Hàng loạt sai phạm tại các dự án điện ở Đắk Nông

15:28 07/07/2023

Liên quan đến thông tin “Cấp giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án thủy điện trên... đất rừng” mà Báo CAND đã phản ánh, ông Dương Minh Châu, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông cho biết Sở đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các hồ sơ, thủ tục liên quan để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền tìm giải pháp.

Như Báo CAND đã phản ánh, ngày 6/9/2007, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho phép Công ty CP xây dựng COSEVCO 77 là chủ đầu tư thực hiện Dự án thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 (đóng trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Năm 2008, 2 dự án này được chuyển sang cho Công ty CP Thủy điện Đắk Glun làm chủ đầu tư với công suất 11MW, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng (hoàn thành năm 2011). Đến ngày 22/12/2010, UBND tỉnh Đắk Nông lại điều chỉnh tiến độ 2 dự án này là năm 2012 - 2014.

Ngày 23/7/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao 59,8ha đất cho chủ đầu tư để xây dựng lòng hồ, đồng thời cho thuê 148,2ha đất tại xã Quảng Tâm, Đắk Ngo, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án.

Dự án Thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 được cấp chồng lấn lên đất quốc phòng. 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm UBND tỉnh Đắk Nông giao 208ha đất cho chủ đầu tư thì hiện trạng 188,99ha đất có rừng (trong đó có 25,23ha rừng tự nhiên); 19,01ha đất không có rừng. Sau khi dự án khởi công, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện có 59,5/208ha đất bị chồng lấn lên đất quốc phòng mà trước đó UBND tỉnh Đắk Nông giao cho dự án thủy điện Đắk Glun 2, 3. Bên cạnh đó, ngày 22/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đối chiếu ranh giới tọa độ tuyến kênh và hồ sơ điều chỉnh quy hoạch thì phát hiện có 15,3ha nằm ngoài ranh giới đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất.

Ông Phạm Cao Trí, giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Glun cho biết, đến nay dự án đã triển khai 15 năm, chủ đầu tư đã chi hơn 85 tỉ đồng nhưng mới đạt tiến độ khoảng 25%. Dự án vẫn có quá nhiều vướng mắc phát sinh về đất đai, quy hoạch phải chờ Thanh tra Chính phủ, địa phương thống nhất giải pháp mới có thể triển khai tiếp.

Tuyến kênh Dự án Thủy điện Đắk Glun 2 và Đắk Glun 3 xây dựng ngoài đất ranh giới được cấp phép.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông, ngày 19/3/2020, đơn vị đã chấp thuận việc giãn tiến độ đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 đến tháng 3/2022. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Dương Minh Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã chủ trì các sở ngành, địa phương họp bàn giải pháp sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Vướng mắc lớn nhất tại hai dự án này là liên quan đến diện tích đất rừng, chồng lấn đất quốc phòng. Tuy nhiên, hiện những hạng mục đã đầu tư chưa đụng tới những diện tích này. Sở cũng đã có báo cáo, đưa ra một số giải pháp để UBND tỉnh xem xét, đánh giá, giải trình với Thanh tra Chính phủ. Nếu địa phương bóc tách, thu hồi những diện tích này thì sẽ gỡ được vướng mắc đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Nếu các phương án do tỉnh đưa ra được Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thống nhất thì sẽ triển khai”, ông Châu nói.

Cũng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngoài vướng mắc, sai phạm tại 2 dự án thủy điện trên thì trong đầu tư, xây dựng đối với nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Đắk Nông cũng để xảy ra hàng loạt sai phạm, cần có giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, hàng loạt dự án điện gió được cấp chồng lấn trên quy hoạch bôxít đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Theo kết luận, UBND tỉnh Đắk Nông có sai phạm trong việc có chủ trương nhưng chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án điện năng lượng mặt trời, gồm: Xuyên Hà (130MWp), Ea T’Ling (95MWp), Cư Knia (180MWp), KN Buôn Tua Srah (390MWp). Đến thời điểm thanh tra, tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm sai phạm này.

Ngoài ra, đối với 2 dự án điện năng lượng mặt trời Cư Jút (50MWp), Trúc Sơn (33,4MWp), UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư khi vị trí đất thực hiện 2 dự án này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Chủ đầu tư 2 dự án này cũng chưa thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hạng mục đường dây 110KV. Chưa hết, 2 dự án này đã vận hành thương mại trước khi được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, để có thông báo hoàn thành…

Tương tự, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, có 6 dự án điện gió, gồm: Nam Bình 1 (30MW), Đắk Hòa (50MW), Asia Đắk Song 1 (50MW) và Đắk N’đrung 1,2,3 (300MW) có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng chồng lấn lên quy hoạch bôxít đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007; vị trí đất thực hiện dự án chưa được quy hoạch vào mục đích xây dựng công trình năng lượng.

Trong buổi làm việc mới đây với đoàn công tác Chính phủ, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thừa nhận, hiện nay toàn tỉnh có đến 1.062 dự án, công trình có diện tích đất chồng lấn với quy hoạch bôxít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (có tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khoảng 5.000 tỉ đồng). Trong số này có 6 dự án đầu tư công 1.500 tỉ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025) cũng đều nằm trong vùng quy hoạch bôxít.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ngày 28/4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận về việc quản lý sử dụng đất xây dựng các dự án điện gió chồng lấn quy hoạch bôxít. “UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo, kiến nghị, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đến nay những đề nghị của tỉnh chưa được giải quyết đến kết quả cuối cùng, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Hồ Văn Mười nói.

Dính sai phạm, vướng mắc, nhiều dự án điện gió ở Đắk Nông không thể vận hành dù đã hoàn thiện xây dựng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công thương, UBND tỉnh Đắk Nông kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân tập thể liên quan và chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo kết luận. Thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét điều tra việc quản lý, sử dụng đất xây dựng 5 dự án điện gió chồng lấn quy hoạch bôxít dù các bộ đã có văn bản “tuýt còi”, nhắc nhở trước khi đầu tư. 

Ngoài ra, việc chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đắk Glun 2,3 “xẻo” hơn 15ha đất ngoài ranh giới; việc giao 25,2/208ha đất rừng tự nhiên làm thủy điện cũng bị kiến nghị điều tra. Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi quyết định chứng nhận đầu tư đối với 2 nhà máy thủy điện này đồng thời xem xét trách nhiệm việc giao dự án trên đất rừng, đất quốc phòng.

Văn Thành

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文