Bốn năm chưa xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm từ việc xử lý rác thải
Năm 2019, Báo CAND đã có bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải, khí thải phát sinh từ một số doanh nghiệp tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của Đồng Nai đã vào cuộc để chấn chỉnh tình hình, yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm khắc phục, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn...
Thời gian qua, nhiều hộ dân sống gần khu vực xử lý rác thải sinh hoạt này tiếp tục phản ánh bức xúc vì mùi hôi thối, không khí khá ngột ngạt tỏa ra khu dân cư ngày đêm. Theo một số người dân ở khu vực này, mùi hôi bốc lên từ khu vực xử lý bằng phương pháp chôn lấp rác thải sinh hoạt rộng hàng chục ha thuộc Công ty CP Môi trường Sonadezi.
Tại đây, rác thải sinh hoạt sau khi được tập kết về đã không được che chắn, nước rỉ rác chưa được xử lý tràn ra môi trường. Người dân cho rằng, một phần mùi hôi trong không khí là do việc xả thải khí từ doanh nghiệp xử lý rác thải công nghiệp trong Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân đã xác nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu vực xử lý chất thải Vĩnh Tân đã được nhiều hộ dân phản ánh. Chính quyền địa phương đã cử cán bộ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Vĩnh Cửu xuống khảo sát thực tế, ghi nhận ý kiến của người dân để kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát.
Từ phản ánh của người dân và báo cáo của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai sau đó cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Cụ thể, Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân.
Kết quả cho thấy, Công ty CP Môi trường Sonadezi có hố chôn lấp rác ký hiệu SH4 và nước rỉ rác chưa được bơm trung chuyển về nơi quy định. Hố chôn chất thải sinh hoạt ký hiệu SH5 của công ty này cũng chưa được phủ bạt hoàn chỉnh, phía giáp suối Cạn còn để nước mưa tràn ra ngoài, có hố nước màu đen cạnh tường rào khu xử lý rác. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục ngay tình trạng trên.
Ông Bùi Xuân Hùng, Giám đốc công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho biết, để minh bạch trong việc xả khí thải, doanh nghiệp đã gắn hai bảng hiệu công ty lên ống xả và lắp đặt hệ thống camera ghi hình và lưu trữ dữ liệu 24/24 để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Ngoài ra, công ty cũng đã chủ động tạo một dòng chảy nước mưa tách biệt với dòng chảy chung trước đây với Công ty CP Môi trường Sonadezi.
Sau kiểm tra, ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi tỉnh trường Đồng Nai đã thừa nhận, việc lượng rác rác lớn do Công ty CP Môi trường Sonadezi tập kết, chưa được chôn lấp và che chắn đã làm phát sinh mùi hôi ra môi trường trong thời gian qua.
Tại Công ty CP môi trường Thiên Thanh, qua kiểm tra, khi đó Bộ TNMT đã phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt với số tiền 140 triệu đồng về việc xả khí thải chưa qua đạt chuẩn ra môi trường. Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cũng đã xử phạt DN này số tiền 90 triệu đồng vì đã không thực hiện đúng theo yêu cầu báo cáo đánh giá tác động về môi trường được phê duyệt.
Theo phản ánh, không chỉ bị ảnh hưởng bởi mùi khói độc, người dân còn nghi ngờ nguồn nước thải của nhà máy rác gây tác động tới môi trường xung quanh. Khi nhà máy rác Thiên Thanh đi vào hoạt động một thời gian, cá trong các ao xung quanh nhà máy đều chết hết, cỏ cây cũng cháy khô. Nước giếng khoan vốn là nguồn để ăn uống chính của người dân, thì sau đó chỉ dám dùng để tưới cây, rửa tay chân còn người dân phải dùng nước đóng bình. Lò đốt chất thải nguy hại của công ty có công suất đốt 1 tấn chất thải/giờ, dùng để đốt một số loại chất thải nguy hại như chất thải từ ngành y tế và thú y, nhựa đã qua sử dụng, dầu mỡ thải…
Hiện nay người dân vẫn bức xúc về ô nhiễm nói trên nên tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng của Bộ TNMT cần sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực này.