Các dự án BT ngàn tỷ của Hà Nội: "Rờ" đâu cũng có vấn đề
Các dự án đều phát sinh chi phí đầu tư
7 dự án được tập trung kiểm tra, thanh tra là: Dự án Nhà máy nước Yên Sở, Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên và Dự án nút giao thông Long Biên.
Nội dung vi phạm chủ yếu tại các dự án này được TTCP xác định do UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT; không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT thẩm định, phê duyệt chưa chính xác làm sai tăng tổng vốn đầu tư. Đồng thời, việc giám sát thực hiện hợp đồng của UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ, hầu hết các dự án chậm tiến độ, kéo dài làm phát sinh chi phí đầu tư.
Đối với Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT là 19,561 tỷ đồng. Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An cũng tăng gần 28 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy nước Yên Sở khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng. |
Dự án nút giao thông Long Biên tăng giá trị hơn 34 tỷ đồng vì công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng; tăng 12,3 tỷ đồng do sai sót trong tính toán khối lượng dự toán và áp dụng đơn giá định mức… Dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên do dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng.
Đối với Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT.
Thi công trước khi có quyết định phê duyệt dự án
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, quá trình thương thảo và ký kết hợp đồng BT kéo dài, phức tạp, nhiều nội dung không cụ thể, đồng nhất. Có trường hợp ký hợp đồng BT sau khi dự án khởi công và chấp thuận đưa vào dự án, đưa vào nội dung hợp đồng các hạng mục nhà đầu tư đã tự thi công và hoàn thành trước đó.
Cụ thể như: Dự án Nhà máy nước Yên Sở thực hiện khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng BT, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi ký hợp đồng BT không có sự tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, của các sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội.
Dự án này cũng chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quy định để xem xét quyết toán đối với một số hạng mục chi phí (chi phí lãi vay, chi phí luật...) theo đề nghị của nhà đầu tư. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2 (khoảng 10.000m3/ngày) chưa được Công ty Gamuda Việt Nam tiến hành qua bước thu gom xử lý theo quy định.
Giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của nhà đầu tư là hơn 9,8 triệu USD không có hồ sơ tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng đào vét thực tế, đơn giá, định mức thực hiện…
Tại dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, do thi công cọc và sàn giảm tải, đường chắn mố cầu vượt sông Nhuệ phát sinh tăng mật độ cọc trị giá gần 8 tỷ đồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư. Chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện, nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc khảo sát với giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, trong đó giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư, đôn đốc chỉ đạo, giám sát các đơn vị cấp dưới triển khai, thực hiện hợp đồng BT và các dự án đối ứng…
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội – Hưng Yên trong giai đoạn thực hiện theo quy định của Nghị định số 78/2007/NĐ-CP.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý về kinh tế cụ thể đối với từng dự án, đồng thời làm rõ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát các công trình; yêu cầu các nhà đầu tư tập trung hoàn thành đúng tiến độ các dự án BT để phục vụ yêu cầu giải tỏa ùn tắc giao thông của TP Hà Nội; kịp thời điều chỉnh sai sót trong việc tính toán khối lượng, áp dụng đơn giá định mức, biện pháp thi công… ở các bước đầu tư xây dựng, lập hồ sơ đề nghị quyết toán đúng quy định của pháp luật.