Ân hận nói lời sau cùng, các bị cáo ở Đồng Tâm mong được giảm hình phạt

19:37 10/09/2020
Được trình bày lần cuối, các nữ bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối hận đồng thời gửi lời xin lỗi, lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ba đồng chí Công an bị thiêu chết ở xã Đồng Tâm.


Chiều muộn 10/9, HĐXX TAND TP Hà Nội thông báo kết thúc phần tranh luận. Trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng. Được trình bày lần cuối, nhiều nữ bị cáo vừa khóc, vừa nghẹn ngào nói những lời ân hận. Trong lời nói sau cùng, các nữ bị cáo đều thể hiện sự ăn năn đồng thời gửi lời xin lỗi, lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ba đồng chí Công an bị thiêu chết ở xã Đồng Tâm. 

Các bị cáo mong HĐXX xem xét, cho được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm được trở về với gia đình, sửa chữa tội lỗi đã gây ra, giúp sức cho địa phương làm những việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội. 

Các bị cáo tại phiên xử.

“Bị cáo vào trại tạm giam đã 8 tháng. Thời gian ấy, bị cáo suy nghĩ rất nhiều về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo phạm tội vì bị xúi giục và do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã tham gia vào hành vi vi phạm pháp luật của “Tổ đồng thuận”. Bị cáo xin lỗi và xin chia buồn với gia đình ba liệt sĩ Công an. Bị cáo mong HĐXX xem xét, áp dụng cho bị cáo hình phạt nhẹ nhất để bị cáo sớm được trở về gia đình, hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt”, bị cáo Trần Thị La vừa khóc, vừa nói. 

Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức (đều là con ông Lê Đình Kình) bày tỏ sự hối hận về những hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra trong thời gian qua ở xã Đồng Tâm. Hai bị cáo này gửi lời xin lỗi đến gia đình ba liệt sĩ Công an đã vì hành động của các bị cáo. “8 tháng trong trại tạm giam, anh em bị cáo được cán bộ trại tạm giam thường xuyên thăm hỏi, động viên, cấp phát ăn uống đầy đủ. 

Bị cáo rất hối hận, ăn năn về những hành động đã gây ra đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Dù được trở về hay phải chết, bị cáo vẫn mong gia đình ba liệt sĩ Công an tha thứ, để lương tâm của bị cáo được thanh thản phần nào”, bị cáo Công nói.

Cha đẻ liệt sĩ Phạm Công Huy (đứng) kêu gọi các bị cáo hãy thức tỉnh.

Tiếp lời bị cáo Công, bị cáo Chức cũng tự nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và mong HĐXX xem xét, cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để hi vọng có cơ hội được trở về với gia đình, hoà nhập cộng đồng. 

“Bị cáo xin hứa sẽ trở thành công dân tốt, mẫu mực, giáo dục con em chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bị cáo xin lỗi và chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình ba liệt sĩ Công an vì hành động của các bị cáo mà hy sinh”, bị cáo Chức nói lời ân hận. 

Nói lời sau cùng, các bị cáo còn lại đều xin lỗi và chia buồn với gia đình ba liệt sĩ Công an vì sự hy sinh của các anh có phần tội lỗi của các bị cáo. Các bị cáo mong muốn HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cả, khai báo thành khẩn, phạm tội vì bị lôi kéo, xúi giục... để các bị cáo sớm có cơ hội trở về gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.  

Trước đó trong phần tranh luận, đại diện cho ba gia đình liệt sĩ Công an, ông Phạm Công Lâm (cha liệt sỹ Phạm Công Huy) kêu gọi lương tâm các bị cáo hãy thức tỉnh để được thanh thản với chính mình. “Tôi trực tiếp đến nhận thi hài con mà không thể nhận ra con mình. Các bị cáo đã hành động quá tàn độc. Với lương tâm của mình, các bị cáo hãy đặt địa vị là gia đình người bị hại như chúng tôi để cảm nhận hết nỗi đau mất mát quá lớn này...”, ông Lâm trải lòng.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với các luật sư.

Đối đáp với luật sư bào chữa cho các bị cáo về đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thực nghiệm lại hiện trường vụ án, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà cho biết, ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, Kiểm sát viên đã đến hiện trường để cùng Điều tra viên ghi nhận, thu thập dấu vết và thấy việc khám nghiệm hiện trường đúng pháp luật.

Về nguyên nhân tử vong của đồng chí Công an, bị cáo Lê Đình Chức đã thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó ba đồng chí bị rơi xuống hố, lúc đó bị cáo Chức và đồng phạm đã đổ xăng thiêu chết ba đồng chí rất dã man, tàn độc. “Việc thực nghiệm điều tra chỉ đặt ra khi thấy cần thiết. Trong vụ án này, ngoài kết quả khám nghiệm hiện trường còn lời khai của nhiều người làm chứng sự hy sinh của ba đồng chí Công an. Điều đó đã đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, không cần phải thực nghiệm điều tra”, đại diện Viện kiểm sát đối đáp. 

Việc luật sư bào chữa cho rằng, có thể ba đồng chí Công an trượt chân ngã xuống hố? Đại diện Viện kiểm sát đối đáp, lời tranh luận của luật sư là cố tình không thừa nhận sự thật, thiếu tôn trọng sự hy sinh trong lúc thực thi nhiệm vụ của ba đồng chí Công an. 

Tranh luận về nguồn clip chiếu tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, có hai nguồn clip: Nguồn thứ nhất công khai do phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn và đã công chiếu trên truyền hình nên nhân dân cả nước đều biết. Nguồn thứ hai là quá trình điều tra, các bị cáo được hỏi cung rất nhiều, việc ghi hình khi lấy lời khai các bị cáo song song với ghi lời khai trong các bút lục của hồ sơ vụ án là đúng quy định của pháp luật. Khi Điều tra viên lấy lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra đều có sự tham gia của luật sư và sự chứng kiến của Kiểm sát viên. Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra khi có luật sư và Kiểm sát viên đồng nhất với các lời khai trước đó của các bị cáo nên không có việc ép cung, nhục hình...

Đối đáp với luật sư bào chữa về cái chết của Lê Đình Kình, đại diện Viện kiểm sát cho biết, kết luận giám định về nguyên nhân chết của Lê Đình Kình là đúng với các dấu vết vật chất đã được ghi nhận, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với lời khai của những người tham gia Tổ công tác bắt giữ các đối tượng phạm tội quả tang tại nhà Lê Đình Kình. Lê Đình Kình bị bắn trong hoàn cảnh đồng chí Công an bị tấn công rơi xuống hố, sau đó bị đổ xăng thiêu sống. 

Dù lực lượng làm nhiệm vụ đã tuyên truyền bằng loa, kêu gọi dừng lại nhưng các đối tượng vẫn chống đối quyết liệt, cố thủ, khóa cửa chống trả. Do đó việc giải cứu là cấp thiếp, việc nổ súng là bắt buộc và đúng quy định của pháp luật... 

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài. 15h thứ hai (ngày 14/9), HĐXX sẽ tuyên án.

Nguyễn Hưng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文