Bò sữa chết bất thường sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục

09:37 07/08/2024

Những con bò sữa đang khỏe mạnh bỗng đồng loạt mắc các triệu chứng bất thường rồi lăn ra chết khiến người chăn nuôi bàng hoàng, kinh hãi...

Bò sữa chết tức tưởi

Chiều ngày 6/8, con bò trưởng thành, mỗi ngày đều đặn cho khoảng 30kg sữa của gia đình ông Trần Thành Nam (SN 1955, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã chết tức tưởi dưới bàn tay vỗ về của chủ nhân. Lúc phóng viên tiếp cận, dù con bò đã chết cách đó ít phút nhưng từng tảng lớn máu đông cứng vẫn bắn ra ngoài từ đường hậu môn. Điều này khiến những người chứng kiến kinh hãi.

Ông Trần Thành Nam bên con bò sữa vừa chết với những tảng máu bắn ra ngoài từ đường hậu môn.

Bên kia góc chuồng, con bê sữa gần một năm tuổi của gia đình ông Nam cũng đã kiệt sức, nằm bệt dưới nền đất. Đôi mắt con vật xấu số lừ đừ, không còn đứng dậy được nữa. Vợ ông Nam, bà Phạm Thị Tuyền, mắt rưng rưng, nói số phận con bê này đã được định đoạt: “Nó sẽ chết trong tối nay hoặc ngày mai thôi!..”. Điều đáng sợ hơn, nhiều con bò sữa khác trong chuồng trại cũng đồng loạt có các triệu chứng bất thường. Đó là dấu hiệu mà con bò sữa vừa chết đã mắc phải.

Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Phương (SN 1984), vừa gọi chủ lò mổ tới bán tháo 2 con bò sữa trưởng thành vừa chết với giá 7 triệu đồng. Ở tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, bà Lê Thị Ánh Hồng (SN 1970), cũng liên tục gọi điện hối thúc chủ lò mổ trong vùng tới chở con bò sữa sắp chết đi nhưng chủ lò không mấy mặn mà. Phía cuối thôn, vợ chồng ông Võ Văn Bay (SN 1974) cuống cuồng, chạy ra chạy vào mà không biết phải làm gì để cứu đàn bò. Một con bò sữa trưởng thành đã đi ngoài ra máu. Đó là triệu chứng tiến rất gần tới cái chết...

Tất cả các con bò trước khi chết đều có những triệu chứng giống nhau.

Thống kê tới chiều tối ngày 6/8, chỉ tính riêng thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng có khoảng 20 con bò sữa đã chết. Người dân trong thôn quả quyết, nguyên nhân dẫn tới bò sữa chết bất thường, hàng trăm con khác các triệu chứng đang chuyển nặng là do tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò. Các gia đình đã tiêm loại vắc xin trên đều cho biết, sau khi tiêm khoảng 3 ngày, bò đồng loạt bỏ ăn, ho, sốt, sùi bọt mép, sản lượng sữa giảm đột ngột… Một tuần sau các triệu chứng chuyển nặng nhanh chóng. Bò ốm yếu, đi phân loãng, khi đi ngoài ra máu thì chết.

Cần sớm làm rõ nguyên nhân

Bà Nguyễn Thị Phương cho biết, ngày 23/7, nhân viên thú y của xã Hiệp Thạnh tới gia đình bà hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò. Loại thuốc được tiêm có tên gọi là vắc xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Thuận An, tỉnh Bình Dương). Mỗi con bò được tiêm 2cc thuốc. Gia đình bà Phương đã tiêm cho 22/25 con, 3 con bê còn nhỏ, đang bú sữa nên được nhân viên thú y chỉ định không tiêm. Đàn bò của gia đình bà Phương sau khi tiêm vắc xin đều xuất hiện triệu chứng bất thường, tới ngày 6/8 đã có hai con đã chết. Riêng 3 con bê không tiêm sức khỏe bình thường.

Những con bò sữa đã chết được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục cách đó khoảng 1 tuần.

Ngày 24/7, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1978), tổ 19, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh cũng được nhân viên thú y tới tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục cho 17 con bò sữa. Tới nay, 2 con bò của gia đình bà Loan đã chết, những con khác đang có triệu chứng chuyển nặng. Theo bà Nguyễn Thị Loan (SN 1974), ngụ tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, vài ngày sau khi tiêm vắc xin cho 28 con bò sữa, ngoài xuất hiện các triệu chứng phổ biến như trên, 3 con bò sữa đang mang thai từ 3 - 4 tháng tuổi của gia đình bà đồng loạt sảy thai.

