Cần thận trọng khi lên phương án xây dựng các quảng trường quanh hồ Thiền Quang

07:59 22/02/2024

Đồ án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang đang được UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lấy ý kiến người dân. Đáng chú ý, điểm nhấn của kế hoạch này là việc thiết kế 5 quảng trường. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thận trọng khi xây dựng phương án này vì nếu không khéo sẽ khiến bê tông hoá không gian và không tôn vinh được các di sản xung quanh.

Cụ thể, UBND quận Hai Bà Trưng đang lấy ý kiến người dân về đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500. Theo đồ án, quanh hồ Thiền Quang được định hướng xây dựng quảng trường trung tâm và 4 quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông. UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7 ha, nằm trên hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, phía bắc giáp đường Nguyễn Du, phía tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía đông giáp phố Quang Trung và phía nam giáp phố Trần Nhân Tông.

Trong đồ án, đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có 5 quảng trường. Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Quảng trường này cũng kết nối với công viên Thống Nhất và các khu vực khác. Hiện vào cuối tuần, đoạn phố Trần Nhân Tông được tổ chức thành phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa giải trí và thương mại.

Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang. Quảng trường mùa Xuân, mùa Hạ nằm ở hai góc hồ phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ.

Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung dành cho các hoạt động vui nhộn. Quảng trường mùa Đông (đoạn ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng) là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, các hoạt động sẽ tĩnh hơn như chơi cờ, thể dục, câu cá. Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ; khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông. 

Đa số dư luận đều ủng hộ chủ trương vì các hạng mục của quy hoạch đều nhằm phục vụ người dân với kỳ vọng không gian quanh hồ Thiền Quang sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng vì nếu không khéo sẽ biến hồ Thiền Quang thành một chiếc ao tù. Trao đổi với chúng tôi, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, xung quanh khu vực hồ Thiền Quang có rất nhiều di sản. Giáp với đường Trần Nhân Tông là công viên Thống Nhất, một biểu tượng của Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, mang tư tưởng thống nhất đất nước.

Mô hình quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông.

Theo ông Nghiêm, trước năm 1958 đây là bãi rác của TP. Năm 1958, Ủy ban hành chính TP quyết định xây dựng nơi này thành công viên để làm nơi giải trí cho nhân dân Thủ đô. Và đây là công trình do sinh viên, học sinh, nhân dân TP đã lao động công ích để xây dựng. Năm 1960 công trình hoàn thành. Ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới đây trồng một cây đa lưu niệm. Cái tên Thống Nhất chính là tình cảm, khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân Thủ đô.

“Gần đây nhất, bên cạnh hồ, cũng trên phố Trần Nhân Tông đã xây dựng tượng đài CAND rất đẹp và ý nghĩa. Tiến lên chút nữa là Rạp xiếc Trung ương, cũng là một biểu tượng của Hà Nội. Có thể nói quanh khu vực hồ Thiền Quang có rất nhiều di sản, không phải chỉ là di sản truyền thống mà còn là di sản cách mạng mà cả dấu ấn của thời hiện đại nữa. Nên phải rất thận trọng khi thực hiện quy hoạch này”, ông Nghiêm nói.

Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, để thực hiện, phải đảm bảo cho người dân thấy thuận lợi. “Các nhà quản lý khi thực hiện làm sao phải tôn vinh được các di sản khác lên, phát huy giá trị các di sản nhưng phải để người dân thấy gần gũi. Như vậy, một trong những giải pháp là phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, huy động năng lực quản lý. Tôi thấy việc quận Hai Bà Trưng lấy ý kiến rộng rãi nhân dân là việc làm đúng đắn”, ông Nghiêm chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng dẫn chứng bài học kinh nghiệm khi làm dự án cải tạo khu vực hồ Hoàn Kiếm: “Hồ Hoàn Kiếm đã 2 lần lập quy hoạch, một vài lần tổ chức cuộc thi quốc gia, có công trình được giải thưởng nhưng nhân dân phản ứng vì không hợp lý nên không làm được. Vì cuối cùng mục đích là phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ quản lý. Mấy quảng trường này phải xem lại xem làm gì. Hồ Thiền Quang không lớn. Và không phải chỉ có tư vấn giỏi, không phải chỉ có nhà quản lý năng động, chuyên gia giỏi mà phải lấy nhân dân phải là nền tảng, gốc rễ”.

Còn theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thuật ngữ quảng trường dùng để chỉ không gian rộng được sử dụng cho các hoạt động đa năng. Về tính chất, quảng trường không khác gì một công viên khi tạo ra không gian công cộng để người dân sử dụng. Ông Ánh cho rằng không nên nặng nề với cụm từ "quảng trường" và nhiều người vẫn đang hiểu quảng trường là một công trình đồ sộ, bề thế, trong khi thực tế, đây có thể chỉ là một khoảng không gian mở, có thêm công trình nghệ thuật tạo điểm nhấn. Người dân tìm đến không gian công cộng là để được chữa lành, nên hãy tìm cách để thiết kế thân thiện nhất có thể, đừng dùng những khối bê tông, đá lát để "bức tử" nó.

Ngọc Yến

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang trao tặng lẵng hoa và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN và toàn thể tăng, ni, phật tử một mùa Phật đản an lạc, cát tường.

Sáng 20/5, TAND tỉnh Lào Cai mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng 15 bị cáo khác trong vụ án: “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến hành vi khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit .

Ngày 20/5, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lường Văn Nam (SN 1992, ở tại Xuân Hòa, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa song Người để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá. Di sản Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính Người sáng tạo, để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam.

Với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo kiểu “bò ngang”, các chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng dư nợ TPDN đạt tối thiểu khoảng 20% GDP đến năm 2025, và đạt 25% đến năm 2030 là rất thách thức.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文