Gỡ khó nhà ở cho công nhân

Chật vật trong căn nhà trọ tồi tàn (bài 1)

08:45 21/07/2023

Những căn nhà trọ chỉ chừng 10 -12m2 lợp mái tôn, mùa hè thì nóng bức, mưa thì lo dột nước ẩm thấp đang là chỗ ăn ở của hàng nghìn lao động xa quê tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại địa phương, đang là nơi tập trung rất đông công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long này, cuộc sống khó khăn của công nhân lao động được thể hiện rất rõ nét.

Chi tiêu tằn tiện, tính từng đồng cho mỗi bữa ăn, và khổ nhất là việc lo chỗ ở, cứ mỗi lần tăng lương giá cả vùn vụt tăng theo là họ lại phải nhấp nhổm đi tìm những căn phòng trọ có giá rẻ hơn.

Thương con cũng chỉ biết “để trong lòng”!

Có mặt tại thôn Bầu vào những ngày Hà Nội đang nắng nóng kỷ lục, chúng tôi mới hiểu rõ vất vả của nhiều gia đình công nhân KCN Thăng Long đang thuê trọ tại đây. Nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như ổ chuột, mỗi phòng thường được xây dựng với diện tích từ 10 - 12m2. Các dãy trọ cấp 4 thể hiện rõ sự cũ nát, xuống cấp theo thời gian. Tường bao quanh khá thấp, xung quanh tường ẩm mốc cùng với những mảng vỡ loang lổ, nhiều đám mốc bám sát chân, mái thì được lợp tôn hoặc lợp bằng fibroximang. Hầu hết các khu nhà trọ này đều có các khu vệ sinh, tắm giặt được bố chí chung trong một khoảng không gian nhếch nhác.

Căn phòng trọ chỉ khoảng 12m2 nhưng là nơi ăn ở, sinh hoạt của cả gia đình 4 người nhà anh Chấn.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chẩn (quê ở Hà Giang) là những công nhân đã có “thâm niên” thuê trọ ở đây. Căn phòng chừng 12m2 là không gian sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống của cả gia đình 4 người. Đã cuối giờ chiều nhưng không khí trong phòng vẫn hầm hập do cái nóng từ bên ngoài tràn vào và từ trên mái tôn hấp xuống. Những ngày qua, cái nóng khủng khiếp khiến 2 đứa trẻ nhà anh nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Thương con, vợ chồng anh Chẩn cũng nhiều lần bàn tính lắp điều hòa cho con cái dễ chịu. Thế nhưng rồi, sau nhiều lần bàn tính vợ chồng anh cuối cùng đã quyết định mua một cái quạt hơi nước.

“Đêm đến nhìn con vật vã không ngủ được, cũng xót xa lắm. Thế nhưng lương của cả hai vợ chồng hàng tháng chỉ khoảng 12 triệu đồng mà phải chi rất nhiều khoản như tiền học cho 2 con, tiền ăn của cả gia đình, tiền nhà trọ, tiền điện nước... Hàng tháng chỉ đủ chi tiêu, thậm chí chẳng may con ốm còn phải đi vay để thuốc thang, bệnh viện. Tiền điện ở đây, chúng tôi không được dùng như hộ gia đình mà mỗi kW điện sẽ tính giá từ 3.000 - 4.000 đồng. Nếu lắp điều hòa thì tiền điện sẽ tăng rất cao, thu nhập hàng tháng rất khó cân đối. Chính vì thế nên thương con cũng chỉ biết để trong lòng”, anh Chẩn chia sẻ. 

Tiêu chí thuê nhà trọ của hầu hết công nhân lao động ở đây đặt ra là phải rẻ. Điều này cũng dễ hiểu khi thu nhập của họ không cao, đặc biệt hiện nay khi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó khăn, công nhân không còn được tăng ca, làm thêm để có thêm thu nhập. Áp lực về cơm áo, gạo tiền khiến các công nhân đều phải cân nhắc kĩ trong việc mua sắm, thậm chí là việc mua thực phẩm hằng ngày cũng phải tính toán. Lương bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, giá cả leo thang thì những chi phí như tiền nhà, tiền điện nước luôn là gánh nặng đối với công nhân lao động xóm trọ. Đối với những gia đình có con nhỏ thì khó khăn lại nhân đôi lên nữa.

“Nắng thì không sao, chịu khó nóng một chút vẫn ngủ được, nhưng nếu trời mưa to, nước mưa không thoát kịp sẽ bị chảy ngược vào phòng rất khổ. Phòng nhỏ chật hẹp khá bất tiện cho sinh hoạt, khu vệ sinh tắm giặt được bố trí chung cũng rất phức tạp”, anh Lê Văn Quân (SN 1996, quê Thanh Hóa) cho biết. Căn phòng trọ rộng chưa tới 10m2, chỉ riêng chiếc giường đã chiếm gần nửa diện tích là chỗ ở của Quân và một người bạn nữa. Dạo này công ty ít tăng ca, ít làm thêm nên tổng thu nhập cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này còn phải chia năm sẻ bảy trang trải cho nhất nhiều thứ, nên phải sống hết sức tằn tiện.

