Nhà máy may lấn chiếm đất công hơn 6 năm vẫn ngang nhiên hoạt động
Mặc dù đã bị UBND xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) nhiều lần lập biên bản và ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng nhưng đến nay những sai phạm của Công ty TNHH DV – VT Sông Lam (chủ đầu tư Công ty may Sông Lam) vẫn chưa được xử lý triệt để?!
Theo thông tin phản ánh của người dân địa phương, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có một nhà máy may xây dựng trái phép, ngang nhiên hoạt động, bất tuân quy định pháp luật.
Qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, những thông tin phản ánh nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, tại thời điểm phóng viên ghi nhận (27/3), nhà máy may Sông Lam nằm lẫn trong khu dân cư xã Thanh Sơn, quan sát cho thấy, khu nhà xưởng bằng chất liệu khung thép 2 tầng, có diện tích hàng trăm mét vuông, có rất đông công nhân đang làm việc...
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Bá Lam (SN 1968), Giám đốc Công ty may Sông Lam, cho biết: Vị trí xây dựng nhà máy may trước đây là xưởng tập kết sắt vụn của gia đình (buôn bán sắt vụn). Từ năm 2017, gia đình ông Lam xây dựng nhà máy may Sông Lam, chuyên may gia công theo đơn đặt hàng với số lượng gần 100 công nhân làm việc. Khi được hỏi về nguồn gốc đất đai để xây dựng nhà máy may, ông Lam cho biết “đất này là đất ở từ xưa, thời bố anh...”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của UBND xã Thanh Sơn cho thấy, Công ty may Sông Lam có rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Điển hình, ngày 25/3/2020, UBND xã Thanh Sơn có “Báo cáo hiện trạng công trình xây dựng vi phạm về lĩnh vực đất đai trật tự xây dựng đối với hộ gia đình ông Hồ Bá Lam thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) gửi các cơ quan chức năng thị xã Nghi Sơn, thể hiện: “Hiện trạng công trình của Công ty may Sông Lam đã xây dựng: 1 nhà xưởng khung bằng thép hai tầng, mái lợp tôn đang hoàn thiện, với tổng diện tích công trình khoảng 1600m2 (mỗi tầng 800m2), dài 31m, rộng 26m. Trong đó, diện tích nhà xưởng xây dựng trên đất vườn cùng thửa đất của ông Hồ Bá Lam là 590m2, diện tích xây dựng nhà xưởng trên đất sản xuất nông nghiệp là đất ông Lam nhận chuyển nhượng của gia đình ông Lê Công Tiềm, diện tích 235,8m2. Ngoài ra, ông Lam đã dùng đất đá xô bồ san lấp 168,0m2 đất (do UBND xã Thanh Sơn quản lý), lắp dựng 4 cột thép, dùng lưới mắt cáo phủ để làm bãi giữ xe tạm cho công nhân. Phần còn lại là 642,0m2 đất là phần diện tích mặt nước (do UBND xã quản lý), hộ ông Lam đã tự ý san lấp và sử dụng một phần đất để lắp dựng mái che tạm thời bằng khung thép, lợp tôn để phục vụ việc sinh hoạt, ăn uống, nghỉ trưa của công nhân, diện tích là 106,4 m2”.
Ngày 29/4/2020, UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có Văn bản số 1271/UBND-QTXD gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo quá trình xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng đối với hộ ông Hồ Bá Lam tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Sơn, trong đó nêu rõ: "Hộ ông Hồ Bá Lam xây dựng xưởng may trên đất ở, đất vườn liền kề đất ở, một phần đất nông nghiệp và đất UBND xã quản lý, diện tích khoảng 1.600m2 chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh, trong đó: Làm nhà xưởng sản xuất bằng khung thép, mái tôn khoảng 800m2 (trên diện tích đất ở và đất vườn của hộ gia đình 590,9m2; đất nông nghiệp 10% là 235,8m2). Diện tích khoảng 800m2 san lấp mặt bằng trên đất hoang bằng và đất mặt nước chưa sử dụng do UBND xã quản lý. Hiện trạng, ông Lam dựng cột sắt, mái che bạt làm bãi để xe diện tích 168,0m2; dựng nhà khung sắt, mái lợp tôn làm nơi ăn ca cho công nhân, diện tích 106,4m2, còn lại 525,6m2 đã san lấp mặt bằng nhưng chưa sử dụng".
Theo văn bản trên, UBND thị xã Nghi Sơn cam kết với UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo xử lý dứt điểm việc tháo dỡ công trình vi phạm của hộ ông Hồ Bá Lam trước ngày 30/6/2020. Tuy nhiên, thời gian sau đó, nhà máy may Sông Lam vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục hoạt động.
Do vậy, ngày 8/10/2021, UBND xã Thanh Sơn tiếp tục ban hành Quyết định số 161/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Hồ Bá Lam – Giám đốc Công ty TNHH DV-VT Sông Lam; số tiền xử phạt là 6.000.000 (sáu triệu đồng). Quyết định xử phạt cũng nêu biện pháp khắc phục: Gia đình ông Hồ Bá Lam khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm (tháo dỡ toàn bộ công trình đã lắp dựng trái phép).
Liên hệ trao đổi sự việc trên với ông Trần Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, phóng viên không nhận được sự hợp tác. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn phản ánh các nội dung nêu trên. Sau khi nghe phóng viên trao đổi, ông Dũng nói rằng, các nội dung này thị xã đã có báo cáo gửi Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, đề nghị phóng viên liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để lấy thông tin rồi tắt máy.
Qua tìm hiểu, nội dung văn bản UBND thị xã Nghi Sơn gửi Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa vào ngày 18/5/2020 cũng gần giống với nội dung số 1271/UBND-QTXD mà thị xã Nghi Sơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Và, điều đáng nói là việc UBND thị xã Nghi Sơn xử lý vi phạm của Công ty may Sông Lam như làm cho qua chuyện, bằng chứng là cho đến nay nhà máy may Sông Lam vẫn hoạt động.