Hà Nội lại tái diễn “mùa đào đường”, người dân đi lại khổ sở

07:06 08/12/2023

Cuối năm, “đại công trường” đào đường, lật xới vỉa hè lại tiếp tục tái diễn khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Dù năm nào báo chí cũng lên tiếng về tình trạng này nhưng dường như với các đơn vị thực hiện việc đào đường không hề có sự thay đổi. Thậm chí ở một số tuyến phố, năm trước vừa đào xới, năm nay lại tiếp diễn đào lên ở đúng vị trí cũ.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, sức ép giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc ở nhiều tuyến đường. Việc di chuyển của người dân đã khó khăn hơn lại gặp tình cảnh đào bới, lòng đường hẹp lại, cộng thêm bụi vào những ngày nắng, bùn bẩn vào ngày mưa càng thêm khốn khổ. Ngay ở các tuyến phố trung tâm nhất như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), những ngày này nhiều đoạn đường bị cào tung lên để “thảm” lại nhựa đường.

 “Đá dăm lổn nhổn, đường bụi mù và khó chịu nhất là mặt đường bị cào nên đi xe máy cứ có cảm giác trượt bánh vào các rãnh cào, mấy lần tôi bị mất lái suýt ngã”, chị Trần Thị Như, thường xuyên đi làm trên tuyến đường Lý Thường Kiệt chia sẻ. Chưa kể, những ngày vừa qua, thời tiết ở Hà Nội bị sương mù, ô nhiễm không khí nặng. Bụi đường không thoát lên được, lơ lửng cả ngày khiến người qua lại và các hộ dân sinh sống hai bên đường “hứng” đủ.

Chị Thu Hoàng, bán hoa quả rong trên phố Lý Thường Kiệt (đoạn trước cổng Trường PTTH Việt Đức) cho biết: “Vừa hôm qua, có 2 cháu học sinh đi xe đạp điện từ cổng trường sang đường bên này, bánh xe nhỏ gặp đoạn đường bị cào rãnh đã ngã, may mà chỉ xây xát nhẹ”.

Trên tuyến đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), nhiều đoạn vỉa hè bị đào xới không còn đường cho người đi bộ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Hồng Tấn (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết, ở khu nhà anh, giáp Tết Nguyên đán năm 2022, một số dãy nhà B cũng đã bị đào xới để làm vỉa hè. Nhưng chỉ đến giữa năm nay, cũng vẫn những khu vực đó lại bị đào xới làm hệ thống thoát nước. “Tại sao các đơn vị chủ đầu tư không làm đồng bộ để đỡ tốn kém, đỡ bị bụi bặm, đỡ cản trở sinh hoạt của người dân. Chúng tôi quanh năm suốt tháng phải chịu đựng việc đào cuốc đường sá, vỉa hè, quá khổ sở”, anh Tấn nói.

Không chỉ trong phạm vi đường nội bộ giữa các dãy nhà khu tập thể Thanh Xuân Bắc, ra đến đường Khuất Duy Tiến, người dân tiếp tục gặp tình cảnh đường bị đào bới bung bét. Chán ngán việc đào đường nhưng ngoài việc phải chấp nhận, người dân không còn biết làm gì khác. Những con phố trên địa bàn TP Hà Nội như Tô Hiệu, Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch, Giảng Võ… cũng đang trong tình trạng ngổn ngang bởi vỉa hè đã bị xới lên. Trong khi đây là những tuyến phố chịu áp lực giao thông vào giờ cao điểm rất lớn.

“Không còn vỉa hè, nhiều người đi bộ đã phải đi cả xuống lòng đường với dòng phương tiện đang lưu thông. Dù biết là rất nguy hiểm và cũng gây ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào. Chưa kể, những hộ kinh doanh có vỉa hè trước mặt bị đào xới thì người ta buôn bán làm sao được trong khi gần Tết là thời điểm cao điểm để bán hàng”, anh Tấn chia sẻ thêm.

So với các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước, có lẽ, việc đào xới vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội diễn ra thường xuyên hơn. Và sự việc cứ lặp đi lặp lại qua nhiều năm và rất nhiều lần, tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội, cử tri đều đưa ra câu hỏi: Làm thế nào để chấm dứt tình trạng đào đường cuối năm? Tại sao không phân chia thời điểm hợp lý hơn. Nhưng tình trạng tập trung đào xới đường vào cuối năm vẫn tiếp diễn.  Chưa kể nhiều chỗ, đơn vị này vừa lát xong vỉa hè thì đơn vị khác lại đào lên để lắp đặt cáp viễn thông, điện, nước…

Theo một đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đang thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội theo kế hoạch và cả đột xuất để đảm bảo đường sá êm thuận, sạch đẹp phục vụ người dân đi lại về cuối năm. “Đối với các tuyến đường trên địa bàn 12 quận trung tâm thành phố sẽ hoàn thành toàn bộ việc duy tu mặt đường trước ngày 20/12 tới đây. Còn các tuyến đường trên địa bàn các huyện ngoại thành, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh, hoàn thành trước Tết Dương lịch 2024”, đại diện Ban Duy tu công trình giao thông cho hay.

Cũng theo đại diện Ban Duy tu công trình giao thông, khó khăn trong việc thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến phố là đơn vị thi công chỉ được làm vào ban đêm, từ 21h đêm đến 5h sáng phải hoàn trả lại đường, đảm bảo êm thuận tối đa cho phương tiện lưu thông. Thời gian thi công ngắn, lại vào ban đêm nên cũng khó đẩy nhanh tiến độ thêm được.

Xét về khía cạnh tích cực, việc đào đường, đào vỉa hè là nhằm để thay mới, làm đẹp đẽ lại bộ mặt đô thị. Nhưng rõ ràng, đẹp chưa thấy đâu mà chỉ thấy phiền hà, cản trở giao thông, sinh hoạt của người dân, việc kinh doanh của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Trước thực trạng trên, có ý kiến đặt vấn đề: Liệu có phải cuối năm cần giải ngân đầu tư công nên điệp khúc đào xới hè phố chưa có thuốc chữa.

Ngọc Yến – Thanh Huyền

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文