Sớm gỡ vướng cho công trình thủy lợi nghìn tỷ

06:21 07/07/2020
Với dung tích thiết kế 34,8 triệu m3, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 477ha thuộc địa phận xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên), công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm là một trong số rất ít dự án thủy lợi lớn ở miền Trung. Khi hoàn thành, hồ chứa nước Mỹ Lâm đảm bảo nguồn nước tưới cho 2.000ha lúa, 500ha mía, 800ha ao hồ nuôi cá nước ngọt và cung cấp nước sinh hoạt cho 3.800 hộ gia đình.


Dự án gồm ba hợp phần, trong đó, Ban quản lý (BQL) đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư đầu mối công trình; BQL các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên đảm trách các hạng mục xây lắp 45km kênh mương cùng nhiều công trình, hạng mục phụ trợ; UBND huyện Tây Hòa đảm trách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.              

Dân chưa nhận được bồi thường, hỗ trợ

Đến công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm giữa buổi sáng đầu tháng 7-2020, thế nhưng, bên cạnh không khí khẩn trương của công trường với trên 200 công nhân cùng hàng trăm xe thiết bị kỹ thuật, xe cơ giới chuyên dụng vận hành xuyên suốt ngày đêm, chúng tôi chứng kiến hình ảnh một lán trại do ông Hà Văn Ban, trú ở thôn Mỹ Xuân 2, xã Hòa Thịnh cùng một số người dân thiết lập tại ví trí thi công đập đất chặn dòng để cản trở thi công.

Một hạng mục trong dự án thủy lợi hồ chứa nước Mỹ Lâm đang được thi công.

“Nơi tôi lập lán trại là khu đất gia đình tôi đã sản xuất nông nghiệp ổn định, liên tục hàng chục năm qua. Khi nhà nước thu hồi đất để đầu tư dự án hồ chứa nước này, gia đình tôi đồng thuận chuyển giao 28.000m2 đất cho chủ đầu tư, thế nhưng hơn 1 năm qua, nhiều hạng mục xây lắp đã hoàn thành nhưng tôi cùng nhiều người dân chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ, trong khi xã, huyện hứa hẹn nhiều lần khiến cho tôi cùng nhiều người dân bức xúc…”, ông Ban bày tỏ.

Một người dân khác ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh là ông Nguyễn Thanh Lịch tâm sự, gần 30.000m2 đất của gia đình ông sản xuất ổn định từ năm 1986 đến nay đã được chuyển giao để thi công hồ chứa nước Mỹ Lâm. Gia đình ông mong muốn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ trọn gói để có nguồn vốn chuyển đổi chăn nuôi, ổn định đời sống, thế nhưng mức bồi thường chưa thỏa đáng, nguồn chi trả nhỏ giọt không thể nào đầu tư chăn nuôi.

Ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình không thống nhất với cách xác định nguồn gốc đất của địa phương, đặc biệt là 13 ha đất công ích ở xã Hòa Thịnh không được chính quyền địa phương quản lý để cho người dân khai phá, sản xuất ổn định hơn 25 năm qua mà không bị xã xử lý, lập thủ tục cho thuê; một số trường hợp người dân quản lý, sử dụng đất có suối nước nhưng lúc đầu UBND huyện Tây Hòa không đưa vào thông báo thu hồi đất, một thời gian sau mới bổ sung mà không được bồi thường, hỗ trợ.

Chính quyền và chủ đầu tư nói gì?

Làm việc với cơ quan chức năng, PV Báo CAND được biết, khi triển khai dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm, UBND huyện Tây Hòa đã thông báo thu hồi 477,36 ha đất của 461 hộ gia đình cá nhân và 3 tổ chức tập thể với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ 80 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5-2020, địa phương đã giao 325,48ha đất (68,18%) cho các đơn vị thi công và mới chi trả bồi thường, tái định cư hơn 30 tỷ đồng (37,5%).

