Các quận, huyện của Hà Nội không xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm đất đai ở bãi sông, ngoài đê

16:31 19/12/2024

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 19/12, các đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành và địa phương của TP Hà Nội liên quan đến những vi phạm kéo dài trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương phản ánh, tại khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng và sông Đuống có thực trạng nhiều phương án chuyển đổi mô hình kinh tế được các địa phương phê duyệt và cho các cá nhân, tổ chức đấu thầu thuê đất công, đất nông nghiệp công ích để phát triển kinh tế. Song, các cá nhân, tổ chức đã chuyển sang sử dụng đất vào các mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, khu sinh thái hoặc thậm chí xây dựng nhà xưởng, công trình tạm làm kho bãi…

“Đề nghị Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của Sở khi để xảy ra tình trạng trên? Sở đã tham mưu UBND TP các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tránh phát sinh thêm và đảm bảo không lãng phí tài sản nhà nước chưa?”, ông Duy Hoàng Dương nêu. Ngoài ra, theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Vũ Ngọc Anh, qua khảo sát thực tế khu vực ngoài bãi sông, tình trạng tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng với diện tích, chiều cao chất tải lớn nằm trong tuyến thoát lũ sông Hồng, sông Đuống.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đàm Văn Huân cũng đặt vấn đề, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình xử lý các vi phạm đất đai, số trường hợp vi phạm tính đến hết ngày 31/12/2023 còn phải xử lý là 24.100 trường hợp (bao gồm cả trong và ngoài đê). Trong các buổi giám sát của Thường trực HĐND TP tại các quận, huyện, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị Sở bóc tách riêng số lượng trường hợp vi phạm trong và ngoài đê.

Hà Nội: Các quận, huyện không xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm đất đai ở bãi sông, ngoài đê -0
Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đàm Văn Huân đặt câu hỏi. 

“Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử lý thêm được bao nhiêu trường hợp vi phạm và còn tồn bao nhiêu trường hợp vi phạm? Khi nào có thể xử lý hết được các vi phạm và trách nhiệm của Sở trong việc phối hợp và đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện?”, ông Huân chất vấn.

Trả lời các câu hỏi trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, thời gian qua, các quận, huyện đều xây dựng tiến độ triển khai thực hiện với nguyên tắc không để phát sinh vi phạm mới liên quan đến đất đai và xây dựng tại khu vực bãi sông và ngoài đê. Ông Nam nêu thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương cho các cá nhân, tổ chức thuê đất nông nghiệp trồng cây nhưng khi hết thời hạn 5 năm cho thuê thì việc xác định các tài sản trên đất còn khó khăn. Vì theo quy định, các tài sản này không đủ căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất.

Về các giải pháp thời gian tới, ông Lê Thanh Nam cho biết, Sở cũng như các đơn vị tiếp tục thực hiện nguyên tắc không để phát sinh sai phạm mới và xử lý dứt điểm sai phạm cũ, đặc biệt phải tuân thủ các quy định theo quy hoạch chung của TP.

Tại phiên họp giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời làm rõ thực trạng người dân vi phạm xây dựng các nhà đơn lẻ khu vực ngoài đê, bãi sông ở huyện Phúc Thọ và một số địa phương khi chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm. Trong đó, Sở Xây dựng đã tổ chức họp với các chuyên gia, đơn vị, quận/huyện để hướng dẫn triển khai các văn bản về nội dung liên quan cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu bãi sông và ngoài đê. Đến nay, các địa phương triển khai tích cực và đã cấp được 574 giấy phép.

Một công trình xây dựng trên hành lang thoát lũ ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Ông Phong thông tin thêm, đối với huyện Phúc Thọ, từ năm 2022, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn huyện cấp giấy phép nhà ở riêng lẻ trên địa bàn. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng của huyện không thực hiện và để xảy ra vi phạm này thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND huyện. Không chỉ ở Phúc Thọ, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định vi phạm trật tự xây dựng liên quan đến đất đai hay đê điều để từ đó có phương án, rõ thẩm quyền để xử lý dứt điểm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng đề nghị, các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, trong đó có các dự án nằm trong khu vực bãi sông, ngoài đê. Kinh nghiệm từ đợt mưa lũ vừa qua tại sông Hồng cho thấy, các đơn vị liên quan của TP chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp trong cả mùa cạn và mùa mưa lũ; thực hiện các phương án thiết kế nhà ở riêng lẻ của người đang dân sinh sống trong hành lang thoát lũ sao cho hợp lý, hiệu quả. 

