Hải Phòng: Lãng phí đất đai ở khu vực kỳ vọng là "mũi nhọn" phát triển

08:35 02/06/2022

Quận Dương Kinh (Hải Phòng) được thành lập từ năm 2007, trên cơ sở chia tách địa giới từ 6 xã thuộc huyện Kiến Thụy cũ. Sau 15 năm vào đô thị, diện mạo của quận dường như không có gì thay đổi, khi mọi hướng phát triển đều không đem lại kết quả như mong muốn. Hậu quả nhãn tiền là những dự án rộng mênh mông để dở dang, hiển hiện sự lãng phí đất đai đến nhức nhối.

Tại thời điểm thành lập, quận Dương Kinh có tổng diện tích đất tự nhiên 4.585 ha, dân số hơn 5 vạn người. Đây là phần đất và dân số nằm trên khu vực được coi là phát triển năng động nhất của huyện Kiến Thụy trước đó. Đồng thời cũng là khu vực có quỹ đất rất lớn, được hình thành từ đất nông nghiệp trồng lúa và vùng nuôi thả thủy sản trải dọc theo 15km bờ biển thuộc các phường Anh Dũng, Hải Thành và Tân Thành.

Trước khi Dương Kinh chính thức lên quận, trên địa bàn đã diễn ra một cuộc “đại phẫu” sôi động về đất đai. Bên cạnh những tụ điểm công nghiệp, còn có 13 dự án về nhà ở với quy mô đô thị tập trung cực lớn, cùng với đó là 47 dự án khác được quy hoạch sử dụng đất dọc đường Phạm Văn Đồng nối trung tâm TP Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn. Điều này đã kích cầu thị trường bất động sản, đưa Dương Kinh thành một trong những khu vực “sốt” nhất về đất đai thời điểm đó, không chỉ đối với đất quy hoạch, đất thổ cư, mà nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu gom, chuyển nhượng, cho thuê trái quy định.

Ngay từ khi mới thành lập, TP Hải Phòng đã ban hành chủ trương phát triển quận Dương Kinh. Trong đó xác định xây dựng Dương Kinh thành một quận trọng điểm, có kinh tế xã hội vững mạnh, kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị loại 1 cấp quốc gia; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn được cải thiện; môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội được duy trì bền vững... Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, Dương Kinh gần như không có sự thay đổi nào đáng kể xét về mọi phương diện, dẫn đến hiệu quả sử dụng quỹ đất trở thành bê bết.

Đơn cử, trong tổng số 13 dự án nhà ở cao cấp, thì có đến 12 dự án tập trung ở phường Anh Dũng. Trong đó chỉ có 2 dự án là khu đô thị Sao Đỏ và khu đô thị Anh Dũng 8 đạt tỷ lệ lấp đầy trên 50%, còn lại hầu hết là dở dang, thậm chí có dự án chỉ đạt tỷ lệ dưới 10% như các dự án Anh Dũng 5 và Anh Dũng 7. Mặc dù toàn bộ các dự án đã được chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng như hệ thống điện, nước, đường giao thông nội bộ, công viên cây xanh…, nhưng nhìn bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy, hiện không ít dự án đang ngập trong sự um tùm, hoang hóa của cỏ dại, bao vây các căn biệt thự xây thô để rêu phong bao phủ theo thời gian.

Cùng với đó, có những diện tích đất được giải phóng mặt bằng giao cho doanh nghiệp từ trước, đến nay cũng không có gì cải thiện. Như khu đất rộng 43ha trên địa bàn phường Hải Thành, gần trục đường Phạm Văn Đồng, vốn được giải phóng để triển khai dự án khu chế xuất đầu tiên của Hải Phòng từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đến nay đã 30 năm qua nhiều lần “thay tên đổi chủ” vẫn vẹn nguyên hoang hóa.

Dự án nhà ở cao cấp tại phường Anh Dũng (Dương Kinh, Hải Phòng) qua 15 năm vẫn để hoang.

Cũng trên trục đường Phạm Văn Đồng, khu đất rộng 47ha mới có khoảng hơn 10ha được xây dựng Trung tâm Hội chợ và triển lãm quốc tế Hải Phòng. Dự án này một thời được coi là biểu tượng nổi bật của thành phố, với điểm nhấn là “tòa nhà cánh diều” của Công ty ACS Việt Nam. Sau một thời gian ngắn hoạt động tưng bừng, đến nay trung tâm này gần như không tổ chức được sự kiện nào nữa, cơ sở hạ tầng xuống cấp, khuôn viên để hoang phí, vẫn đang thuộc quyền quản lý của Công ty ACS nhưng đã được cổ phần hóa. Trong khi hơn 30ha liền kề còn chưa có công trình nào đáng kể, chủ yếu để cho người dân chăn thả gia súc.