Đáng chú ý, trại bò của một số gia đình trong thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh chưa tiêm loại vắc xin trên đến nay vẫn khỏe mạnh bình thường. Ông Võ Văn Thiện (SN 1978) cho biết, ngày 23/7, nhân viên thú y của xã Hiệp Thạnh đem vắc xin nhược độc đông khô NAVET-LPVAC tới, hướng dẫn ông chích cho mỗi con 2cc. Do bận công việc, gia đình ông Thiện xin thuốc để tự chích ngừa sau. Tới nay, hộ ông Thiện vẫn chưa chích nên hơn 60 con bò vẫn khỏe mạnh bình thường.

Loại vắc xin được tiêm trên đàn bò sữa của thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh.

Một trường hợp khác là hộ chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (SN 1985), ngụ tổ 20, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh. Do bận công việc, vợ chồng chị Kiều không thể phối hợp với nhân viên thú y để tiêm vắc xin cho đàn bò. Tới nay, đàn bò sữa 45 con của gia đình chị Kiều vẫn bình thường. Hay ngay trong nội bộ một đàn bò, những con bê còn nhỏ, đang bú sữa, được chỉ định không tiêm loại vắc xin trên thì vẫn khỏe mạnh.

Ông Phạm Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh cho biết, kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò tại địa phương từ ngày 22 đến 31/7. Việc tiêm vắc xin được thực hiện miễn phí. Tổng đàn bò của thôn Bồng Lai là hơn 3.400 con, trong đó có hơn 2.900 con bò sữa, hiện đã tiêm được trên 80%. Sau khi tiêm vắc xin, tới nay có khoảng 20 bò sữa đã chết. “Trên 2.000 con bò sữa của người dân thôn Bồng Lai đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục đang xuất hiện các triệu chứng bất thường khiến người dân hết sức hoang mang!..”, ông Hiếu cho biết.

Bà Lê Thị Ánh Hồng bên con bò sữa sắp chết.

Đây là lần thứ 3 người chăn nuôi bò tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục trên trâu bò miễn phí. Hai lần trước là loại vắc xin nhập ngoại. Sau khi tiêm, đàn bò khỏe mạnh bình thường.

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, trong sáng nay (7/8), lãnh đạo huyện sẽ đối thoại với người dân thôn Bồng Lai về tình trạng bò chết. Huyện cũng sẽ làm việc với cơ quan thú y để sớm làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn tới bò của nhiều hộ dân chết bất thường.

Hàng loạt con bò sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da, nổi cục đang có những triệu chứng bất thường.

Tình trạng bò chết sau khi tiêm vắc xin từ 1 tới 2 tuần cũng xảy ra tại huyện Đơn Dương, nặng nhất là xã Tu Tra. Ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, ngay khi nhận được thông tin bò sữa chết, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với ngành thú y triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, lấy mẫu để phân tích truy tìm nguyên nhân.

Khắc Lịch

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Chiều 12/9, tại Hà Nội, Cục Truyền thông CAND tổ chức Lễ phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tham dự buổi lễ có các đồng chí trong Đảng uỷ, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, đại diện lãnh đạo Báo CAND, Truyền hình CAND, Nhà xuất bản CAND, các phòng chức năng và CBCS, nhân viên Cục Truyền thông CAND.

Do nước sông Bưởi lên cao, những ngày qua, hàng trăm hộ dân tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá bị ngập lụt. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ dùng thuyền cứu trợ, cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân.

Bị can Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi, qua đó gây ra thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN (tính đến ngày 28/6/2023).

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố sau bão số 3, ngày 12/9, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do bão, lũ gây ra

Trong hai ngày 11 và 12/9, TAND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Hương (còn gọi là “cô đồng bổ cau”, SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Trong những ngày qua, người dân đều bắt gặp hình ảnh CBCS Công an Thủ đô dầm mình trong mưa lũ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của dân sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào đất liền.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân (CSND) I đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Trung tướng, TS Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đã dự và phát biểu tại buổi lễ. Nhân dịp này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng nhà trường.

Mỗi quốc gia cần xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm và xây dựng mạng lưới hợp tác an ninh cộng đồng. Thúc đẩy nghiên cứu, tìm hiểu những thành tựu, mô hình, kinh nghiệm trên thế giới, rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt, từ đó, nâng cao tư duy, năng lực quản trị xã hội trong bảo đảm an ninh cộng đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文