Nâng cao nhận thức cho người dân biên giới về phòng, chống mua bán người

07:27 10/12/2024

Điện Biên là tỉnh miền núi nghèo, có đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, lợi dụng những đặc điểm này, thời gian qua, tại Điện Biên, các đối tượng xấu thực hiện hành vi mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Điện Biên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.

Do có nhu cầu việc làm, chị Lò Thị P, trú bản Bó, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên suýt trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Chị P kể, sau COVID-19, với mong muốn có việc làm nên chị lên mạng xã hội vào trang giới thiệu việc làm… để tìm kiếm cơ hội. Thông qua Zalo, có người không rõ thân nhân rủ chị xuống tỉnh Vĩnh Phúc làm bánh kẹo nên chị và chồng cùng đi. Xuống bến xe khách ở Vĩnh Phúc, vợ chồng chị được xe ôm đón, đưa đi qua nhiều tuyến đường đất dẫn đến một khu nhà trọ nằm xa khu dân cư.

Tại đây, vợ chồng chị bị các đối tượng tách ra ở riêng với hai dãy trọ dành cho nam, nữ. Hằng ngày, các đối tượng đều giám sát hai vợ chồng 24/24 giờ nhưng khi hỏi về công việc thì không thấy đâu. Biết bị lừa nên hai vợ chồng chị cố gắng tìm cách và may mắn đã thoát thân.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Điện Biên), trước đây, nạn nhân mà các đối tượng mua bán người nhắm đến là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em để bán sang Trung Quốc; sau COVID-19, tội phạm mua bán người có sự chuyển hướng hoạt động. Nạn nhân mà các đối tượng hướng đến đa dạng hơn, tập trung chủ yếu là thanh, thiếu niên, người trong độ tuổi lao động.

Công an tỉnh Điện Biên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền giáo dục pháp luật trên địa bàn xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Sau khi lừa đảo, chúng đưa nạn nhân vào các đặc khu kinh tế của người Trung Quốc ở Lào, Campuchia và Myanmar để cưỡng bức tình dục (hoạt động mại dâm) và cưỡng bức lao động (ép thực hiện lừa đảo trên không gian mạng). Cụ thể, lợi dụng việc đang sinh sống tại nước ngoài, các đối tượng đưa ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho thu nhập cao, thông qua mối quan hệ bạn bè, họ hàng hoặc mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… tuyển dụng công dân đi lao động ở nước ngoài.

Để tăng thêm tính thuyết phục, các đối tượng còn chi trả phí làm hộ chiếu, tiền xe và ăn uống cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế khi sang đến nơi, nạn nhân đều bị thu giữ hộ chiếu, đưa vào các công ty hoạt động lừa đảo trực tuyến hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke... trá hình do người Trung Quốc làm chủ.

Chúng ép nạn nhân ký hợp đồng bằng chữ Trung Quốc, với thời hạn một năm nếu phá hợp đồng bị phạt khoản tiền lớn. Trong quá trình làm việc, các nạn nhân bị cưỡng bức, ép làm công việc lừa đảo, ép bán dâm… Khi nạn nhân không muốn làm việc, đòi về, các đối tượng yêu cầu nộp khoản tiền lớn để chuộc.

Tại Điện Biên, hiện nay, còn xuất hiện nhóm nam giới, chủ yếu là người Trung Quốc, thông qua người môi giới hoặc mạng xã hội kết bạn, tán tỉnh yêu đương với các cô gái trẻ người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông). Sau khi đồng ý, các đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam, đến tận nhà ra mắt, mời cơm gia đình, họ hàng của các cô gái để xin được tìm hiểu. Thậm chí, các đối tượng đến UBND xã nơi các cô gái thường trú xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đưa đi làm hộ chiếu, xin cấp visa, đăng ký kết hôn làm vợ tại Trung Quốc. Nói về hiện tượng này, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, tuy chưa ghi nhận vụ việc liên quan đến mua bán người nhưng đã có vụ việc lợi dụng để lừa đảo.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, tập trung phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người; phối hợp các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó lồng ghép truyền thông chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người.

Trung tá Lê Ngọc Hoàn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Điện Biên) cho biết, phụ nữ, trẻ em, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những đối tượng nguy cơ cao dễ bị mua bán. Đơn vị trực tiếp xuống địa bàn, thông qua những người có uy tín, già làng, trưởng bản, Hội Phụ nữ tiếp cận tuyên truyền. Đồng thời xây dựng nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để truyền thông thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Trong 9 tháng năm 2024, đơn vị tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 60.000 lượt người (đối tượng tuyên truyền chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên).

Ngoài nỗ lực tuyên truyền, Công an tỉnh quyết liệt đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán người và bắt giữ nhiều đối tượng. Đến nay, Công an tỉnh phát hiện, khởi tố 5 vụ, 7 đối tượng mua bán người, giải cứu 38 nạn nhân bị mua bán sang Lào, Myanmar và Trung Quốc.

Thời gian tới, xác định tội phạm mua bán người tại tỉnh còn nhiều tiềm ẩn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người, Công an tỉnh Điện Biên khuyến cáo, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, bà con cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm mua bán người chủ động tố giác, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Phan Quân

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Ngày 5/1, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 6 bánh heroin và 12 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Năm 2025, các ngân hàng và các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ ổn định đi ngang do quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文