Quỳnh Lưu, Nghệ An: Bao giờ dân hết khát?

11:07 16/09/2009

Người dân biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Nhà máy nước sạch chỉ đủ cung cấp một phần nhu cầu cho dân nay lại bị bán cho công ty tư nhân với lời hứa tăng công suất để đủ nước cho người dân. Dự án nhà máy nước mới chưa biết bao giờ có, bao nhiêu người dân nơi đây tiếp tục... chờ nước.

Hứng nước mưa, mua nước máy

Quỳnh Lưu có gần nửa số xã chạy dọc bờ biển. Phần lớn người dân vật lộn sống bằng nghề biển. Bao nhiêu năm nay, họ không thể dùng nguồn nước ngầm tại chỗ vì bị nhiễm mặn. Thiếu nước ngọt, người dân biển phải trông chờ vào nước trời và mua nước máy với giá nước "ngọt".

Hầu hết các gia đình ở đây đều có một bể chứa nước mưa để dùng. Đây là nguồn nước uống và sinh hoạt chủ yếu. Vì nước giếng bị nhiễm mặn chỉ để rửa. Mùa mưa thì đủ nước dùng. Trời hạn kéo dài thì phải tính tiết kiệm tối đa mới đủ. Mùa hè, mỗi khi cần tắm, người ta lại chạy xuống biển rồi về nhà dội lại bằng nước ngọt. Họ phải tính toán dùng nước như đong gạo nấu cơm.

Nhà chị Tâm ở xóm 7, xã Sơn Hải phải xây cái bể ngầm to đùng để chứa nước mưa. Nhà có 5 người nên phải tằn tiện từng giọt nước. Chị nói: "Không xây bể lấy nước mưa thì có mà uống... nước biển. Nhà nào chẳng thế. Nhà tui hứng nước từ mái ngói còn đỡ, có nhà lấy nước từ mái nhà lợp pơ rô xi măng uống vào thế nào mà chẳng mắc bệnh".

Khi nước mưa hết, người dân phải mua nước máy với giá cắt cổ. Mỗi xe nước 2 khối từ trên thị trấn Cầu Giát chở về giá lên đến 120.000 đồng. Nước ăn uống sinh hoạt hằng ngày đã chật vật, nhiều ngư dân còn phải lo có nước ngọt đi biển. Khi nước dự trữ đã cạn, người đi biển phải mua nước máy cho mỗi chuyến ra khơi. Bình thường một thuyền đi biển dài ngày phải mua 20 thùng nước ngọt với giá 20.000 đồng/thùng. Riêng tiền nước đã mất ngót nghét nửa triệu bac. Cộng thêm tiền ăn, tiền dầu, tiền công... nhiều chuyến đi về lỗ nặng. Bởi vậy nhiều chủ thuyền đành để thuyền nằm bờ.

Anh Phạm Ngọc Duy, xóm 4 Sơn Hải cho biết: "Ở đây 2/3 gia đình làm nghề biển. Mỗi chuyến đi mà nước ngọt cũng mua thì biết chắc là lỗ. Chẳng lẽ ngồi ở nhà ôm nhau chết đói".

Mấy năm nay vòi nước sạch nhà bà Ngô Thị Dung (xóm 7, Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) mới chỉ dùng một lần.

Tình trạng thiếu nước ngọt không chỉ tồn tại mà người dân các xã khác như: Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận, An Hòa... cũng phải sống trong cảnh "khát" nhiều năm nay. Năm 2004, hàng ngàn người dân ven biển Quỳnh Lưu khấp khởi mừng thầm khi dự án đưa nước sạch về cho dân bắt đầu được triển khai. Chẳng những không được sử dụng mà người dân còn khổ sở dẫn đến ngán ngẩm vì nước sạch.

Riêng tại xã Sơn Hải, đến tháng 11/2007, nước sạch được đưa về cho bà con. Nhưng khi dùng hết 2m3 nước xả đường ống thì nước sạch cũng chẳng mấy khi được dẫn về nữa. Đường ống dẫn nước đắp chiếu bỏ không, vòi nước để cho gỉ sét vì chẳng mấy khi đụng đến.

Bà Trần Thị Linh, xóm 6, Sơn Hải cho biết: "Năm 2007, nhà tui bỏ 1 triệu lắp đặt ống nước máy. Nhưng từ đó đến nay, một năm chỉ vài lần có nước. Mỗi lần có thì lúc đầu nước vàng đục, sau đó nước trong cũng chỉ nhỏ giọt". Hầu hết những gia đình lắp đường ống dùng nước sạch đều trong tình trạng như bà Linh. Bể nước sạch lúc nào cũng khô cạn, vòi nước để hỏng.

Bao giờ có nước sạch?

Khi đưa vấn đề nước sạch của bà con hỏi chính quyền xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) thì ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã đồng thời là Trưởng ban Quản lý dự án nước sạch cho biết: "Dự án đưa nước sạch do xã làm chủ đầu tư, có vốn 4,2 tỷ đồng do Công ty Nước sạch Nghệ An thi công. Đến nay, nước chưa có vì công trình chưa bàn giao".

Trong khi đó ông Trần Ngọc Vinh, Giám đốc Nhà máy Nước sạch Cầu Giát cho biết: "Một số xã đã có đường ống nhưng không có nước về vì khi triển khai dự án chưa thanh toán tiền nước thử vòi". Thực tế thì công suất của Nhà máy Nước Cầu Giát cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu hiện tại của người dân Quỳnh Lưu.

Được biết, Nhà máy Nước sạch Cầu Giát được xây dựng từ năm 1996 với công suất thiết kế là 3.000m3/ngày đêm. Nhưng thực tế công suất hoạt động của nhà máy chỉ đạt khoảng 2.000m3/ngày đêm. Vì vậy lượng nước chỉ đủ cấp cho khu vực thị trấn Cầu Giát.

Ông Vinh cho biết thêm: "Vì không đủ nước nên chúng tôi phải luân phiên bơm cho các xã một ít". Trước đây ông Vinh đã đề xuất nâng công suất nhà máy lên 10.000m3/ngày đêm và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo quyết định. Theo đó UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư dự án với số vốn 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện Quỳnh Lưu không triển khai dự án vì thiếu vốn.

Sau đó, huyện Quỳnh Lưu đã quyết định chuyển giao Nhà máy Nước Cầu Giát cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Nghệ An. Ông Hồ Phúc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Nhà máy nước hoạt động theo mô hình bao cấp không hiệu quả. Chúng tôi chuyển giao cho công ty cổ phần nhằm thực hiện mô hình xã hội hóa trong quản lý nước".

Theo phía huyện Quỳnh Lưu thì Công ty cổ phần Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Nghệ An cũng cam kết sẽ sớm triển khai dự án và cung cấp đủ nước cho người dân. Tuy nhiên, chưa biết đến bao giờ nhà máy nước mới đi vào hoạt động. Hàng ngàn người dân nhiều xã của huyện Quỳnh Lưu vẫn tiếp tục sống với cơn "khát" nước sạch...

Minh Thông

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文