Vì sao hàng chục dự án đầu tư công chưa giải ngân được đồng nào?

06:57 27/05/2024

Là tỉnh đang phát triển trong khu vực Bắc miền Trung, nhưng gần đây Quảng Bình gặp khó trong việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công. Hiện có đến 50 dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào, trong khi đó nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có thể thực hiện các dự án trên, nhưng lại không có việc làm. Trong rất nhiều nguyên nhân khó giải ngân vốn đầu tư công, thì tâm lý làm sợ sai, sợ khó, sợ chịu trách nhiệm của một số cán bộ, công chức đang xảy ra. Để “khơi thông dòng chảy” việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tỉnh Quảng Bình cần thổi luồng gió mới trong tư duy một số cán bộ sở, ban, ngành địa phương là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Điệp khúc vướng mắc và bế tắc

Trong năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.864 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh phân bổ chi tiết trong năm là 4.444 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công ở Quảng Bình mới đạt 16,5%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, có 50 dự án với tổng vốn hơn 268 tỷ đồng chưa giải ngân được đồng nào. Điều đáng quan tâm, các dự án đầu tư công ở tỉnh Quảng Bình đều có tính cấp thiết cao nên việc chậm giải ngân, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc góp phần an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Bình đề ra nhiều giải pháp mang tính khẩn trương, cấp bách để giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án.

Trong 50 dự án đến thời điểm này chưa giải ngân được đồng nào, điển hình là dự án cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư; dự án đường giao liên trong khu căn cứ hậu phương của tỉnh với vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư; dự án xây dựng đường nối đi các xã phía Bắc, huyện Quảng Trạch với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng do UBND huyện Quảng Trạch làm chủ đầu tư; dự án bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường cho di tích khảo cổ Bàu Tró (thành phố Đồng Hới) với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư...

Bên cạnh đó, nhiều dự án giải ngân vốn đầu tư công rất chậm so với kế hoạch đề ra như: dự án hạ tầng và đường giao thông kết nối Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch vốn đã bố trí là 34,4 tỷ đồng. Hiện nay, dự án mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, tỷ lệ vốn đã giải ngân là 50,75% so với số vốn bố trí. Quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ bàn giao mặt bằng thi công còn chậm; Công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp. Tuy nhiên, do công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Hiện nay, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Bình chỉ đạt 16,5%, trong khi giải ngân mức trung bình toàn quốc là 17,46%. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư công năm 2024 được giao, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Đối với dự án nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân 0% đến ngày 30/4/2024, yêu cầu các chủ đầu tư có các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% chấn chỉnh ngay công tác chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị. Trong đó, khẩn trương tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn, chậm nhất đến hết ngày 31/5/2024 thực hiện thanh toán lần đầu tại Kho bạc nhà nước các cấp, đến 30/6/2024 tỷ lệ giải ngân thấp nhất đạt 40% kế hoạch vốn được giao. Ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 trước, sau đó mới giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Đối với tất cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2024, các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân đầu tiên và trực tiếp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi sát dự án để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đây là vướng mắc liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố có công trình, dự án thi công. Vì vậy yêu cầu các địa phương nghiêm túc phối hợp thực hiện, nếu vượt thẩm quyền xử lý, khẩn trương báo cáo UBND tỉnh và các Tổ công tác của UBND tỉnh để tháo gỡ kịp thời.

Khẩn trương tháo gỡ

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả chưa cao, bên cạnh đề ra các giải pháp, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong giải ngân chậm vốn đầu tư công. Để từ đó, các chủ đầu tư kịp thời triển khai giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với việc hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan, tỉnh Quảng Bình đánh giá việc triển khai giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng sở, ngành, đơn vị, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục triệt để hạn chế, tồn tại, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lãnh đạo phụ trách từng dự án, xử lý khó khăn vướng mắc và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của dự án; bản phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng dự án sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả giải ngân năm 2024, đồng thời đưa vào kết quả thi đua khen thưởng của cán bộ công chức năm 2024...

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục thành lập 3 tổ công tác để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi tổ công tác do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của các tổ công tác là theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công (nhất là các dự án sử dụng ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ) theo các ngành, lĩnh vực được giao; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Theo ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: các Tổ công tác có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công theo các ngành, lĩnh vực được giao; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan; đánh giá việc triển khai giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng sở, ngành, đơn vị, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình rà soát, chủ động tham mưu quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ những dự án giải ngân thấp hoặc không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân tốt. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán vốn dự án; hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến thanh toán.

Sông Lam-Lam Hồng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文