Lấy cớ cải tạo đất để phân lô, bán nền
Từ nguồn tin của bạn đọc, chúng tôi về thị xã Sông Cầu (Phú Yên) tìm hiểu vụ việc người dân thuê xe cơ giới san ủi đất rừng sản xuất tại một số nơi ở địa phương này để xây dựng công trình trái phép và có dấu hiệu phân lô, bán nền.
Đứng bên cầu Bãi Bàng 1 và phía đối diện khu du lịch Bãi Bàu bên đường quốc lộ 1D qua địa phận thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi nhìn thấy nhiều khu đất rừng, đất trồng cây lâu năm vừa mới san ủi. Có nơi đã được cải tạo bằng phẳng, có nơi được “thiết kế” thành bậc thang ngược lên triền núi, người sử dụng đất không chỉ trồng nhiều cây ăn quả như mít, bưởi, xoài, dừa... trên phần đất đã san ủi, mà còn xây dựng, lắp đặt trái phép một số công trình.
Chiều 18/10, trao đổi vụ việc trên, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo một tổ công tác phối hợp giữa Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài nguyên & Môi trường cùng UBND xã Xuân Hải tiến hành kiểm tra, nếu có sai phạm phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.
Theo kết quả kiểm tra, ông Nguyễn Kim Hùng được UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) rừng sản xuất từ ngày 31/01/2019, với diện tích 6.124m2 tại thừa đất 314, tờ bản đồ lâm nghiệp 01.
Trên khu đất này có xây căn nhà khung sắt tiền chế, mái tôn hơn 261m2, nên ngày 12/10 UBND xã Xuân Hải đã lập biên bản về hành vi xây dựng công trình khác không có giấy phép theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đồng thời có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Hay như trường hợp ông Hồ Xuân Duy được UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy CNQSDĐ ngày 20/6/2019 tại thửa đất số 23, tờ bản đồ số 03-ĐC với diện tích 709m2. Sau khi phát hiện ông Duy xây dựng công trình tường chắn đất bằng bê tông cốt thép dài 28m, cao 1,5m trong phạm vi đất dành cho đường bộ, ngày 16/11/2020, UBND xã Xuân Hải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng đến nay người vi phạm chỉ mới tháo dỡ một phần tường chắn.
Còn ông Lê Văn Hải được UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy CNQSDĐ ngày 27/6/2016 tại thửa số 01, tờ bản đồ 03-ĐC với tổng diện tích 4.979,8m2, trong đó có 250m2 đất ở nông thôn và 4.629,8m2 đất trồng cây lâu năm. Gần khu vực này, UBND xã Xuân Hải đã đầu tư xây dựng đường bê tông, nên ông Hải và một số người dân tự nguyện góp kinh phí xây dựng thêm đường nhánh bê tông dài 30m.
Trường hợp ông Trần Duy Lâm thuộc thửa đất số 82, tờ bản đồ số 05 được xác định là đất trồng cây lâu năm, nhưng chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Năm 2003, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định thu hồi đất không vực này nhưng chưa thực hiện được nên ông Lâm cùng một số người dân vẫn sử dụng.
Theo Luật Xây dựng, “căn nhà” ông Lâm lắp đặt trên khu đất này bằng hai thùng container chưa phải là công trình xây dựng, nên UBND xã Xuân Hải chưa xác định được hành vi vi phạm hành chính, UBND thị xã Sông Cầu sẽ có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên hướng dẫn cụ thể để xử lý.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, vụ việc người dân san ủi đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm đã được Nhà nước giao đất cho họ, nhằm mục đích bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, được nhà nước khuyến khích theo quy định tại điều 9 Luật Đất đai 2013.
“Thực tế, người dân chỉ san ủi đất để trồng cây ăn quả, chưa có căn cứ để quy kết họ phân lô, bán nền. Những trường hợp xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép đã và đang được UBND xã Xuân Hải, UBND thị xã Sông Cầu xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ở thị xã phối hợp chính quyền xã Xuân Hải tăng cường kiểm tra, kiên quyết không để người dân lấy cớ cải tạo đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm để phân lô, bán nền, hoặc xây dựng trái phép các công trình nhà ở, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống giải khát...”, ông Huy khẳng định.