Theo kết quả khảo sát, hiện trên địa bàn quận Dương Kinh còn có 7 dự án khác với hàng trăm hecta đất được giao hoặc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện. Thậm chí, có những dự án được triển khai từ nguồn đầu tư công nhưng kết quả cũng không có gì sáng sủa, điển hình như dự án Trung tâm huấn luyện và tổ chức thi đấu các môn bắn súng, bắn cung được triển khai từ năm 2012, có tổng diện tích 9,3ha nhưng vẫn để hoang, buộc TP Hải Phòng vừa phải ra Quyết định dừng vĩnh viễn.

Ông Đoàn Văn Viến, Phó Chủ tịch UBND phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng cho biết, để phục vụ mục tiêu phát triển, một phần lớn diện tích đất thuộc phường đã được thu hồi giao cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng. Người dân mất đất, không phải ai cũng có điều kiện kiếm việc làm ổn định, nên phải bươn chải kiếm sống bằng đủ nghề, cũng có không ít người lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Còn ông Vũ Minh Xuyên, một công dân của phường Hải Thành thì ngậm ngùi nói: “Mấy đời nhà tôi ở trên mảnh đất này, dựa vào đất mà sống, giờ nhìn đất hoang phí thế này, chua xót lắm!”.

Việc để đất đai hoang hóa không chỉ gây thất thoát lớn về giá trị kinh tế, làm chậm tiến độ phát triển, nhếch nhác bộ mặt đô thị và những tác động tiêu cực khác về mặt xã hội, mà trong quá trình đó cũng nổi lên không ít những vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật. Được biết trong 15 năm qua, trên địa bàn quận Dương Kinh đã có những cán bộ vi phạm, thậm chí vướng vào vòng lao lý khi liên quan đến những sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

Những năm gần đây, Hải Phòng nổi lên trở thành điểm sáng của cả nước về đầu tư phát triển, cần rất nhiều quỹ đất để dành cho quá trình này. Nhưng những vướng mắc trong việc thu hồi các diện tích đất hoang phí đang tạo lực cản không nhỏ cho thành phố, mà Dương Kinh chỉ là ví dụ điển hình. Trong một báo cáo cho thấy, qua rà soát trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng gần 120 tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm sử dụng đất đai hoặc đầu tư kém hiệu quả, liên quan đến khoảng 554ha đất. TP Hải Phòng đã triển khai nhiều phương án quyết liệt để thu hồi diện tích này, phục vụ cho những mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững hơn.  Nhưng thực trạng ở quận Dương Kinh thì vẫn hiện hữu, đây là câu chuyện rất buồn cho một khu vực từng được kỳ vọng là mũi nhọn phát triển của TP Cảng.

Văn Minh - V. Huy

Để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Dự án chống ngập 10.000 tỷ) đang “đắp chiếu” gây lãng phí ngân sách, ngày 17/12 Văn Phòng Chính phủ đã có văn bản gửi TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ cho dự án này…

Chiều 17/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Nguyễn Tấn Tường (SN 1995, trú phường An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Bước đầu, Cơ quan Công an xác định Thường đã mở hàng loạt tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng lừa đảo ở Campuchia. Chỉ trong vòng 1 tháng, những tài khoản do Thường đứng tên đã được sử dụng để nhận hơn 6,4 tỷ đồng từ các nạn nhân bị lừa đảo đang cư trú tại Việt Nam.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can cũng với tội danh trên với Vũ Ngọc Thịnh (SN 1956, trú tại thôn Lê Tiến, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng), đối tượng đã đến tận nhà hành hung cụ ông thương binh 82 tuổi, 57 năm tuổi Đảng, ở thôn Lê Tiến.

Ngày 17/12, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Công an TP Đồng Xoài  đã mời Bùi Văn Hoàng Anh (SN 1989, ngụ huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đến làm việc liên quan đến vụ đánh tài xế xe tải khi dừng đèn đỏ trên đường ĐT.741 chiều 15/12. 

Thông tư 47/2024 về “Quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy” do Bộ GTVT ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.

Ngày 17/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Trong đó, lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm giao thông cũng như phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文