Áp dụng quy chuẩn để hạn chế hỏa hoạn đe dọa tính mạng và tài sản

“Chuồng cọp” - mối nguy khi xảy ra hoả hoạn (bài 1)

07:15 07/07/2024

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều bài học đáng tiếc phải trả giá bằng sinh mạng từ các vụ cháy, nhưng việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Hà Nội vẫn bộc lộ hàng loạt bất cập. Vẫn có nhiều nhà trọ, nhà tập thể cũ, nhà dân xây riêng lẻ không đảm bảo điều kiện PCCC. Đáng lo ngại nhất là việc tạo lối thoát hiểm thứ 2 không phải dễ dàng, trong khi nếu xảy ra cháy, trong rất nhiều trường hợp, phương án này là cứu cánh duy nhất.

Tăng không gian ở, nguy cơ mất an toàn cũng tăng

Ở Hà Nội, hầu như không thể tìm được một nhà tập thể cũ nào không có “chuồng cọp”. Những khu nhà cũ kỹ ngay từ tên gọi – tập thể cũ lại phải đeo thêm lồng sắt nhấp nhô, không theo một khuôn mẫu nào, cái thò cái thụt như ma trận. Điểm qua những khu vực có nhiều nhà chung cư cũ: Thanh Xuân Bắc, Trung Tự, Kim Liên, Nghĩa Tân, Thành Công… đều có thể thấy, “chuồng cọp” san sát tầng trên, tầng dưới đan xen nhau. Những hộ dân, vì nhu cầu nới rộng diện tích sử dụng đã tự ý khoan tường, dựng các dầm thép và dùng các tấm gỗ làm sàn rồi dùng tôn để quây hoặc rào kín bằng các lồng sắt kiên cố.

Ở khu tập thể Thành Công, gia đình ông Đoàn Văn Mão mua một căn hộ có diện tích 30m2 từ năm 1992. Say này, khi con cái lớn lên, không gian sống quá chật chội nên ông đã hàn thêm khung sắt mở rộng diện tích ở lên thành 45m2. Theo ông Mão, hàng xóm nhà ông cũng đều phải cơi nới, làm thêm “chuồng cọp” để đủ ở vì ban đầu, các căn hộ đều được xây dựng với diện tích 30m2, quá chật chội để ăn ở, sinh hoạt cho gia đình 4-5 người lớn và trẻ con. 48 khu nhà tập thể cũ trên địa bàn phường Trung Tự (quận Đống Đa) cũng tương tự, hầu như gia đình nào cũng sinh sống trong các căn hộ có kèm theo cơi nới “chuồng cọp”. Điều đáng nói, hầu hết các “chuồng cọp” đều ở dạng lồng sắt hàn kín, trong trường hợp phát sinh hoả hoạn thì các lối này đều không thể thoát ra ngoài.

Vẫn có nhiều nhà trọ, nhà tập thể cũ nhà dân xây riêng lẻ không đảm bảo điều kiện PCCC.

Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết cuối năm ngoái trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân phòng cháy và đặc biệt chú trọng đến phương án mở lối thoát hiểm thứ 2. Nhưng cho đến thời điểm này, tại một số khu nhà tập thể cũ, bằng mắt thường cũng có thể thấy số lượng mở lối thoát hiểm thứ 2 ở các khung sắt, “chuồng cọp” vẫn còn hạn chế. Cụ thể như ở phường Trung Tự, ở các khu nhà như D8 với 60 hộ dân hay C5 với gần 100 hộ dân nằm ngay cạnh UBND phường, chính quyền mặc dù đã dùng nhiều biện pháp vận động cũng mới chỉ có khoảng 50 – 60% hộ dân mở lối thoát hiểm thứ 2.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Minh Chính, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở ý thức của người dân. Việc mở lối thoát hiểm thứ 2, UBND phường cũng tích cực vận động các hộ dân, nhưng không có chế tài, quy định nào bắt buộc người dân phải mở nên kết quả vẫn chưa được như ý muốn. “Ngay cả việc tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách PCCC, nhiều người dân cũng chưa thực sự quan tâm. Tổ chức các buổi hướng dẫn đều vào buổi tối, nhưng số người tham dự không nhiều, dù đã được vận động đến từng căn hộ”, ông Chính cho biết.

Người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình

Rõ ràng, ở những khu nhà tâp thể cũ, “chuồng cọp” bịt kín tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy và việc khung sắt cơi nới này tồn tại là không được phép. Nhưng vì nhiều lý do, hàng trăm nghìn “chuồng cọp” vẫn đang tồn tại khắp nơi trên địa bàn Hà Nội. Và việc phá dỡ, xoá bỏ “chuồng cọp” là điều rất khó khăn. Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 - 1994, tập trung tại các quận trung tâm. Những công trình này được thiết kế theo lối cũ, đi một cầu thang, gây khó khăn cho việc thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Nguy hiểm tiềm ẩn khi bịt kín lối thoát hiểm bằng các khung sắt, “chuồng cọp” là vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều. Mỗi một vụ hỏa hoạn lại thêm tiếng chuông cảnh báo và các địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2.

Đặc điểm nhà tập thể tại các đô thị lớn thường chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Vì thế, khi xảy ra cháy, lối thoát hiểm này bị chặn bởi khói, lửa. Nếu như ban công bị bịt kín bằng lồng sắt kiên cố, những người gặp nạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể thoát ra ngoài. “Chuồng cọp” càng kiên cố, khi xảy ra cháy càng khó thoát nạn vì lực lượng cứu hộ phải mất thêm thời gian cưa cắt lồng sắt, nhiều trường hợp sẽ mất đi thời gian vàng để cứu người bị nạn. Chính vì vậy, trước những hiểm họa khó lường có thể xảy ra, chính quyền tại các tỉnh, thành phố đang tích cực vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp” để mở lối thoát nạn khi hỏa hoạn xảy ra. Và cũng đã có nhiều khu vực, người dân nhận thức được việc phòng cháy, chữa cháy, phối hợp với chính quyền mở lối thoát hiểm thứ 2 qua “chuồng cọp”.