60% công nhân đang phải thuê trọ

Nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng, đó là thực tế đang diễn ra tại tất cả các địa phương có nhiều KCN thu hút nhiều công nhân lao động. Chính vì không bố trí được chỗ ở cho công nhân mà đa số công nhân phải ra ngoài thuê nhà trong những khu nhà trọ không đảm bảo được cuộc sống.

Là địa phương địa phương tập trung nhiều KCN và có đông công nhân ngoại tỉnh đến làm việc, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN và KCX Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 10 KCN với xấp xỉ gần 170 nghìn công nhân đang làm việc, nhu cầu nhà ở của người lao động hiện nay thành phố chưa đáp ứng được.

“Trong số 10 KCN thì chỉ có 4 KCN có khu nhà ở công nhân, nhưng cũng đã triển khai xây dựng từ gần 20 năm trước. Tỷ lệ số nhà ở dành cho công nhân lao động mới đáp ứng được trên 13%. Tổng số nhà ở công nhân dành cho người lao động mới bố trí được trên 22 nghìn chỗ ở trên tổng số gần 170 nghìn công nhân”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.   

Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: CTV

60% công nhân đang phải thuê trọ bên ngoài, đây là con số được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra sau khi khảo sát thực trạng nhà ở của công nhân tại các KCN trên cả nước. Mặc dù thu nhập thấp, đặc biệt lại đang bị ảnh hưởng về việc làm nhưng chi phí thuê nhà hàng tháng chiếm đến 30% trên tổng thu nhập của họ.

Theo Tổng LĐLĐVN, phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng 10m2, với mức thuê từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, với những phòng từ 15 - 20m2 thường có giá trên 1 triệu. Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. 10m2 này vừa là chỗ sinh hoạt, vừa là chỗ ngủ, nghỉ. Chỗ ở của công nhân thường ẩm thấp, tạm bợ và không lâu dài, nhanh xuống cấp, điều kiện không đảm bảo khiến sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp.

“Phải thực tế cuộc sống của họ, chúng ta mới thấy xót xa. Chúng ta hiện có hàng triệu công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, họ là đội ngũ trực tiếp sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội nhưng cuộc sống hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn về nhà ở là một vấn đề rất bức thiết mà chúng tôi đã đề cập rất nhiều lần. Một vấn đề rất lớn cần được quan tâm nữa là cuộc sống của những đứa trẻ, con em công nhân trong những khu nhà trọ này. Các điều kiện về chăm sóc, học hành cho các cháu cũng không được đảm bảo. Chúng ta lâu nay vẫn nói rất nhiều về việc quan tâm đến đời sống của công nhân lao động, nhưng thực tế vẫn đang còn khoảng cách rất xa. Chúng ta vẫn đang nợ họ rất nhiều”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chia sẻ.

P.Hoạt – T.Khanh

Dự báo, khu vực ven sông các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương tiếp tục ngập lụt trong khoảng 3-6 ngày tới. Vùng ngoài đê sông Hồng, sông Nhuệ tại Hà Nội, nước rút sau 2-3 ngày tới, riêng vùng ven sông Bùi ở Chương Mỹ ngập thêm 10-13 ngày tới.

Ngày 13/9, công tác tìm kiếm cứu nạn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai), tiếp tục được triển khai với sự tham gia của hàng trăm người.

Vào đêm qua, sau nỗ lực làm việc xuyên ngày đêm của lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị doanh nghiệp, một số tuyến đường từ trung tâm huyện Bát Xát tới các xã, trong đó có Mường Hum, nơi 142 giáo viên, học sinh Trường THCS và THPT số 3 xã Mường Hum, Bát Xát (Lào Cai) thoát nạn vụ sập nhà bán trú. Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được địa bàn để tiếp tế lương thực, thực phẩm, đưa người bị nạn đi điều trị sau 4 ngày liên tục bị cô lập.

Ngay từ khi cơn bão số 3 đổ bộ với diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, toàn lực lượng Công an Hải Dương đều nhận thức sâu sắc rằng, cùng với đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thì phòng chống thiên tai, bão, lụt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Lực lượng Công an triển khai rất hiệu quả đề án phòng chống tội phạm ma tuý ở các xã biên giới. Theo đó, tất cả các xã biên giới triển khai làm sạch ma tuý, cai nghiện cho các đối tượng nghiện, quan tâm đến an sinh xã hội, chú trọng tuyên truyền người dân không tham gia các hành vi vi phạm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文