Nhức nhối tình trạng vi phạm đê điều ở Hải Phòng

05:19 14/08/2023

Không chỉ ảnh hưởng xấu đến hành lang thoát lũ, mất mỹ quan đô thị, tình trạng vi phạm quy định về đê điều, đất đai và quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác.

Cơ quan chức năng nhiều lần đã kiến nghị chính quyền các cấp, nhưng vi phạm không được xử lý, vẫn tái diễn, thậm chí phát sinh nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hải Phòng, không tính các vụ việc vi phạm do lịch sử để lại từ nhiều năm trước, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát sinh 70 vụ việc vi phạm xây dựng công trình trên hành lang đê và bãi sông. Trong tổng số 15 đơn vị hành chính cấp quận huyện của Hải Phòng, có tới 10 địa phương phát hiện các vụ vi phạm về đê điều trong hơn 3 năm qua. Nhiều nhất là huyện An Dương với 30 vụ việc, tiếp đến là huyện An Lão có 12 vụ việc, quận Lê Chân có 8 vụ việc và quận Hải An có 6 vụ việc…

Các trường hợp vi phạm đã được cơ quan quản lý đê phối hợp xử lý, nhưng do quá trình thực hiện có phần thiếu kiên quyết, nên trong số 70 vụ việc điển hình nêu trên, đến nay mới có 7 vụ việc được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, trên địa bàn huyện An Dương toàn bộ 6 tuyến đê thuộc 3 con sông lớn là Cấm, Lạch Tray và Tam Bạc, thuộc huyện An Dương có tổng chiều dài hơn 48km. Các hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc, tôn cao mở rộng mặt bằng, đào đắp nuôi trồng thủy sản, lập trang trại, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông...

Đại diện lãnh đạo huyện An Dương cho rằng, với sự phát triển mạnh các thành phần kinh tế và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa , nhiều dự án triển khai trên địa bàn, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng các công trình, dự án ngày càng lớn, là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Trong khi đó, trên địa bàn quận Lê Chân, các trường hợp vi phạm chủ yếu ở khu vực bãi bồi ven sông Lạch Tray thuộc địa bàn phường Vĩnh Niệm, xuất nguồn từ việc các hộ dân thuê đất để nuôi trồng thủy sản. Theo báo cáo của quận Lê Chân, hiện có 38 trường hợp sử dụng 25,57ha đất, gồm 8 trường hợp ký hợp đồng với UBND phường Vĩnh Niệm sử dụng 5,3ha; 24 trường hợp ký hợp đồng với UBND quận Lê Chân sử dụng 17,87ha và có 6 trường hợp tự ý sử dụng tới 2,41ha…

Vấn đề ở chỗ, hiện phần lớn diện tích nêu trên của quận Lê Chân đã không còn sử dụng nuôi trồng thủy sản mà được san lấp mặt bằng, trồng cây, chăn nuôi gia súc, dựng nhà trông coi… trái quy định. Nghiêm  trọng hơn, việc xây dựng các công trình kiên cố trái phép khu vực ven đê sông Lạch Tray đã diễn ra nhiều năm nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý. Cá biệt có cả nhà hàng núp bóng khu sinh thái rộng hàng chục nghìn mét, mà chủ đầu tư cho xây dựng nhiều công trình hoành tráng để kinh doanh, dịch vụ ăn uống.

Còn tại quận Hải An, trong hơn 3 năm trở lại đây, trên địa bàn đã có tới 11 vụ vi phạm lấn chiếm bãi sông, xây dựng các công trình kiên cố trên khu vực đầm bãi nuôi trồng thủy sản, phần lớn nằm trên địa bàn phường Tràng Cát. Trong đó, nhiều trường hợp sử dụng diện tích thuê nuôi trồng thủy sản, hết hạn hợp đồng thuê từ lâu nhưng tiếp tục chiếm dụng, tự ý san lấp, xây dựng công trình và mua bán, chuyển nhượng cho nhiều người, nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.

Trên thực tế, cũng tính từ năm 2021 đến nay, UBND TP Hải Phòng và UBND các quận, huyện liên quan đã ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều. Tuy nhiên, hiệu quả của các quyết định xử lý rất hạn chế, không khắc phục được tình trạng vi phạm, có phần hình thức, nên thực trạng xử lý vi phạm không có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Trong tổng số 70 vụ việc điển hình đã nêu, đến nay mới có 7 vụ việc được xử lý dứt điểm, chỉ đạt 10% số vụ đã phát hiện và 22,5% trên tổng số các quyết định xử lý đã ban hành. Chưa kể, trong 7 vụ việc đã xử lý này thì 5 vụ thuộc huyện An Dương, 2 vụ thuộc quận Hải An, nghĩa là việc xử lý của 8 quận huyện còn lại trong số 10 địa phương phát hiện vi phạm vẫn "án binh bất động".

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Phòng chia sẻ, việc vi phạm quy định về đê điều, đất đai và quy hoạch xây dựng đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến hành lang thoát lũ, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác. Liên tiếp trong nhiều năm qua, Sở NN&PTNT đã kiến nghị chính quyền các cấp, nhưng vi phạm không được xử lý, vẫn tái diễn, thậm chí phát sinh nhiều vụ việc vi phạm với những công trình trái phép, mở rộng quy mô diện tích được đầu tư mới.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ký văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm đê điều trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính khi nhận được kiến nghị xử lý của cơ quan quản lý đê điều. Đồng thời sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm tồn tại và để các vi phạm mới phát sinh không được xử lý kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan cũng chỉ đạo tập trung kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng công trình trái phép; cương quyết thu hồi phần diện tích đất lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

V. Minh

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tống đạt các Quyết định và bắt tạm giam đối với Đặng Tùng Lâm (SN 1989, HKTT tại Tổ 10, phường Quyết Thắng, TP Sơn La; nơi ở: đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tối 20/5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Tam Kỳ vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Huỳnh Hồng Danh (SN 1993, trú xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Nguyễn Tiện (SN 1996, trú xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và Tô Văn Thanh (SN 1987, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phê chuẩn Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber làm quyền Tổng thống Iran, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi qua đời vì tai nạn trực thăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文