Nhiều hộ gia đình ở chung cư cũ trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc đã mở lối thoát nạn thứ 2.

Tại khu dân cư số 15, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có 5 khu nhà tập thể cũ với 285 hộ dân. Hầu như hộ gia đình nào cũng mở “chuồng cọp”. Đến nay, theo thống kê hầu hết các hộ gia đình đã mở cửa thoát hiểm thứ 2. Bà Nguyễn Thị Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ dân phố số 15 cho hay, để vận động người dân hưởng ứng chủ trương “gia đình nào cũng có lối thoát hiểm thứ 2”, cán bộ tổ dân phố, dân phòng đã đi đến từng hộ để tuyên truyền vận động, đồng thời ký cam kết thực hiện. Bà Phong cho biết, hầu hết các hộ dân đồng tình ủng hộ chủ trương này.

Theo thống kê, phường Thanh Xuân Bắc có 4.100 hộ có “chuồng cọp”, hiện nay đã có khoảng 90% hộ mở lối thoát nạn thứ 2. Số còn lại khoảng 600 hộ chưa mở lý do là không có chủ ở nhà, chủ nhà cho thuê trọ hoặc các trường hợp bất khả kháng vì không có lối thoát nạn thứ 2 do căn hộ đã bị chia thành nhiều phòng. Bà Hoàng Thị Dung, Quyền Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết, Thanh Xuân Bắc là phường đầu tiên của quận Thanh Xuân tuyên truyền, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 và đã được triển khai từ năm 2018.

“Thực tế là qua vụ các vụ hoả hoạn đau lòng đã xảy ra, ý thức người dân cũng cao hơn. Số còn lại chưa mở, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động để sớm hoàn thành, trừ các trường hợp căn hộ thiết kế không mở được lối thoát hiểm thứ 2. Để hỗ trợ các hộ dân, chúng tôi thông tin đến các tổ dân phố, giới thiệu thợ sắt để người dân lựa chọn. Mở lối thoát hiểm thứ hai mỗi hộ giá phải trả từ 300 – 350 nghìn, chính vì thế mà người dân rất đồng tình ủng hộ”, bà Dung chia sẻ.

Tương tự, phường Giảng Võ (quận Ba Đình), nơi có đến 29 chung cư cũ cũng đã vận động được hầu hết các hộ có “chuồng cọp” đã mở lối thoát nạn thứ 2. Vừa được hỗ trợ kinh phí cưa hàn làm lối thoát hiểm không mất tiền, vừa là để đảm bảo an toàn cho chính mình nên các hộ dân đều ủng hộ.

Trao đổi với chúng tôi, KTS.TSKH Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, cho rằng không chỉ riêng Hà Nội mà người dân cơi nới làm “chuồng cọp” là thực trạng diễn ra nhiều năm qua ở hầu hết các khu nhà chung cư cũ ở nhiều TP trên cả nước. Theo ông Nghiêm, thiết kế ban đầu của nhà tập thể cũ đều đã tính toán đến yếu tố an toàn thoát hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vấn đề an toàn, thoát hiểm khi có sự cố không được quan tâm đúng mức. Các gia đình chỉ quan tâm đến việc làm sao có thêm không gian sống mà bỏ qua yếu tố an toàn, đường thoát hiểm.

Theo ông Nghiêm, việc xoá bỏ “chuồng cọp” chỉ có thể thực hiện dứt điểm khi cải tạo xây lại các chung cư cũ. “Trong khi chưa thực hiện được việc này, phải vận động người dân ý thức và tự bảo vệ tính mạng của mình bằng cách mở lối thoát hiểm thứ 2”, ông Nghiêm cho hay.

Ngọc Yến – Phan Hoạt

Kết quả kiểm tra hiện trường tàu trật bánh của các cơ quan chức năng tại khu gian thuộc địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), bước đầu cho thấy đoạn tuyến xảy ra nhiều vụ tai nạn đi qua khu vực có địa hình đồi núi, bình diện tuyến xấu, có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau. Tại ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn, chưa đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tôi biết bút danh Nguyễn Khắc Trường đầu tiên gắn trên trang bìa tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài.

Ngày 5/10, gia đình sản phụ K'H (SN 1995, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), đã có đơn đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ này sau 11 ngày mổ sinh con.

Chiều 4/10, thay mặt Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Phạm Hoàng Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đã đến thăm hỏi, động viên gia đình Thượng uý Ma Công Huyên, cán bộ Công an thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình bị thương khi làm nhiệm vụ.

Chị Lô Thị Thắm, trú Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An có biểu hiện bất thường về tâm lý bỏ nhà đi, gia đình đi nhiều nơi để tìm kiếm. Mới đây, chị Thắm đã được Công an huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình giúp đỡ về với gia đình sau nhiều ngày thất lạc.

Ngày 5/10, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự Phan Văn Tùng (SN 1998, HKTT tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hiện trú tại: Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn giả danh shipper giao hàng, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.

Lực lượng chức năng cần tìm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của xe ôtô Porsche Cayenne, màu xám, BKS 30G-36733, SM DCB197178, SK WP1ZZZ9YZLDA61736.

Mặc dù hành vi phạm tội của các đối tượng khá tinh vi, lấy quỹ của chương trình “Cây chổi vàng” làm bình phong để cưỡng đoạt tài sản nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội của các đối tượng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文