Phát hiện thêm nhiều vụ phá rừng khác ở Sơn Hòa từ tin báo của người dân
Sau khi phản ánh vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, cũng từ nguồn tin giá trị của người dân, phóng viên Báo CAND tiếp tục trở lại huyện Sơn Hòa (Phú Yên), tiếp cận hiện trường nhiều vụ phá rừng khác.
Nhiều khoảnh rừng bị "cạo trọc"
Cách đường tỉnh 643 qua xã Sơn Long hơn 500m là những vạt rừng tự nhiên đã bị “cạo trọc”, đốt cháy nham nhở. Cách đó không xa, đối tượng phá rừng sử dụng công cụ cầm tay vạt sạch một đoạn vỏ trên thân những cây gỗ để cho cây chết dần trước khi đốn hạ.
Đi theo lối mòn nhỏ trong cánh rừng tự nhiên ở gần đó, rồi rẻ ngang, cắt dọc trong phạm vi khoảng 1.000m2, phóng viên Báo CAND tìm thấy hàng chục cây gỗ lớn, có đường kính 20-60cm đã bị đốn hạ bằng máy cưa. Lâm tặc đã cưa xẻ thân cây lấy gỗ hộp, bỏ lại những tấm bìa, nơi kia cẩu kéo gỗ tròn và cũng có nơi còn nguyên cây đổ ngã. "Lâm tặc sử dụng thiết bị tự chế bằng máy kết nối dây cáp thép và trục cuốn để cẩu kéo gỗ ra khỏi rừng", một người dân cho biết khi nhìn những dấu vết để lại hiện trường.
Làm việc với phóng viên, ông Đào Đức Hải – Chủ tịch UBND xã Sơn Long thừa nhận vụ phá rừng tự nhiên để chiếm đất trồng keo ở tiểu khu V3.4 trong khu rừng Mùa Xuân thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long. Tổ công tác của xã đã lập biên bản kiểm tra, đo đạc 2.100 m2 rừng bị “cạo trọc” hoàn toàn, nhưng chưa xác định được thủ phạm (?!).
Điều lạ lùng là với diện tích đó cần phải huy động nhiều người đốn hạ và đốt dọn nhiều ngày mới chuyển thành “đất trống, đồi trọc”, hiện trường gần đường tỉnh lộ 643 nhưng không hiểu vì sao chính quyền xã Sơn Long không kịp thời phát hiện và ngăn chặn khi rừng mới bị phá?
Ngoài vạt rừng này còn một vạt rừng khác ở gần đó vừa bị đốn hạ, đốt dọn nhưng xã Sơn Long chưa kiểm tra.
Khi nhìn hình ảnh hàng chục cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ do chúng tôi đưa ra, ông Đào Đức Hải cho biết xã đã kiểm tra, ghi nhận 6 cây gỗ bị đốn hạ khoảnh 6, tiểu khu 173 trong khu rừng Mùa Xuân là gỗ giẻ, gỗ tạp, đường kính 40-70cm, chiều dài khoảng 15m. Tuy nhiên biên bản vụ việc được lập trước đó… hai tháng. Điều đáng nói là vị trí phá rừng chiếm đất trồng keo và hiện trường đốn hạ hàng chục cây gỗ to, nằm cạnh bên Hội trường Mùa Xuân - một hạng mục trong quần thể Di tích lịch sử Quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ được Bộ VH-TT cấp bằng xếp hạng ngày 22-8-2008, nên cần phải được bảo vệ theo Luật di sản văn hóa.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh
Sau khi Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu kiểm tra vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Bí thư huyện ủy Sơn Hòa cùng các cơ quan trực tiếp kiểm tra hiện trường. Ngày 8/9, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã làm việc với Thường trực Huyện ủy Sơn Hòa, nếu có dấu hiệu vi phạm của đảng viên sẽ kiểm tra và xử lý.
Theo thông báo ngày 7/9 của UBND huyện Sơn Hòa, từ tháng 5/2021 đến nay tại xã Sơn Hội có hơn 80 ha rừng bị phá, trong đó 70,9 ha đã bị người dân chiếm dụng đất sau khi phá rừng tại các tiểu khu 162, 179, 167. Ngoài ra còn có vụ phá rừng, đốn hạ cây gỗ nêu trên ở xã Sơn Long và một vụ phá rừng khác ở Hòn Đót, xã Sơn Định.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 8/9, ông Nay Y BLung – Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa cho biết, rừng ở Sơn Hòa rộng lớn, nhiều đường lắm cửa, địa hình phức tạp, trong khi nhân lực quản lý bảo vệ rừng rất mỏng, khi đốn hạ, cẩu kéo, vận chuyển cây gỗ, lâm tặc cho người cảnh giới, nếu phát hiện kiểm lâm, Công an và dân quân đi kiểm tra sẽ khẩn báo qua điện thoại để né tránh.
"Tuy nhiên không vì thế mà để xảy ra phá rừng thì Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa và chính quyền địa phương có liên quan phải chịu trách nhiệm. Ngoài việc chỉ đạo Công an huyện, Hạt kiểm lâm phối hợp các cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối tương chủ mưu, tiếp tay, người trực tiếp phá rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa và các địa phương quản lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, Thường trực huyện ủy chỉ đạo UBND huyện kiên quyết thu hồi đất rừng bị chiếm dụng trái phép. Bất kỳ cán bộ nào liên quan những vụ phá rừng phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; cán bộ lấy cớ do tình hình dịch COVID-19 và do thứ bảy, chủ nhật... để né tránh kiểm tra tin báo phá rừng do người dân cung cấp cũng phải xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác, nếu có đủ chứng cứ”, Bí thư huyện ủy Nay Y BLung khẳng định.