Hiểm họa tai nạn đường sắt với hơn 3.600 lối đi tự mở
Ít nhất 70% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên cả nước xảy ra tại lối đi tự mở, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
50% số vụ tai nạn đường sắt dịp Tết xảy ra tại lối đi tự mở
Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở. Năm 2020, Chính phủ ban hành Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án 358). Cùng với việc đưa ra giải pháp, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5 - 10% hàng năm…
Tuy nhiên, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), sau hơn 2 năm triển khai Đề án 358, tính đến cuối tháng 9/2022, mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn lại 3.606 lối đi tự mở. Thực tế, trong số hơn 3.600 lối đi tự mở còn lại này, có rất nhiều đường ngang vào làng xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xoá bỏ hẳn thì dân sẽ không có lối đi.
Gần đây nhất, thống kê từ Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20/1/2023 đến ngày 26/1/2023), tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tăng cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương): Đã xảy ra 8 vụ (tăng 5 vụ so cùng kỳ 2022), làm chết 5 người (tăng 3 người), làm bị thương 4 người, tăng 2 người. Trong số này, có 4 vụ xảy ra tại lối đi tự mở, 1 vụ tại đường ngang và 3 vụ do vi phạm khổ giới hạn đầu máy - toa xe.
Đáng lưu ý, hồi 9h24 ngày 28/1/2023, tại Km 28+800 (lối đi tự mở do địa phương tổ chức chốt gác, cảnh giới ATGT) khu gian Chợ Tía - Thường Tín (thuộc xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã xảy ra vụ TNGT đường sắt giữa đoàn tàu khách SE5 và xe đầu kéo chở sắt. Lãnh đạo VNR nhận định, vụ tai nạn làm nhân viên cảnh giới bị thương, phải đưa đi cấp cứu, xe ôtô và thép cây trên xe đổ nghiêng vào đường sắt ở vị trí toa số 1, số 2 của đoàn tàu; đầu máy bị hư hỏng không thể tiếp tục kéo tàu SE5. Tàu SE5 chiếm dụng khu gian 133 phút, làm ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu. Vụ tai nạn này được VNR xác nhận là do xe ôtô đầu kéo rơ moóc vượt đường ngang giao cắt bị mắc kẹt ở giữa ray tàu nhưng nhân viên gác chắn đã không kéo còi cảnh báo khiến tàu SE5 đã đâm vào ôtô.
Tổ chức rà soát, kiểm tra từng lối đi tự mở
Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đường sắt và không để xảy ra vụ tai nạn tương tự, VNR kiến nghị Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn phù hợp với từng lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Nhất là các lối đi tự mở có chiều rộng lớn hơn 3m, có đường bộ chạy song song với đường sắt và lưu lượng xe cơ giới đường bộ có tải trọng lớn qua lại. Cùng đó hạn chế phương tiện giao thông qua các giao cắt này, chỉ cho phép xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2,5 tấn qua lại.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt - đường bộ đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ôtô trên địa bàn và mọi người dân. Từ đó nâng cao hiểu biết pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành. Bên cạnh đó cần tổ chức thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ và Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Chính phủ.
Cục Đường sắt cũng đề nghị, trong thời gian chờ xóa bỏ các lối đi tự mở, bố trí nhân lực cảnh giới an toàn giao thông tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Kiểm tra việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới của các tổ chức, cá nhân được giao cảnh giới/chốt gác tại các lối đi tự mở theo quy định tại Thông tư số 28/2018 của Bộ GTVT và các quy định khác có liên quan. Tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận, làm gờ giảm tốc…