Sông Krông Nô “kêu cứu”

11:34 14/12/2024

Hơn 10 năm trước, sông Krông Nô chảy qua địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông được ví như một dải lụa uốn lượn thơ mộng êm đềm, cấp nước sinh hoạt cũng như tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của thuỷ điện và việc khai thác cát quá mức đã khiến dòng sông này đang phải oằn mình “kêu cứu”…

Bán ruộng, mất nhà vì… cát tặc

Trong cái rét căm căm của những ngày cuối năm, anh Vương Văn Hậu (trú tại thôn 3, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cùng vợ tranh thủ đào những luống khoai còn sót lại sau khi bị dòng sông “nuốt chửng” gần hết diện tích đất canh tác. Chỉ tay về cồn đất rộng khoảng 50m2 nổi giữa dòng sông nước đang cuồn cuộn chảy cho biết, mỏm đất đó cách đây khoảng 2 năm vẫn là bờ ruộng của gia đình anh. Tuy nhiên, do việc khai thác cát quá mức dẫn đến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn theo phần lớn diện tích đất canh tác của gia đình.

“Cứ tầm 3 đến 4h sáng hàng ngày, hàng chục con tàu khai thác cát lại rầm rộ tiến sát bờ chĩa vòi rồng đua nhau hút. Khai thác vô tội vạ khiến bờ bị hụt rỗng chân, đất sạt lở ầm ầm xuống sông. Nhiều đêm nằm nghe tiếng bờ sông sạt lở, tiếng ghe tàu hút cát rầm rộ như một đại công trường xây dựng”, anh Hậu cho hay.

Nhiều người dân sinh sống dọc bờ sông Krông Nô buộc phải bán đất cho cát tặc chỉ vì bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Cũng theo lời anh Hậu, khi người dân ra đuổi thì bị những người trên tàu khai thác cát đe doạ. Báo lên chính quyền, Công an thì các tàu lại nhổ neo bỏ đi chỗ khác, không bắt được. “Cách đây hơn 1 tháng, có người đến gạ tôi bán cho họ mảnh đất còn lại với giá 12 triệu đồng 1 sào. Biết là đất canh tác không thể bán nhưng mình không bán họ hút cát cũng sạt lở hết. Thà bán rẻ cho họ kiếm ít tiền còn hơn bị sạt lở hết”, anh Hậu buồn bã nói.

Gia đình bà Duy Khánh Toàn (trú thôn 3, xã Buôn Choah) cũng buộc phải dứt ruột bán lại số diện tích đất canh tác ít ỏi hơn 4.000m2 đất cho cát tặc. “Đất canh tác gia đình bị sạt lở nghiêm trọng. Từ hơn 1ha đất canh tác, đến nay gia đình chỉ còn vỏn vẹn hơn 4.000m2. Vừa qua, có người đến gạ mua lại diện tích đất còn lại với giá hơn 90 triệu đồng. Biết là quá rẻ nhưng không còn cách nào khác nên tôi đã đồng ý bán luôn”, bà Toàn ngậm ngùi nói.

Gia đình anh Đỗ Sơn Lâm (trú tại thôn Nam Thanh, xã Nâm NĐir, huyện Krông Nô) càng bi đát hơn khi anh phải 5 lần chuyển nhà vì bờ sông bị sạt lở. “Năm 2001, gia đình tôi vào đây khai hoang được hơn 4ha đất để canh tác. Đến nay dòng sông đã “nuốt” mất hơn 2,5ha. Gia đình tôi đã phải 5 lần chuyển nhà “chạy” sạt lở. Không biết còn phải chạy đi đâu nữa”, anh Lâm lo lắng.

Hàng trăm ha ruộng biến thành sông

Ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choah xác nhận, có việc người dân bán đất cho các chủ tàu hút cát nhưng “xã không thống kê cụ thể được”. “Chính quyền xã có nghe nói nhưng đến nay, việc mua bán giữa người dân với người mua đất không thông qua xã nên chưa ngăn chặn được vụ nào”, ông Thinh thừa nhận.

Trên chiều dài khoảng 5km dọc sông Krông Nô, có hàng trăm hộ dân của xã có đất bị ảnh hưởng do nạn khai thác cát trái phép với tổng diện tích khoảng 80ha bị sạt lở, nhưng đến nay chưa có hộ dân nào được bồi thường. Chính vì vậy, nhiều người đã buộc phải quay sang… thỏa hiệp bán đất cho “cát tặc”.

