Hàng chục hộ dân vùng hồ chứa nước nghìn tỷ mong sớm được hỗ trợ
Hồ chứa nước Mỹ Lâm ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) khởi công xây dựng từ cuối năm 2018 và đã đưa vào vận hành khai thác từ đầu năm 2023, thế nhưng đến nay, UBND huyện Tây Hòa vẫn còn loay hoay tìm hướng bồi thường, hỗ trợ về đất đai cho hàng chục trường hợp còn lại.
Theo thiết kế, hồ chứa nước Mỹ Lâm là một trong số rất ít dự án thủy lợi lớn ở miền Trung, có dung tích 34,8 triệu m3, được xây dựng trên diện tích hơn 477ha thuộc địa phận hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công trình này đảm bảo nguồn nước tưới cho 2.000ha lúa, 500ha mía, 800ha ao hồ nuôi cá nước ngọt và cung cấp nước sinh hoạt cho 3.800 hộ gia đình.
Trước khi bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng (BQL ĐTXD) thủy lợi 5 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đầu mối công trình; BQL các dự án ĐTXD tỉnh Phú Yên đảm trách các hạng mục xây lắp 45km kênh mương cùng nhiều công trình, hạng mục phụ trợ; UBND huyện Tây Hòa đã thông báo thu hồi đất của 461 hộ gia đình, cá nhân và 3 tổ chức tập thể với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ 80 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn còn hàng chục hộ gia đình cho rằng chưa được bồi thường, hỗ trợ do đất đai bị thu hồi hoặc ảnh hưởng sản xuất.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tây Hòa tại Thông báo ngày 18/12/2023, xã đã tiến hành rà soát lại nguồn gốc, diện tích, thời điểm sử dụng đất… từng trường hợp kiến nghị của người dân, đồng thời đối chiếu với thông tin trong sổ địa chính, hồ sơ lưu trữ tại địa phương, đồng thời lấy ý kiến từ khu dân cư hai thôn Mỹ Cảnh, Mỹ Xuân 2. Đến ngày 4/1, UBND xã Hòa Thịnh đã có Báo cáo số 01/BC-UBND gửi UBND và Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Tây Hòa.
Theo báo cáo này, kết quả kiểm kê trước khi triển khai thi công xây dựng hồ chứa nước Mỹ Lâm có 19 hộ gia đình đang sử dụng 36 thửa đất với tổng diện tích gần 31.210m2 để sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 12 trường hợp sử dụng 23 thửa đất từ trước năm 1993 với tổng diện tích 23.446m2 và 7 trường hợp sử dụng 13 thửa đất sau năm 1993 với tổng diện tích gần 7.764m2.
Do các hộ gia đình không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, xã xác định đây là đất công ích, nên UBND huyện Tây Hòa có thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đất này đối với UBND xã Hòa Thịnh và đã chi trả cho xã nhận tiền bồi thường hỗ trợ 5 thửa đất gồm 5.145m2. Tuy nhiên, trên thực tế xã không quản lý, khai thác cho thuê 36 thửa đất gần 31.210m2 mà 19 hộ gia đình đã sử dụng để trồng trọt từ trước và sau năm 1993 nên UBND xã Hòa Thịnh đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đưa toàn bộ diện tích đất nêu trên ra khỏi quỹ đất công ích để giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ.
Ngoài 19 trường hợp nêu trên còn có 23 gia đình sử dụng 26 thửa đất với tổng diện tích hơn 43.157m2 trước và sau năm 1993 nhưng không có giấy tờ và cũng không phải là đất công ích do xã quản lý. Sau khi rà soát nguồn gốc sử dụng đất, chính quyền xã Hòa Thịnh đã loại trừ 4 trường hợp dừng sản xuất từ năm 2012-2013 gồm 11.756m2, phần còn lại UBND xã Hòa Thịnh đề nghị cấp có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ cho 13 trường hợp gồm 22.639m2 đã phải dừng sản xuất để phục vụ thi công dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm; không hỗ trợ 6 trường hợp chưa có thông báo thu hồi đất gồm 8.760m2 vì thực tế người dân vẫn tổ chức sản xuất trên diện tích đất này.
Liên quan đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho những trường hợp phải dừng sản xuất để phục vụ thi công dự án, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết, huyện đã làm việc với BQL ĐTXD thủy lợi 5 nhưng đơn vị này cho rằng hoạt động thi công xây dựng dự án đã kết thúc từ 31/12/2022, nên không còn vốn để thực hiện (?). Trong khi đó, nguồn kinh phí của huyện Tây Hòa khó khăn không thể chi trả hàng trăm triệu đồng nên phải báo cáo và đề nghị Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí để bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Từ báo cáo của UBND xã Hòa Thịnh về kết quả rà soát, 32 hộ gia đình nêu trên mong chờ UBND huyện Tây Hòa sớm tìm nguồn kinh phí để bồi thường, hỗ trợ sau hơn 4 năm thu hồi đất.