 Hà Nội cấp phép 25 trạm trộn vi phạm quy định đê điều

Ngày 19/12, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có nêu các vụ việc vi phạm tại Hà Nội. Cụ thể, Công ty CP Chế tạo máy Hồng Hà xây dựng 15 nhà xưởng, diện tích khoảng 16.000m2 và 1 khu nhà điều hành, diện tích 350m2 nằm trong hành lang thoát lũ, vi phạm quy định tại Điều 7 Luật Đê điều năm 2006. Công ty Sao nam sông Hồng và Công ty CP cây cảnh Bảo Linh vi phạm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7 Luật Đê điều, Điều 12 Luật Đất đai và đã bị cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ đạo xử lý vi phạm lần lượt 12 lần và 9 lần nhưng không dứt điểm, triệt để nên các vi phạm tồn tại đến nay.

Giai đoạn từ năm 2018 - 2023, UBND TP Hà Nội cấp phép cho 11 công ty thực hiện đầu tư xây dựng 25 trạm trộn bê tông ở bãi sông Hồng không đúng đối tượng theo quy định. 11 công ty này gồm: Công ty CP Cảng Khuyến Lương, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Nguyễn, Công ty TNHH Vận tải sông Hồng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đức Mạnh, Công ty CP cảng Hồng Hà, Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Bách Khoa, Công ty CP Đầu tư xây lắp và khai thác Cảng, Công ty TNHH Kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang, Công ty TNHH Nam Sơn, Công ty CP sản xuất và thương mại THM-CONCRETE.

N.Yến

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt các nhãn hàng hóa giả mạo, kém chất lượng được đưa ra thị trường. Nhiều người dân bị “lừa” bởi  họ thiếu cơ sở để truy xuất nguồn gốc cũng như nguồn thông tin để tự kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cảng cá Cửa Việt, như một bến hẹn thầm lặng giữa trùng khơi và đất liền, vào mùa vụ cá Nam – một mùa vụ rất quan trọng với ngư dân Quảng Trị, không lúc nào ngớt tiếng máy tàu, tiếng khàn khàn của bộ đàm và cả tiếng rao của những bạn thuyền gọi nhau tiếp đá, đổ dầu, mang lương thực.

Ngày 9/7, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức khởi dựng 2 kịch ngắn nói về tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, bao gồm: “Chuyện nhà chị Tín”, “Miền Nam trong trái tim Bác”. Đây là các tác phẩm nằm trong chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” – chương trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2025).

Truyền thông Ấn Độ hôm 9/7 dẫn thông tin từ cảnh sát bang Bihar, miền Đông nước này, cho biết 5 thành viên trong một gia đình gồm hai vợ chồng, hai con và người bà, đã bị giết hại dã man tại nhà riêng sau khi bị hàng xóm nghi ngờ là phù thủy gây ra bệnh tật và tai ương cho những người trong làng.

Qua công tác thanh, kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội phát hiện 70% điểm bán thức ăn đường phố khó truy xuất nguồn gốc, 68 bếp ăn tập thể vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Thời gian tới, Hà Nội sẽ thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho học sinh bán trú nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình chế biến và giảm các khâu trung gian.

Việc ngành Thể thao Việt Nam vừa công bố hợp tác triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong huấn luyện tại bốn môn trọng điểm là bắn súng, bắn cung, taekwondo, boxing được kỳ vọng sẽ tạo nên đột phá, từ đó áp dụng thêm ở các môn khác.

Quá trình thanh tra phát hiện việc đấu giá 21 lô đất tại huyện Long Hồ (cũ), nay là phường Thanh Đức (tỉnh Vĩnh Long) đã để xảy ra sai phạm, thiếu sót và làm hạn chế cá nhân tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án nhà ở.

Chiều muộn ngày 9/7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Bạch Đằng, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (TP Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc cô giáo bạo hành bé gái là học sinh một trường mầm non và Công an phường đã có báo cáo cụ thể. Hiện nay, bé gái đang được cơ quan chức năng đưa đi giám định thương tích.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.