Ông Lương Trần Thống Nhất, cán bộ kỹ thuật BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 cho biết, các hạng mục ở đầu mối công trình đang được thi công khẩn trương, trong đó tràn xả lũ và cống dẫn nước đã xây lắp hoàn thành 80-90% khối lượng công việc, riêng hạng mục đập đất chặn dòng yêu cầu tiến độ đến ngày 30-9-2020 phải đạt cao trình 25m mới đảm bảo đủ điều kiện chặn dòng, thế nhưng đơn vị thi công đào đắp đến cao trình 16m (30%) thì phải tạm dừng vì người dân thiết lập lán trại, cản trở thi công.

“Đập đất chặn dòng là hạng mục quan trọng trong kết cấu hồ chứa nước Mỹ Lâm nên chất lượng đất phải được tuyển chọn, kiểm nghiệm rất kỹ; thời gian đắp đập phải được tính toán “thời điểm vàng” để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trước mùa mưa bão, thế nhưng người dân cản trở, thi công tạm dừng. Nếu trở ngại kéo dài thì nguy cơ sẽ mất “thời điểm vàng”, hạng mục đập đất chặn dòng sẽ chậm tiến độ”, ông Nhất bày tỏ.

Ông Mai Ne – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết, người dân lập lán trại từ ngày 15-6 đến nay để cản trở thi công vì việc bồi thường chậm trễ do vướng vấp một số vấn đề cần có sự vào cuộc của tỉnh và Trung ương. Vì thế huyện chưa có đủ căn cứ xác định, áp giá đền bù cho người dân.

Cụ thể là khi triển khai dự án, UBND tỉnh Phú Yên đã lập thủ tục chuyển đối 31ha đất rừng phòng hộ, 65ha đất lúa, đến ngày 30-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 396/TTg-NN cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án, còn 31ha đất rừng phòng hộ Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt.

Mặt khác, trong một thời gian dài UBND xã Hòa Thịnh buông lỏng quản lý đất đai, gần 13ha đất cập nhật trong hồ sơ địa chính xã, huyện, tỉnh là đất công ích, thế nhưng xã bỏ hoang để cho người dân khai phá, sản xuất nông nghiệp hàng chục năm nhưng không nộp tiền thuê đất, đến khi kiểm kê bồi thường để thi công hồ chứa nước Mỹ Lâm thì người dân cho rằng họ khai hoang đất để sản xuất ổn định từ trước năm 1995 đến nay, không ai tranh chấp, chính quyền địa phương cũng không xử lý để lập thủ tục cho thuê đất nên họ đòi bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Theo ông Mai Ne, ngoài việc chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 31ha rừng phòng hộ, UBND huyện Tây Hòa đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gần 67ha thuộc lâm phần BQL rừng phòng hộ huyện Tây Hòa, “xóa sổ” 13ha đất ở xã Hòa Thịnh ra khỏi hồ sơ đất công ích, đảm bảo phù hợp thực tế để có cơ sở thu hồi đất và bồi thường cho người dân đã quản lý sử dụng ổn định, liên tục.

Mặt khác, UBND huyện Tây Hòa đã trích kinh phí của địa phương để tạm ứng cho một số hộ gia đình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất thi công dự án, sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ tiếp tục thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân quy định.

Hồ chứa nước Mỹ Lâm là công trình thủy lợi lớn, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội một địa bàn rộng lớn ở Phú Yên, trong tổng nguồn vốn đầu tư có 920 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và 80,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Phú Yên. Theo dự kiến, công trình hoàn thành trong tháng 6-2012, nếu không giải ngân được 60% nguồn vốn đầu tư trước ngày 30-9 tới thì nguy cơ bị rút vốn có thể xảy ra, kể cả nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vì thế, UBND tỉnh Phú Yên và UBND huyện Tây Hòa cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng vấp tồn tại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, trong khi chờ tháo gỡ vướng vấp tồn tại, người dân cần tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vi thi công xây lắp hoàn thành hạng mục đập đất chặn dòng trước mùa mưa bão.

Hữu Toàn

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文