Quảng Nam sẽ di dời người dân “ốc đảo” Long Thạnh Tây vào đất liền

14:33 11/02/2022

Long Thạnh Tây là một doi đất nằm giữa sông Trường Giang, thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Đến nay, thôn này vẫn “3 không” (không cơ sở y tế, không trường học, không nước ngọt). Vào mùa mưa bão, lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương phải tổ chức di dời người dân Long Thạnh Tây vào đất liền để trú tránh... Để ổn định đời sống người dân thôn Long Thạnh Tây, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch tái định cư người dân “ốc đảo” này vào đất liền.

Từ xã Tam Quang (Núi Thành), chúng tôi lên phà để đến xã đảo Tam Hải. Và từ xã Tam Hải, được sự giúp đỡ của Đại úy Nguyễn Thành Nhơn, Phó trưởng Công an xã Tam Hải, chúng tôi đến nhà một người dân thôn Long Thạnh Đông để đi xuồng máy di chuyển tiếp khoảng 20 phút mới đến được "ốc đảo" Long Thạnh Tây.

Tỉnh Quảng Nam sẽ di dời người dân “ốc đảo” Long Thạnh Tây vào đất liền -0
Một góc "ốc đảo" Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, huyện Núi Thành.

Vừa bước lên bờ, chúng tôi gặp đôi vợ chồng đã lớn tuổi đang loay hoay sửa chữa lại trụ rớ dùng đánh bắt tôm cá trên sông Trường Giang. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Loan (SN 1954).

Bà Loan chia sẻ rằng, cuộc sống của người dân thôn Long Thạnh Tây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

"Nơi đây nước ngọt rất khan hiếm. Vào mùa mưa, mỗi nhà đều sắm vật dụng để hứng trữ nước mưa sử dụng; đến mùa nắng thì phải dùng can chèo thuyền qua xã Tam Giang hoặc trung tâm xã Tam Hải chở nước ngọt về sinh hoạt. Người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên sông Trường Giang và nuôi trồng thủy sản; số trai trẻ, nữ tú thì đi vào đất liền để làm ăn, thành gia lập thất, do đó hiện nay phần lớn người dân ở Long Thạnh Tây là người già cả, trẻ em", bà Loan nói.

Con đường chính chạy dọc giữa thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải.
Người dân thôn Long Thạnh Tây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên sông Trường Giang.

Ở thôn Long Thạnh Tây không có trường học nên học sinh các cấp học mỗi ngày phải thức dậy từ 4h sáng để đi nhờ thuyền qua xã Tam Giang học. Khổ nhất là vào mùa mưa bão, khi sóng to gió lớn thì các em phải nghỉ học ở nhà.

Bà Đỗ Thị Toàn (SN 1952, trú thôn Long Thạnh Tây) cho biết thêm, từ “ốc đảo” người dân trong thôn phải dùng thuyền máy của gia đình, hoặc mượn hàng xóm mỗi khi muốn vào đất liền để đi công việc, hoặc mua gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, thôn không có cơ sở y tế nên mỗi khi có người bị đau ốm cần cấp cứu, nhất là vào lúc nửa đêm, trong mùa mưa bão thì việc di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế trong đất liền gặp rất nhiều khó khăn, người dân phải dùng thuyền máy đưa người bệnh qua xã Tam Giang rồi sau đó gọi taxi hoặc xe cấp cứu chở đến cơ sở điều trị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Quang, Trưởng thôn Long Thạnh Tây, cho biết, thôn hiện có 101 hộ, 300 nhân khẩu; trong đó có đến 50 hộ từ 60 tuổi trở lên; khoảng 30 hộ dân trẻ tuổi của thôn Long Thạnh Tây đang đi làm ăn xa. Cả thôn có khoảng 40 em học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT.

Ông Quang chia sẻ, nhiều người dân trong thôn cũng bày tỏ mong muốn được vào đất liền để sinh sống. Tuy có nguyện vọng vào đất liền, song người dân thôn Long Thạnh Tây mong rằng khi được bố trí tái định cư trong đất liền thì chính quyền các cấp cần quan tâm để cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn ở “ốc đảo”; nhất là tạo công ăn việc làm cho những người còn trong độ tuổi lao động.

Theo ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, chiếc phà của thôn Long Thạnh Tây bị hư hỏng từ đợt bão số 10 năm 2020 nên xã thống nhất đóng mới phà phục vụ việc đi lại của người dân nơi đây.

Người dân vào đất liền mua gạo chở ra "ốc đảo" Long Thạnh Tây.

Về kiến nghị được bố trí tái định cư trong đất liền của người dân Long Thạnh Tây, ông Tiến thông tin, ngày 10/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và đoàn công tác của tỉnh, của huyện Núi Thành đã về thăm, làm việc với đại diện các hộ dân thôn Long Thạnh Tây; trong đó có nội dung thống nhất di dời toàn bộ người dân trong thôn vào tái định cư trong đất liền.

Ông Lê Trí Thanh khẳng định, việc di dời người dân thôn Long Thạnh Tây vào đất liền nhằm ổn định đời sống cho bà con. Sau khi di dời thì tỉnh sẽ quy hoạch "ốc đảo" này làm du lịch để khai thác quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Ngọc Thi

Vi đã sử dụng tài khoản Facebook ảo để nhắn tin làm quen với một người ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Sau một thời gian trò chuyện thân thiết, Vi nảy sinh ý định lừa đảo và giới thiệu người bạn mới đăng ký luyện thi và thi IELTS ở Trung tâm Tiếng Anh tại Huế để chiếm đoạt 164 triệu đồng...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 với 4 môn thi. Trong đó, Ngữ văn và Toán là môn thi bắt buộc; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn học được đánh giá bằng điểm số của chương trình lớp 12. Việc tăng gấp đôi mã đề các môn thi tự chọn, tổ chức đồng thời kỳ thi với 2 đề thi riêng cho 2 đối tượng thí sinh trên thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong khâu tổ chức thi. Do đó, các địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn chi tiết để tạo thuận lợi trong khâu chuẩn bị, góp phần hạn chế thấp nhất các nhầm lẫn, sai sót có thể xảy ra.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 16/4 cho biết rằng ông sẽ đóng cửa một văn phòng thuộc Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chống thông tin sai lệch, cáo buộc văn phòng này lãng phí tiền thuế của người dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.