các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trong hồ sơ hưởng tiền chế độ thai sản cho các nhân viên lao động chỉ cần giấy chứng sinh (bản sao y), hoặc bản sao giấy khai sinh do sản phụ sinh ra. Để có các loại giấy tờ trên trong hồ sơ của nhân viên khống, Thắng và Hằng tìm cách xin các giấy tờ này của những người sinh đẻ thật. Ngoài ra, Thắng và Hằng còn thuê một số đối tượng bên ngoài xã hội (không rõ lai lịch) để làm giả giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh. Sau đó, Thắng dùng các giấy tờ này làm thủ tục hưởng bảo hiểm. Trung bình cứ 1 hồ sơ khống, vợ chồng Thắng, Hằng đóng tiền bảo hiểm 14 triệu đồng, nhưng sau đó làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm khoảng 40 triệu đồng.

Căn cứ vào các hồ sơ do các đơn vị BHXH cung cấp, ban đầu xác định được Thắng và Hằng chiếm đoạt của các cơ quan BHXH ở các quận 1, 2, 3, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Xác định hành vi của Thắng và Hằng có dấu hiệu tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, ngày 21/5/2015, cơ quan CSĐT Công an quận 9 đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với Thắng và Hằng. Qua khám xét nơi ở của vợ chồng Thắng, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ nhiều con dấu, hồ sơ của nhiều công ty TNHH khác nhau.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá một đường dây làm giả hồ sơ để chiếm đoạt số tiền lớn ở BHXH huyện Nhà Bè. Vụ việc bị phát hiện khi một Công ty bị thất lạc sổ BHXH của người lao động nên đề nghị BHXH TP Hồ Chí Minh cấp lại sổ mới. Qua kiểm tra, sổ BHXH này đã được BHXH huyện Nhà Bè giải quyết trợ cấp hơn 20,7 triệu đồng, trong khi đó, người đứng tên sổ BHXH khẳng định không có đề nghị và cũng không ký nhận khoản tiền này. 

Cuối cùng, một nhân viên BHXH huyện Nhà Bè đã thừa nhận cùng một số cá nhân khác nhận hồ sơ trái quy định, nâng khống thời gian, mức đóng BHXH để chiếm đoạt số tiền trên.

Ngay sau đó, BHXH TP Hồ Chí Minh ra Quyết định kiểm tra toàn bộ 4.556 hồ sơ của BHXH Nhà Bè trong việc giải quyết trợ cấp một lần thì phát hiện có đến 361 hồ sơ chi sai phạm làm thất thoát gần 5,6 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong đường dây này, đối tượng ngoài xã hội đã móc nối với các DN trên địa bàn huyện để mua sổ BHXH của người lao động. Sau đó, chúng câu kết với một số nhân viên, cán bộ BHXH bị biến chất để nâng khống thời gian, mức đóng BHXH trong các hồ sơ, chiếm đoạt tiền BHXH chia nhau. Trong 4 đối tượng bị truy tố có 3 đối tượng nguyên là nhân viên, lãnh đạo BHXH.

Việc chiếm đoạt tiền BHXH đã xảy ra trong thời gian dài ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng cho đến nay vấn nạn này hầu như chưa được ngăn chặn. Những thủ đoạn của các đối tượng đã bị cơ quan chức năng “lật tẩy” trong thời gian qua gồm: Làm giả hồ sơ, thủ tục cấp sổ BHXH để được hưởng chế độ hưu trí cho một số người không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Làm giả hồ sơ thai sản, đau ốm, tai nạn. Làm giả hồ sơ bảo hiểm y tế...

Phổ biến nhất, đó là tình trạng các DN không đóng BHXH mặc dù hàng tháng vẫn trừ lương của người lao động. Để ngăn chặn tình trạng tiền BHXH bị các DN chiếm dụng, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý hình sự, chứ chỉ dừng lại ở mức dân sự thì chỉ mang tính răn đe, chưa quyết liệt.

Thúy Hà

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

Ngày 10/1, lãnh đạo UBND TP Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng khiến 1 người từ vong và 4 người khác phải nhập viện cấp cứu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文