Quy hoạch nghĩa trang gắn với xây dựng nông thôn mới
- Hoàn thiện Quy hoạch nghĩa trang mới và nhà tang lễ quốc gia
- Quy hoạch nghĩa trang ở Hà Nội: Không được bỏ quên người có thu nhập thấp
- Quy hoạch vùng, khu dân cư phải đồng thời quy hoạch nghĩa trang
Mồ mả lấn chiếm đất trồng lúa, trồng cây
Đến xã Đồng Tâm, phường Hội Hợp (TP Vĩnh Yên); xã Tân Phong, Tam Hợp, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên), có thể bắt gặp hàng ngàn ngôi mộ nằm trên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm. Hầu hết các ngôi mộ được xây bằng gạch nung, xi măng trộn cát thành khối khá chắc chắn, có diện tích lớn nhỏ khác nhau, không có hàng, lối… gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp, nhất là khâu cày bừa, làm đất, thu hoạch bằng cơ giới.
Dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, các tuyến đường chính về các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch... có rất nhiều mồ mả được xây dựng trên đất lúa, không thành hàng, thành lối. Các mồ mả được xây dựng tùy theo quan niệm, theo phong thủy của mỗi gia đình, dòng họ và mỗi ngôi mộ một kiểu dáng, một kích thước.
Theo phản ánh của người dân, sở dĩ mồ mả được xây dựng lộn xộn trên đất trồng lúa là do từ nhiều năm trước, không ít địa phương không coi trọng việc quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không hợp lý... Nhiều nghĩa trang, nghĩa địa của các địa phương hiện đã quá chật hẹp, sử dụng hết phần diện tích chôn cất theo quy hoạch.
Trong khi đó, chưa quy hoạch thêm và bố trí thêm các khu nghĩa trang, nghĩa địa mới, dẫn tới tình trạng người dân xây mồ mả trên ruộng lúa. Bà Nguyễn Thị N. ở xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Nhà tôi gần khu vực cánh đồng Gò Chân Chim của xã, ngay bên đường có rất nhiều mộ mới được xây. Vào mùa cải táng, nhiều gia đình sau khi cải táng xong không thu dọn các đồ đạc chôn cất, gây mất vệ sinh”.
Thành phố Vĩnh Yên có hai nghĩa trang quy mô lớn, là nơi chôn cất người dân địa phương khi qua đời nhưng hiện đã quá tải. Điển hình như nghĩa trang cây số 4, tọa lạc tại một quả đồi tại xã Định Trung, sau nhiều lần mở rộng đã nâng lên khoảng 12ha, nhưng nay đã kín mồ mả, không thể mở rộng thêm vì vướng vào đất ở và vườn liền kề, đất canh tác của người dân.
Nghĩa trang Núi Trống, thuộc địa bàn phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, rộng khoảng 10ha, sau nhiều năm sử dụng nay cũng sắp đầy, khó có thể mở rộng thêm vì phạm vi xung quanh hầu hết đã được xác định của các chủ thể khác. Phần lớn các nghĩa trang, nghĩa địa nhỏ lẻ khác ở Vĩnh Yên do người dân ở các phường, xã, thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng tự phát, hiện cũng đã đầy.
Quy hoạch nghĩa trang gắn với các tiêu chí mới
Để khắc phục tình trạng lấy đất lúa để xây dựng mồ mả, tỉnh Vĩnh Phúc đang quy hoạch nhiều nghĩa trang nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời tích cực tuyên truyền vận động người dân thay đổi tâm lý, phong tục tập quán... Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết số 175/2015/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân (thân nhân của người chết) trực tiếp lo việc hỏa táng cho người chết có hộ khẩu thường trú tại tỉnh. Các cơ quan, tổ chức trực tiếp lo việc hỏa táng cho các đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm điều trị HIV của tỉnh, người vô gia cư không có người thân khi chết trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/1 ca hỏa táng.
Tại kỳ họp thứ 20 diễn ra vào đầu tháng 12-2020, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí hỏa táng trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa của gia đình, dòng họ...
Vĩnh Phúc đã ban hành quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng, quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật, các văn bản pháp luật có liên quan. Việc quản lý, sử dụng đất trong nghĩa trang phải đúng theo quy hoạch, theo vị trí khu mộ, hàng mộ và phần mộ. Việc giao đất mai táng trong nghĩa trang phải thực hiện lần lượt trong khu mộ, hàng mộ theo quy hoạch, quy chế quản lý và dự án đầu tư được phê duyệt.
Đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, cho phép hợp đồng đăng ký trước phần mộ cho các đối tượng, gồm: Người từ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định do Bộ Y tế ban hành, người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang. Tỉnh không cho phép mua bán, sang nhượng phần mộ đã đăng ký trước đối với các đối tượng nêu trên...