Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

05:46 15/06/2022

Bảy cán bộ, nhân viên thuộc UBND xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông khởi tố để điều tra do có hành vi tiếp tay phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, một lần nữa cho thấy công tác đấu tranh với loại tội phạm này đang được tỉnh Lâm Đồng thực hiện quyết liệt, xử lý nghiêm túc.

Các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng đang phải chịu áp lực rất lớn về sự gia tăng dân số cơ học và tình trạng di dân tự do. Nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp đã khiến rừng ở khu vực này đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo thống kê, từ năm 2005-2020, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên đã giảm từ 2,83 triệu hecta xuống còn 2,18 triệu hecta. Ngược lại, diện tích trồng cà phê tại khu vực này được mở rộng từ 449.400ha lên 577.119ha. Diện tích trồng cao su tăng từ 86.892ha lên hơn 259.200ha... Đặc biệt, những năm gần đây, làn sóng đầu tư bất động sản tràn qua khu vực này khiến giá đất ở các tỉnh Tây Nguyên liên tục lập đỉnh. Điều này càng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trở nên gian nan hơn.

Tại Lâm Đồng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, mục đích cuối cùng là lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, bán qua tay kiếm lời. Gầy đây nhất, gần 2ha rừng thông thuộc đối tượng rừng phòng hộ tại tiểu khu 144B, phường 8, TP Đà Lạt đã bị “lâm tặc” triệt hạ. Khoảng 400 cây thông có chiều cao tới 15m bị cưa phá, nằm ngổn ngang trên mặt đất. Hiện trường cho thấy, vụ phá rừng này đã xảy ra trong thời gian dài, dai dẳng ít nhất vài tháng. Có những cây đã khô, nhiều cây lá còn tươi, nhựa ứa trắng xóa. Tất cả cây rừng vẫn còn nguyên ở hiện trường. Điều này cho thấy, mục đích phá rừng không phải lấy gỗ mà lấn chiếm đất. Cũng tại TP Đà Lạt, trong khi vụ phá rừng quy mô lớn này còn đang “nóng hổi” thì tại tiểu khu 158C, phường 5, lại tiếp tục xảy ra vụ phá rừng đặc dụng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Hiện trường một vụ phá rừng phòng hộ ở Đà Lạt.

Từ đầu năm tới nay, tại các huyện như Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lâm… của tỉnh Lâm Đồng, lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện những vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp dưới nhiều hình thức. Thủ đoạn phá rừng phổ biến nhất là ken quanh gốc cây, khoan và đổ chất độc vào thân cây rừng. Với hình thức này, phải mất vài tuần, thậm chí cả tháng sau cây rừng mới vàng lá và chết nên rất khó khăn cho công tác điều tra truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ 1.067 vụ về hành vi phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 223ha. Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng phát hiện 80 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại là 22,5ha, lâm sản thiệt hại 699m3, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, những vị trí rừng bị phá, sau khi lập hồ sơ, kiểm kê diện tích, khối lượng lâm sản bị thiệt hại, lực lượng chức năng đã đưa vào trồng lại rừng ngay để ngăn chặn tình trạng các đối tượng tiếp tục trở lại lấn chiếm, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm vẫn chưa quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giải tỏa diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Công tác quản lý, phục hồi rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm còn chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến nhiều diện tích vi phạm vẫn bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp hoặc tái lấn chiếm sau khi các cơ quan chức năng đã tiến hành giải tỏa. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm quy mô lớn.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể thuộc các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm và UBND cấp xã, đồng thời buộc người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng. Từ năm 2018 tới nay, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xem xét xử lý 374 trường hợp do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Trong đó có 16 kiểm lâm viên (3 trường hợp cảnh cáo và 13 trường hợp khiển trách), 83 nhân viên quản lý rừng (68 trường hợp khiển trách, 7 trường hợp cảnh cáo, 4 trường hợp buộc thôi việc và 4 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự), UBND cấp xã có 10 cán bộ bị kỷ luật (2 trường hợp cảnh cáo và 8 trường hợp khiển trách).

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc một cán bộ quản lý, bảo vệ rừng được giao quản lý tới cả 1.000ha với địa bàn rừng núi, đi lại khó khăn rất khó bám sát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thì lương của nhân viên quản lý, bảo vệ rừng cũng rất thấp, trung bình chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

“Lương thấp trong khi phải gánh vác trách nhiệm rất cao, áp lực lớn nên thời gian qua nhiều cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở các đơn vị chủ rừng nhà nước đã xin nghỉ việc”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng trong công tác quản lý, bảo vụ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên có hành vi dung túng, tiếp tay cho hành vi phá rừng, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm, mức độ thiệt hại về rừng đã giảm 135 vụ (giảm 51%), khối lượng lâm sản thiệt hại giảm 700m3 (giảm 50%), so với cùng kỳ năm 2021.

Đến nay, Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án/30.469ha được giao cho các doanh nghiệp có liên quan tới rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, 172 dự án thu hồi toàn bộ/26.226ha và 36 dự án thu hồi một phần/4.242ha. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trên không triển khai dự án hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn…

Khắc Lịch

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文