Xóa nhà siêu mỏng và phát triển nhanh hạ tầng giao thông
Những năm qua, tình trạng nhà có diện tích siêu nhỏ xuất hiện ở một loạt tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và gần đây là tuyến đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám…
Để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo nằm ngay mặt tiền đường gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả” đã được TP HCM phê duyệt sẽ hướng tới xóa bỏ những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng.
Việc này sẽ được thực hiện bằng cách thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để thực hiện tái định cư tại chỗ cho những người bị ảnh hưởng, gồm cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng. Mỗi hộ dân bị thu hồi đất đều được nhận lại một diện tích đất nhất định, tỉ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do việc xây dựng hạ tầng, mở rộng đường sá mang lại.
Thành phố cũng sẽ quy hoạch lại hai bên hạ tầng và phần đất dôi dư được bán đấu giá để thu tiền phục vụ triển khai thực hiện. Điều kiện là phương án này phải được đưa ra lấy ý kiến từ những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của người bị thu hồi đất đồng thuận, chính quyền sẽ phê duyệt phương án.
Nhận định về vấn đề này, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM cho rằng, đề án trên là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển đô thị. Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam phân tích, theo quy định hiện nay, người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Trong khi đó, đề án của thành phố cho phép người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ.
Phần diện tích đất dôi dư sau khi bố trí tái định cư cho các hộ dân sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó. Tuy vậy, theo TS Sử Ngọc Khương, phương án đền bù hiệu quả nhất cho người bị thu hồi đất không nằm ở việc giá đất được đền bù là cao hay thấp, mà cốt lõi vẫn nằm ở sự đồng thuận của người dân.
Do đó việc giải quyết chỉ bằng góc nhìn tài chính là chưa đủ. Tiến Sĩ Khương cũng lưu ý, cần nhận thức rằng, trong một số hoàn cảnh, đất nằm trong diện tái định cư của người dân là đất của tổ tiên, ông bà và gia đình họ. Vì thế phải giải quyết như thế nào để có sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của chính những cư dân này.
TP HCM còn hàng chục ngàn căn nhà siêu mỏng, siêu méo khi thực hiện mở rộng đường ven sông, rạch. |
Trước thực trạng TP HCM hiện có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó nhà ở riêng lẻ vẫn còn chiếm đến 88%, phần còn lại mới là căn hộ chung cư. Trong khi đó, xu thế phát triển đô thị tại TP HCM vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang” và “thấp tầng”.
Thực trạng này kéo theo một loạt tồn tại như chưa đáp ứng yêu cầu về đô thị hóa cũng như phát triển đô thị hiện đại; chưa đảm bảo được nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ môi trường; chưa hình thành được nhiều đô thị vệ tinh có mật độ dân số tập trung... Từ đó dẫn tới việc khó kết nối hạ tầng, đặc biệt là kết nối hệ thống giao thông có sức chở lớn.
Để giải quyết thực tại này, những năm qua, chuyên gia về giao thông Mai Trọng Tuấn đã nhiều lần đề xuất thành phố giải pháp mở rộng đường theo hình thức thu hồi cả quỹ đất hai bên đường với chiều rộng từ 100-200m để phát triển chung cư cao tầng. Người dân bị ảnh hưởng sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ và được chi trả phần chênh lệch về giá trị nhà đất đã bị thu hồi theo giá thị trường. Phần còn lại đem đấu giá để trả chi phí cho nhà đầu tư hoặc dành làm hạ tầng công cộng.
Giải pháp này cũng phù hợp với xu thế phát triển căn hộ cao tầng của thành phố, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển nhanh hạ tầng giao thông, chấm dứt hình thành những căn nhà siêu mỏng, siêu méo và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an cư cho người dân khi chấm dứt tình trạng cứ một vài chục năm lại tính chuyện mở rộng đường như thời gian qua.