Doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) phân phối, kinh doanh xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép hoạt động trong khi có DN đầu mối bị kiểm tra trên diện rộng. Cùng với đó, nhiều DN đã xin trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2067/QĐ-BCT thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu với DN tư nhân Xăng dầu Phước Thạnh. DN tư nhân Xăng dầu Phước Thạnh có địa chỉ trụ sở chính tại số 1065, quốc lộ 22, ấp Mây Đắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. DN sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký DN số: 0301446503 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 11/9/1997, cấp thay đổi lần thứ 6 ngày 30/3/2015. Mã số thuế: 0301446503. Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 501-TNPP/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp ngày 28/1/2022. Lý do thu hồi là do DN tư nhân Xăng dầu Phước Thạnh có đề nghị tại Công văn số 16/XDPT ngày 24/6/2024 về việc đề nghị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng có quyết định thu hồi giấy phép của 2 thương nhân phân phối xăng dầu. Cụ thể, Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long, địa chỉ số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh; số điện thoại: 028 38232262; số Fax: 02838239466. Tên giao dịch đối ngoại: ME KONG FUEL TRADING CORPORATION; Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật, địa chỉ: SN 18 Phía Nam Trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; số điện thoại: 0868.115.777. Lý do thu hồi, theo Bộ Công Thương, DN xin dừng hoạt động với tư cách là thương nhân phân phối xăng dầu và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật xin hoàn trả lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 16 DN tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các DN này trả lại giấy chứng nhận, bao gồm DN không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối, cụ thể là đáp ứng về số cửa hàng sở hữu hoặc đi thuê, hoặc không đáp ứng được điều kiện về kho chứa xăng dầu. Năm ngoái, có những thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu trên cả nước lên đến hơn 330 thương nhân, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 300 thương nhân.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu báo cáo về việc duy trì điều kiện làm thương nhân theo quy định. Các DN này sau khi chủ động rà soát, nhận thấy mình không đủ điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận để Bộ thực hiện thu hồi. Con số các DN phân phối xăng dầu buộc phải rời khỏi thị trường năm nay có phần cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, việc các DN trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hệ thống kinh doanh xăng dầu ở nước ta được chia ra làm 3 tầng nấc chính: Đầu tiên là các DN đầu mối, thu mua xăng dầu từ các nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài về, tiếp theo là các DN phân phối xăng dầu và cuối cùng là các đại lý, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho người dân. Các DN phải rời khỏi thị trường vừa qua là ở khối phân phối.
Bà Nguyễn Thuý Hiền cho biết, trong nửa đầu năm, thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối, hiện nay đang trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.
“Hằng năm, theo quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ vẫn thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu dù lớn hay nhỏ Bộ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra. Việc kiểm tra này không liên quan và không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước”, bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh.
Đối với việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân xăng dầu, Bộ Công Thương đánh giá, 6 tháng đầu năm, về cơ bản, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để Bộ phải nhắc nhở.
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại. Dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 (theo báo cáo của các thương nhân) ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 13,2 triệu m3/tấn (bình quân khoảng gần 2,2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung xăng dầu sẽ đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp sản xuất.