Hàng loạt dự án treo, có dễ thu hồi?
Có đến gần 400 dự án chậm triển khai, thậm chí có những dự án đã treo hàng thập kỷ nhưng đến nay TP Hà Nội vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hồi theo các quy định của pháp luật. Dự án chậm triển khai chủ yếu do năng lực của các chủ đầu tư, do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Mới đây, TP Hà Nội ban hành Công văn số 2861/UBND-KT trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét xử lý, thu hồi đất theo quy định. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu TP Hà Nội thể hiện sự quyết tâm trong việc xử lý, thu hồi các dự án này, song đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn.
Dự án “ngủ quên” hàng chục năm
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thành phố đang có 383 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đáng chú ý, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai. Những quận, huyện có số dự án trễ tiến độ nhiều nhất phải kể đến là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Đơn cử như tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội sau 17 năm triển khai, đến nay vẫn chỉ là khu đô thị “trên giấy”. Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai (quận Hoàng Mai) giao Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến kết thúc vào cuối năm 2008 với các công việc giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xây thô nhà vườn, cụm chung cư CT5 phục vụ tái định cư… Giai đoạn 2 tiến hành xây dựng nhà cao tầng, cụm nhà biệt thự. Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 17 năm, dự án vẫn "án binh bất động" khiến không ít người dân ở khu vực này bức xúc.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) bức xúc cho rằng, cần phải có những chế tài mạnh để xử lý những chủ đầu tư cố tình “câu giờ” này. “Đã đến lúc phải có những chế tài mạnh tay với những chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Ví dụ, với những dự án chậm tiến độ cần nâng giá tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thật cao”, ông Quang cho hay.
Một hình ảnh rất dễ thấy của các dự án “ngủ quên” sau lớp áo tôn là hình ảnh trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy). Hàng loạt dự án được cho là nằm trên khu vực “đất vàng” bỏ hoang nhiều năm không triển khai, những dự án xây dở dang trễ tiến độ, bỏ hoang phế hàng chục năm như những mảnh vá xấu xí trên tổng thể quy hoạch đô thị quận Cầu Giấy.
Bà Nguyễn Thị Lanh (ngõ 44, Trần Thái Tông) cho biết, ở khu vực này rất nhiều khu đất được quây tôn, hoặc để không cỏ mọc um tùm nhưng đều đã có chủ. Có những khu đất được rào bảo vệ từ khi giải phóng mặt bằng xong cách đây gần 20 năm nhưng không có bất cứ hoạt động xây dựng nào. “Nhiều doanh nghiệp đủ khả năng tài chính lại không tiếp cận được quỹ đất để đầu tư. Trong khi ở khu vực đô thị mới giữa lòng thành phố thì dự án để hoang, làm nhem nhuốc bộ mặt đô thị. Đây là những bất cập cần phải được xử lý triệt để”, bà Lanh nói.
Cơ quan quản lý cần cương quyết
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn các vướng mắc trong thu hồi các dự án chậm triển khai có một phần chồng chéo của các quy định pháp luật. Theo khái niệm pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai dự án đã đề ra. Theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Mâu thuẫn trong các quy định pháp luật làm khó cho việc xử lý các dự án chậm triển khai này.
“Cần hoàn chỉnh cơ chế Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Cần cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các tiêu chí hình thức như “chứng minh tài khoản của mình có bao nhiêu tiền” cũng cần phải lược bỏ, cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển đưa ra các tiêu chí gắn với báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo kiểm toán hằng năm. Từ đó sẽ lựa chọn được các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án”, GS Đặng Hùng Võ phân tích.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc có những dự án chậm triển khai, thậm chí là treo đến hàng chục năm có nguyên nhân từ công tác quản lý. Công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…
“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua cho thấy, rõ ràng nếu được sử dụng, triển khai tốt thì là động lực rất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá.