Mất tiền, mất sổ đỏ vì tin lời “cò” đất

16:59 24/03/2025

Chỉ vì thiếu hiểu biết hoặc quá tin vào lời “cò” đất, nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã giao sổ hồng, sổ đỏ cho “cò” để làm thủ tục sang nhượng. Tuy nhiên, đất của họ bị mang đi bán, còn “cò” đất thì bặt vô âm tín…

“Cò” đất nhận sổ rồi… mất tích
Những ngày qua, ông Y Krang Niê (trú tại buôn Yông B, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) phải luôn túc trực ở nhà vì có rất nhiều người vào hỏi để mua mảnh đất rộng hơn 1.000m2 của gia đình. Tuy nhiên, ông không thể sang nhượng, mua bán. Cách đây chừng 5 năm, có một người phụ nữ đã đến hỏi mua mảnh đất. Sau khi ông đồng ý bán với giá 1,2 tỷ đồng, người phụ nữ này đã đặt cọc 200 triệu rồi nói mượn sổ hồng để điều chỉnh lại địa giới cho phù hợp. Tuy nhiên, sau khi mượn được sổ hồng, người này bặt tăm.

Mất tiền, mất sổ vì tin lời “cò” đất -0
Một người dân tại xã Ea Drơng bị "cò" lừa lấy sổ hồng và bán luôn mảnh đất của gia đình.

Vài năm trước, tôi thấy có người đến mảnh đất của mình để phát dọn, chuẩn bị xây nhà. Hỏi người này thì mới vở lẽ, mảnh đất của tôi đã được bán cho người khác. Sổ đất cũng đã được sang tên, đổi chủ. Gọi điện cho người phụ nữ mua đất thì người này có thừa nhận, đã bán mảnh đất cho người khác và có hứa sẽ trả lại tiền cho gia đình tôi đầy đủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, người này ngừng liên lạc, gia đình tôi cũng không nhận được đồng nào. Bất đắc dĩ, nay tôi phải cắm biển đất đang tranh chấp trên mảnh đất của mình”, ông Y Krang Niê chia sẻ.

Tương tự, cách đây ba năm, gia đình ông Y Buôn Niê cũng đã bán 2.400m2 đất cho một người tên L. ở TP Buôn Ma Thuột với giá 2,4 tỷ đồng. Người mua đất đặt cọc, trả tổng cộng 900 triệu đồng cho gia đình ông Y Buôn Niê rồi mượn sổ hồng để chỉnh lý thông tin, tách sổ.

Một căn nhà được người dân xịt sơn cảnh báo đất đang tranh chấp không ai được mua bán.

“Tôi được đưa đến một văn phòng công chứng để ký nhiều loại giấy tờ. Sau đó, liên lạc giữa tôi với ông L. ngày càng khó khăn bởi ông này luôn né tránh. Tôi đã viết đơn, gửi văn phòng đăng ký đất đai để ngăn chặn việc sang tên đổi chủ thửa đất trên nhưng đã muộn. Thửa đất của tôi đã được bán lại cho một người tên T.”, ông Y Buôn Niê buồn bã cho biết.
Cũng theo lời ông Y Buôn Niê, thời gian gần đây, ông T. có lui tới mảnh đất của gia đình nhưng ông nhất quyết không cho vào. Ông cũng đã tiến hành cắm biển, sơn xịt lên cây để cảnh báo người mua. “Hiện ông T. đang nợ gia đình tôi hơn 1,5 tỷ đồng và cũng chưa trả lại sổ. Tôi vẫn đồng ý bán với điều kiện ông T. trả đủ tiền, trả lại sổ để gia đình làm giấy tờ. Nếu không được, tôi buộc phải làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp”, ông Y Buôn Niê khẳng định.

Chính quyền đã nhiều lần cảnh báo

Ông Nguyễn Tiến Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, xã đã có văn bản khuyến cáo người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin, liên hệ cơ quan chức năng để tránh mua phải đất tranh chấp hoặc đất quy hoạch. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi xã Ea Drơng có nhiều thửa đất vướng vào tranh chấp.

Trên địa bàn xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar có khá nhiều thửa đất, căn nhà bị bỏ hoang, trên tường, trước cổng đến cả mặt đường đều bị xịt sơn với dòng chữ “đất đang tranh chấp” hoặc “đất đang tranh chấp cấm mua bán”...

Một mảnh đất đang tranh chấp mua bán được chủ nhà xịt sơn cả ra đường để cảnh báo người mua.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Drơng thùa nhận có trường hợp xảy ra tranh chấp vì chủ cũ bán đất nhưng chưa nhận đủ tiền, trong khi đất của họ đã bị sang tên, bị bán tiếp cho người khác.

Theo ông Trường, “cò” đất chỉ đặt cọc số tiền rất ít rồi mượn sổ hồng của người dân nói là đi làm thủ tục tách thửa. Người dân ký tá vào rất nhiều loại giấy tờ, trong đó có cả giấy tờ ủy quyền. Từ đó, “cò” đất đã tìm cách sang tên đổi chủ trên sổ. Đến khi người dân khiếu nại, tố cáo, Công an vào cuộc xác minh nhưng không thể xử lý được mà phải chuyển qua dân sự.

Hầu hết các trường hợp tranh chấp đều bắt đầu từ đợt “sốt” đất đầu tiên hồi năm 2020- 2021. Từ đầu tháng 3/2025, một số xã xung quanh khu vực tỉnh cho xây dựng Khu công nghiệp Phú Xuân như ở các xã Ea Drơng, Cuôr Đăng, Cư Suê… có rất nhiều người tập trung, sang nhượng, mua bán đất đai khiến thị trường đang “nóng” dần lên. "Trước đó chính quyền xã đã nhiều lần cảnh báo người dân phải hết sức cẩn trọng, tránh hệ lụy về sau khi mua bán đất không rõ ràng, không nhận đủ tiền mà đã giao sổ. Tuy nhiên,nhiều người thiếu hiểu biết, quá tin tưởng vào “cò” đất nên vẫn bị lừa”, ông Trường cho biết.

Biển cảnh báo tranh chấp mua bán đất treo nhan nhản trên các ngọn cây.

 Trong cơn “sốt” đất vào năm 2020-2021, trên địa bàn xã Cư Suê, huyện Cư M’gar cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Hàng trăm người dân ở xã này bán đất và bị chuyển hết phần diện tích đất thổ cư sang sổ hồng của người mua, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Văn Thành

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 16h46', ngày 13/7 tại Km 32+100, Quốc lộ 46A, thuộc khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với Trần Hữu Ba (SN 1988), trú tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.