Theo thống kê của UBND huyện Krông Nô, từ năm 2010 đến nay, dọc theo bờ sông Krông Nô đã ghi nhận 18 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 10km, hơn 122ha đất canh tác dọc bờ sông đã bị dòng nước cuốn trôi. Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, sông Krông Nô dài 189km, đi qua ranh giới 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông. Riêng đoạn sông chảy qua địa bàn huyện Krông Nô dài 53,3km, thuộc khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Hai nguyên nhân chính gây sạt lở sông, là do hoạt động xả nước của thủy điện (vùng sạt lở thuộc hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah) và khai thác cát (có 7 giấy phép còn hiệu lực trên 38km, tổng trữ lượng 182.000 m3/năm - PV). Ngoài ra còn do quy luật vận động của dòng chảy tự nhiên, kết cấu địa chất yếu và do biến đổi khí hậu.

“Một số điểm sạt lở mới phát sinh với chiều dài khoảng 500m. Tại các khu vực sạt lở trước đây, bờ sông tiếp tục bị khoét sâu vào bên trong, từ 18-20m, có đoạn khoảng 100m. Sạt lở gây hư hỏng đường giao thông và có nguy cơ gây hỏng các công trình trạm bơm, thuỷ lợi ven sông. Nếu tính cả diện tích đất bị sạt lở phía tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha đất canh tác của người dân bị biến thành sông”, ông Yên cho hay.

Năm 2020, tỉnh Đắk Nông đã chi 62 tỷ đồng thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông tại địa bàn 2 xã Nâm NĐir và Đắk Nang của huyện Krông Nô. Chi tiền tỷ “vá sông” nhưng cũng như “muối bỏ bể” so với diện tích bị sạt lở hiện nay.

“UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thực hiện điều tra, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Krông Nô. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ cát trên sông Krông Nô, bởi một số đoạn sông đã được cấp phép xuất hiện bồi lắng, dịch chuyển bờ sông. Bộ cần hướng dẫn việc dịch chuyển bồi lắng như nêu trên có cần phải điều chỉnh lại các tọa độ khép góc trong các giấy phép cũ và Đắk Lắk hay Đắk Nông thực hiện điều chỉnh”, ông Yên kiến nghị. 

Văn Thành

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan điều tra đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hoàng Anh (SN 1995, ngụ thành phố Vĩnh Long) để điều tra về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Sự xuất hiện và phổ cập của các nền tảng mạng xã hội trong khoảng 20 năm vừa qua đã thay đổi diện mạo báo chí thế giới rất mạnh mẽ. Nhiều phóng viên lớn của những tờ báo, hãng tin, kênh truyền hình uy tín thậm chí đã nghỉ việc ở nơi mình thành danh để tập trung đưa tin, bình luận trên tài khoản cá nhân của mình.

Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra vào đêm 19/12 tại một kho chứa lốp xe trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), cột khói bốc bốc cao hàng chục mét. Rất may không có thiệt hại về người.

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức đầu tư chứng khoán quốc tế lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay do TikToker Mr. Pips Phó Đức Nam cầm đầu. Đây là ổ nhóm tội phạm “đặc biệt” có sự điều hành, sắp xếp cơ cấu nhân sự chặt chẽ, có phân cấp với quy mô hoạt động phạm tội trên toàn quốc và ở nước ngoài...

Sau hơn 2 tháng cả nước triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, hiện có hơn 52% tổng số hồ sơ của người dân cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện bằng ứng dụng VNeID. Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương được số hóa, kết nối đã tạo ra những giá trị to lớn phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại úy Trần Văn Thông, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Qua công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, các đối tượng hoạt động ngụy trang dưới nhiều hình thức mà thủ đoạn tinh vi nổi lên là cho vay bằng các hợp đồng giả cách, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản...

Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đã tăng số lượng quân đồn trú ở Syria từ 900 người lên khoảng 2.000 người nhằm thực hiện sứ mệnh chống khủng bố IS.

Thay vì sớm hạ màn hành trình ở vòng bảng để tập trung hướng đến vòng bán kết, ĐT Việt Nam lại tự làm khó mình khi phải gồng lên giành kết quả thuận lợi ở lượt cuối trước Myanmar.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy án” đang diễn biến phức tạp trên nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, thời gian qua, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn “chạy án”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文