Chưa thể tái khởi động dự án BOT “đắp chiếu” nhiều năm

07:19 08/04/2024

Sau thời gian ngắn tổ chức khởi công rầm rộ và thi công cầm chừng vào đầu năm 2016, Dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương theo hợp đồng BOT đã bị “đắp chiếu” kéo dài đến nay. Để làm rõ sai phạm tại dự án này, ngày 15/6/2022 Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo 4 sở liên quan cử giám định viên để thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu giám định trước đó của Cơ quan CSĐT.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP đầu tư Yên Khánh trong việc thực hiện dự án trên

Theo Cơ quan CSĐT, quá trình điều tra, xác minh, thu thập hồ sơ cho thấy Công ty Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ thành lập đã lập khống báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán để được chỉ định thầu, ký hợp đồng BOT đầu tư dự án trên, thực hiện các thủ tục để được ngân hàng cho vay giải ngân số tiền 435 tỷ đồng. Sau đó Đinh Ngọc Hệ cho thành lập công ty BOT dự án và chỉ đạo công ty này ký hợp đồng với các nhà thầu thi công, làm thủ tục để được ngân hàng cho vay giải ngân 50% giá trị hợp đồng cho các nhà thầu. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu khi nhận được tiền tạm ứng thi công từ ngân hàng thì phải chuyển lại cho Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An và Công ty Thái Sơn bằng cách làm hợp đồng vay vốn hoặc hợp tác đầu tư để chiếm đoạt số tiền 200 tỳ đồng.

Khu vực triển khai dự án trên đoạn cuối tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Theo Cơ quan CSĐT, dự án đã dừng thi công, doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án và việc các đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ, không đảm bảo chất lượng có khả năng gây thiệt hại cho việc đầu tư dự án. Đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm, Vụ việc do Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an chuyển hồ sơ để Công an thành phố điều tra theo thẩm quyền và theo dõi tiến độ, kết quả điều tra, xử lý.

Dự án tuyến nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có chiều dài 2,7km với 2 nút giao ở hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 là hơn 1.557 tỷ đồng. Thời gian thi công 20 tháng kể từ ngày khởi công công trình. Dự án được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Yên Khánh thực hiện. Trong đó, thành phố yêu cầu nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp để xây dựng dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Thời gian thu phí để hoàn vốn đầu tư cho dự án này kéo dài khoảng 17 năm 8 tháng. Đầu năm 2016, dự án được khởi công xây dựng, thế nhưng đến tháng 6/2018, Công ty Yên Khánh đã ngừng thi công cho đến nay.

Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần đốc thúc nhà đầu tư thực hiện các cam kết theo hợp đồng BOT của dự án, nhưng các công trình thi công dở dang vẫn không được khởi động trở lại. Kết quả kiểm tra tại hiện trường thi công dự án vào chỉ đạt khoảng 140 tỉ đồng, tương đương với 12% khối lượng của dự án.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm là việc giao dự án cho nhà đầu tư không đủ thực lực. Dù phải đến ngày 17/1/2017, nhà đầu tư mới ký được hợp đồng vay vốn của ngân hàng với số tiền 1.438 tỷ đồng để có vốn đầu tư cho dự án. Điều này có nghĩa sau khi dự án đã khởi công được khoảng 7 tháng, Công ty Yên Khánh mới có thể thu xếp vốn đầu tư cho dự án, nhưng không hiểu vì sao với thực lực như vậy, nhà đầu tư này vẫn lọt qua nhiều vòng thẩm định. Đã vậy, phần vốn chủ sở hữu của Công ty Yên Khánh chỉ là 230 tỷ đồng, bằng 14.82% tổng mức đầu tư dự án. Mức vốn chủ sở hữu này đã vi phạm quy định tại Nghị định số 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trong đó yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng số vốn đầu tư.

Trong khi Công ty Yên Khánh yếu vốn, non cả kinh nghiệm trong xây dựng công trình giao thông, thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý để giao dự án cho nhà đầu tư này lại diễn ra rất nhanh chóng.

Cụ thể, ngày 27/4/2015, Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý về nguyên tắc cho UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án BOT trên. Nhưng ngay trong ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trình UBND thành phố về đầu tư dự án và ngày 4/5/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận chỉ định Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT để làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Trong đó, UBND thành phố giao Sở GTVT tổ chức thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục chỉ định nhà đầu tư dự án.

Ngày 14/5/2015 Công ty Yên Khánh đã có báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và được UBND thành phố giao Sở GTVT tổ chức thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất các thủ tục chỉ định nhà đầu tư dự án. Trong đó Giám đốc Sở GTVT được giao làm Tổ trưởng Tổ thẩm định và chịu trách nhiệm phê duyệt các thủ tục trong quá trình chỉ định nhà đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GTVT thành lập Hội đồng thẩm định và phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư và chỉ định thầu do Giám đốc Sở GTVT làm Tổ trưởng.

Ngày 15/10/2015, Tổ trưởng Tổ thẩm định đã ký quyết định duyệt hồ sơ dự án. Chỉ 8 ngày sau đó, ngày 23/10/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngày 25/6/2016, Giám đốc Sở GTVT đại diện UBND thành phố ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư dự án.

Dự án tuyến nối trên lẽ ra phải được hoàn thiện vào năm 2018 nhưng để kéo dài đến nay chưa xong đã khiến tình trạng ùn tắc phương tiện giao thông ở nút giao giữa đại lộ Võ Văn Kiệt với quốc lộ 1A ngày càng trầm trọng, căng thẳng giao thông ở khu vực này vẫn diễn ra hàng ngày.

Trước thực trạng trên, ngày 30/6/2022, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có văn bản khẩn, chấp thuận việc ngừng thực hiện dự án để triển khai bằng vốn đầu tư công, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục thi công. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương vào cuộc để giải quyết dứt điểm đối với nhà đầu tư nhằm sớm tái khởi động lại dự án.

Bảo Sơn

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文