125 tỷ đồng chi lãi ngoài trong đại án kinh tế tại Ocean Bank sẽ được thu hồi như thế nào?

08:14 06/03/2017
Trong 5 ngày xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean Bank, HĐXX đang tập trung làm rõ nguồn tiền chi lãi suất ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước mà theo cách gọi của lãnh đạo Ocean Bank là “chăm sóc khách hàng”. Và sau khi trả lãi suất ngoài số tiền hơn 125 tỷ đồng cho khách hàng, hiện tại việc thu hồi là cực kỳ khó khăn.

Bởi việc trả lãi suất ngoài không được các tổ chức hoặc cá nhân ký nhận. Cáo trạng xác định, từ tháng 7-2012 tới tháng 6-2014, bị cáo Nguyễn Minh Thu, khi đó là Tổng Giám đốc Ocean Bank nhận hơn 125 tỷ đồng để chi lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng.

Trong số tiền này, Thu trực tiếp nhận và chi trả 57,817 tỷ đồng cho các khách hàng, trong đó chi trả lãi ngoài 48,310 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn cho các khách hàng là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa dầu Bỉm Sơn (BSR), Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP) và chi lãi ngoài 9,507 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn cho BSR từ tháng 10-2012 đến 12-2013.

Tại phiên xử, Thu khai, đã chi hơn 15 tỷ đồng cho PVOIL, hơn 22 tỷ đồng cho VSP và hơn 9 tỷ đồng cho BSR. Ngoài ra còn chi trả hơn 30 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho các khách hàng do Nguyễn Thị Minh Phương, khi đó là Phó Tổng giám đốc Ocean Bank quản lý. Toàn bộ số tiền Thu nhận để chi trả là do Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm duyệt chi.

Cựu Tổng Giám đốc Ocean Bank - Nguyễn Minh Thu nhận hơn 125 tỷ đồng để chi lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng.

Khi HĐXX hỏi, đại diện PVOIL cho biết, có mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Ocean Bank, nhưng khi rà soát lại toàn bộ hệ thống tài chính, kết quả cho thấy không nhận bất kỳ khoản tiền lãi ngoài nào từ Thu và Ocean Bank. Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Trà My, cựu Phó Giám đốc Ocean Bank, chi nhánh Thăng Long khai, có tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài cho khách hàng và Chi nhánh Thăng Long đã thực hiện theo chủ trương đó.

“Tôi đã trực tiếp đưa cho ba khách hàng số tiền hơn 14,9 tỷ đồng theo yêu cầu của chị Phương và không yêu cầu người nhận ký”, My nói. Cáo trạng xác định, từ năm 2011- 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Ocean Bank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Ocean Bank chi trả.

Trong quá trình hoạt động, tại Ocean Bank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần lãi suất, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Ocean Bank và các cổ đông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Các khoản tiền ngoài lãi suất huy động mà Ocean Bank chi cho các cá nhân, tổ chức kinh tế xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Thắm và đồng phạm.

Đây là những khoản lãi suất không thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với Ocean Bank, trong đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có nhiều vốn Nhà nước. Trong đó chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên của Ocean Bank nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Cơ quan điều tra đã có công văn gửi đến 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Ocean Bank yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi ngoài hưởng lợi bất chính từ hành vi chi lãi ngoài sai quy định của Ocean Bank.

Đến nay đã có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời, trong đó chỉ có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Ocean Bank và nộp lại số tiền lãi ngoài đã nhận được với tổng số hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng; có 124 tổ chức có trả lời nhưng khẳng định không nhận được tiền lãi ngoài của Ocean Bank; còn 249 tổ chức kinh tế chưa có văn bản trả lời cơ quan điều tra.

Thực hiện yêu cầu điều tra mở rộng vụ án, tháng 10-2016, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Đức Chính, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty con thuộc Tập đoàn này, cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra để làm rõ hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xử lý trong vụ án này.

Do thời hiệu điều tra đã hết, diện đối tượng rộng, hành vi của các đối tượng cơ bản độc lập với hành vi của các bị can đã khởi tố trong vụ án nên cơ quan điều tra quyết định tách hành vi gửi tiền vào Ocean Bank và nhận tiền lãi ngoài trái pháp luật có liên quan đến các khách hàng để tiếp tục điều tra giải quyết triệt để, thu hồi tài sản, đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật.

Ngoài số tiền chi lãi suất ngoài trái quy định khó thu hồi như đã nêu trên, còn hơn 100 tỷ tiền Nhà nước “bốc hơi” tại đại án này. Cáo trạng xác định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có góp vốn Nhà nước vào Ocean Bank 20% cổ phần, tương đương 800 tỷ đồng. Đến nay không có khả năng thu hồi do Ocean Bank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Như vậy, đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà cũng góp 266 tỷ đồng, đến nay cũng không có khả năng thu hồi. Nhưng do thời hiệu điều tra đã hết nên cơ quan điều tra đã tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra xử lý sau. Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, Tòa sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân của người quản lý số vốn 800 tỷ đồng của PVN tại Ocean Bank. Số vốn đó suy cho cùng là tiền thuế của nhân dân.

NGUYỄN HƯNG

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文