Thiếu thuốc, vật tư y tế, người bệnh khốn khổ

Chi tiền túi mua thuốc, bao giờ được trả? (bài 1)

08:13 09/08/2024

Chờ mổ lâu, bỏ tiền túi mua thuốc và vật tư, thức đến nửa đêm về sáng để xạ trị… là những điều mà người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn đang phải gánh chịu do thiếu thuốc, vật tư y tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Y tế cũng có nhiều giải pháp để gỡ khó tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024; ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu để các bệnh viện, cơ sở y tế công lập thuận lợi đấu thầu, mua sắm được thuốc, vật tư y tế. Song đến nay đã là tháng 8/2024, tình trạng thiếu thuốc, vật tư vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở y tế công lập khiến người bệnh khốn đốn.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế đang diễn ra ở không ít bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: CTV.

Mỗi ngày chi 3 – 6 triệu tiền thuốc

Có mặt tại phố Phủ Doãn (Hà Nội) vào sáng 7/8, nơi có nhiều nhà thuốc trước cổng Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân ra mua thuốc, có người đi khám, bác sĩ kê đơn ra mua, có người mua cho người thân đang nằm điều trị trong bệnh viện. Cầm đơn thuốc trên tay, người nhà bệnh nhân N.V.H (79 tuổi, Bắc Giang) đến hiệu thuốc đối diện cổng bệnh viện để mua thuốc cho bố. Theo lời kể, bố anh bị ung thư đại tràng di căn, đã phẫu thuật, nhưng tình trạng rất nặng, đang bị viêm phổi. Anh cho tôi xem đơn thuốc sáng nay bác sĩ kê, gồm 3 loại: Q-pem 1g (điều trị các nhiễm khuẩn) x 6 lọ, Vinluta 1200mg (dạng bột đông khô pha tiêm, hỗ trợ giảm độc tính của phương pháp xạ trị, hoá trị điều trị ung thư…) x 2 túi và Vancomycin 500mg (thuốc tiêm điều trị nhiễm khuẩn nặng) x 3 lọ. Đơn thuốc này, anh mua hết 3,92 triệu đồng. “Từ hôm mổ đến nay 22 ngày, ngày nào gia đình cũng phải ra ngoài mua thuốc, thời gian đầu mỗi ngày phải mua đơn thuốc hết 6 triệu, sau đó giảm dần, giờ 3 - 4 triệu/ngày”, anh này cho biết.

Theo con trai bệnh nhân, ông H có BHYT chuyển từ tuyến dưới lên, được hưởng 100%. Nhưng hằng ngày ông vẫn phải mua thuốc ngoài khiến gia đình rất vất vả và khó khăn. Không chỉ thuốc điều trị, giai đoạn mổ người nhà cũng phải mua dây truyền dịch, ống xông nhưng số tiền này không thấm vào đâu so với tiền thuốc hằng ngày phải chi trả. “Bố tôi còn điều trị thuốc tăng cường miễn dịch, giá 6 triệu/ống, ông điều trị 25 ống hết 150 triệu đồng. Bác sĩ bảo thuốc này không được BHYT chi trả”, con trai bệnh nhân cho biết.

Hơn 1 tháng ông H nằm viện, tổng chi phí điều trị, phẫu thuật, thuốc thang và tiền ăn ở đi lại chăm nom đã lên tới gần 500 triệu đồng. “Mấy hôm nay phổi của bố tôi cũng tiến triển tốt, đã cai được máy thở, tuổi cao nên khả năng chữa ung thư cũng rất khó khăn, gia đình cố gắng điều trị phổi cho bố tôi được khoẻ, thở được bình thường để cho ông về”, con trai ông H bùi ngùi. 

Tại một hiệu thuốc khác trên phố Phủ Doãn, chị Đ.T.H (Hà Nội) có con trai chuẩn bị mổ tháo nẹp vít cánh tay bị gãy cũng đến mua dây truyền dịch. Chị H cho biết, trước lúc mổ bác sĩ kê đơn ra ngoài mua dây truyền dịch. Trường hợp khác cũng phải mua dây truyền dịch là bệnh nhân mổ cắt bán phần dạ dày nằm cùng phòng bệnh với con chị H. Tương tự, một bệnh nhân phẫu thuật liên quan đến thận cũng phải mua kẹp mạch máu bên ngoài có giá hơn 500 nghìn đồng.

“Con tôi phẫu thuật u não, trước mổ cũng phải ngoài mua kim tiêm và dây truyền dịch. Sáng nay mổ xong rồi nhưng tôi cũng phải ra ngoài mua tiếp”, chị P.V.H (Hưng Yên) kể. Còn một nam bệnh nhân mổ chân thì cho biết, bác sĩ kê đơn ra nhà thuốc bệnh viện mua và lấy hoá đơn về được thanh toán BHYT. Tuy nhiên, nhà thuốc bệnh viện hết loại thuốc này, phải ra ngoài mua và không có hoá đơn nên không thể thanh toán được.

Không chỉ mua thuốc, dây truyền dịch, nhiều người đến khám tại Bệnh viện Việt Đức có chỉ định mổ nhưng được cho về chờ gọi vì bệnh viện chưa có vật tư. Có bệnh nhân đã làm xong thủ tục nhập viện nhưng cũng chưa có lịch mổ và về nhờ đợi.

Ngày nào con của bệnh nhân N.V.H cũng chi hơn 3 triệu đồng để mua thuốc ngoài trong suốt hơn 20 ngày bố anh điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Thức đêm chờ xạ trị

Bệnh viện K vào mỗi buổi sáng, hàng nghìn bệnh nhân chờ tới lượt khám. Bệnh nhân từ các tỉnh đổ về đông vào ngày đầu tuần khiến bệnh viện trong tình trạng quá tải. Đi xe chuyến 3h sáng từ Quảng Ninh lên, ông N.V.H cho biết, đây là đợt thứ 5 ông xạ trị, nhưng do máy thiếu nên phải chờ tới nửa đêm mới tới lượt. Theo ông H, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 5 máy xạ trị, nhưng máy số 2 (máy được BHYT chi trả) hay bị hỏng nên bệnh nhân dồn sang các máy khác. Có khi chờ đợi đến 2h sáng mới tới lượt xạ trị, khiến người bệnh rất vất vả.

Theo phản ánh của người bệnh, vì là máy BHYT, nên máy số 2 ngày nào cũng hoạt động hết công suất, thỉnh thoảng lại bị hỏng. Nhiều người lo lắng đến lịch xạ trị nhưng không có máy, đành phải xin chuyển xạ máy khác và phải đóng tiền vì là máy dịch vụ. Do quá tải bệnh nhân, máy xạ trị phải hoạt động gấp đôi công suất, nên việc phải chờ đợi đến nửa đêm và sáng để được xạ trị đã diễn ra tại Bệnh viện K.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 1 ở Yên Lãng, Thái Thịnh, Hà Nội, một số bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận lo lắng cho chúng tôi biết, 3 tháng qua, họ không nhận được 1 viên thuốc bảo hiểm nào để chữa tuyến thượng thận, dù họ có BHYT. Chị Trần Thị Thanh Phương, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây mỗi lần đi khám tuyến thượng thận, tôi được bệnh viện phát thuốc Valgesic, đặc trị về suy tuyến thượng thận, giá thuốc này hơn 4.000 đồng/viên. Lấy thuốc cả tháng, tôi được phát tầm 90 viên, nhưng 3 tháng nay tôi đi khám, bác sĩ điều trị đều bảo hết thuốc và yêu cầu bệnh nhân phải tự xoay xở, mua ngoài. Vì sao bệnh viện hết thuốc lâu vậy, tháng nào chúng tôi cũng hỏi bác sĩ điều trị nhưng đều không nhận được câu trả lời. Người bệnh phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua thuốc tuyến thượng thận ở ngoài trong khi chúng tôi hoàn toàn được hưởng quyền lợi thuốc bảo hiểm, đó là điều vô cùng phi lí”.

Một bệnh nhân khác là chị Ngô Thu Linh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Bác sĩ chỉ định tôi dùng 3 viên thuốc tuyến thượng thận/ngày, không được phát thuốc bảo hiểm, tôi phải ra ngoài mua thuốc Hydrocotisone của Pháp, giá 9.400 đồng/viên, những lúc khan hiếm thuốc, tôi phải mua tới 10.000 đồng/viên, như vậy, 1 tháng tôi mất ngót tiền triệu để điều trị căn bệnh này. Điều này khiến bệnh nhân rất ức chế, bức xúc. Tôi đề nghị bệnh viện phải đẩy nhanh tiến độ đấu thầu hay giải quyết các thủ tục hành chính với bảo hiểm, để chúng tôi được cấp thuốc, như thế đỡ thiệt thòi cho người bệnh”.

Phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, đối với người bệnh BHYT là một gánh nặng oằn vai trong khi đây là quyền lợi chính đáng họ được hưởng. Người bệnh đang chờ đợi Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy định Điều 31 của Luật BHYT để có cơ chế pháp lý thêm vào trong trường hợp vì điều kiện bất khả kháng và khách quan mà người bệnh đi khám tại cơ sở y tế nhưng cơ sở y tế không có thuốc thì được quỹ BHXH chi trả.

Được biết, tháng 6 năm nay, Vụ BHYT đã lấy ý kiến các đơn vị của 36 tỉnh, TP và đã khảo sát báo cáo tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. Có 63 sở y tế đã báo cáo và nói cho đến nay cơ bản đủ thuốc, chỉ một số trường hợp do mở thầu chưa thành công. Tại buổi họp báo mới đây, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, sẽ trình Ban cán sự Đảng Bộ Y tế xem xét về Thông tư này. Hiện, Vụ Pháp chế đang thẩm định và Vụ đang triển khai nghiên cứu, rà soát để báo cáo đồng chí Bộ trưởng.

Trần Hằng

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文