Áp dụng sai luật, một số bản án chưa đủ sức răn đe
VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm TAND tỉnh Long An xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Quân (21 tuổi, ngụ tỉnh Long An) theo hướng huỷ một phần bản án về phần áp dụng khung hình phạt và mức hình phạt để xét xử lại từ cấp phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nội dung vụ án, Quân và bà T.T.H. là hàng xóm, cùng ngụ ấp 3, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước (tỉnh Long An). Sáng 28-4-2015, bà H. đến tiệm tạp hoá của bà Nguyễn Thị Dựa (mẹ Quân) mua đồ thì gặp Quân. Tại đây, trong lúc nói chuyện Quân thấy bà H. đeo dây chuyền vàng nên nảy sinh ý định cướp.
Đến khoảng 8h cùng ngày, Quân mang theo ống tuýp sắt đi bộ qua nhà bà H. Thấy bà H. đang nấu ăn trong bếp, Quân liền đi tới dùng ống tuýp sắt tấn công, sau đó bóp cổ bà H. để cướp sợi dây chuyền. Dù bị thương nhưng bà H. vẫn cố vùng chạy và kêu cứu. Lúc này, Quân sợ hàng xóm phát hiện nên bỏ chạy về nhà.
Qua điều tra truy xét, Quân đã bị Công an bắt giữ. Theo kết quả giám định thương tật, bà H. bị thương tích 4%. Kết luận định giá tài sản, sợi dây chuyền bà H. trị giá trên 4,2 triệu đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND huyện Cần Đước đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Quân 1 năm tù về tội "gây thương tích". Sau khi xử sơ thẩm, Quân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị hại H. kháng cáo yêu cầu xem xét hành vi của bị cáo Quân là phạm vào tội giết người và cướp tài sản.
Các bị cáo trong một vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng vừa mới bị VKS kháng nghị xử lại vì bản án sơ thẩm xử quá nhẹ. |
Tại bản án hình sự phúc thẩm TAND tỉnh Long An xét xử ngày 5-4-2016 quyết định bác kháng cáo của bị cáo Quân, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Quân, áp dụng khoản 1 Điều 133 BLHS xử phạt 2 năm 6 tháng tù.
Theo nhận định của VKS, hành vi dùng ống tuýp sắt đánh vào đầu nạn nhân để cướp tài sản của bị cáo Quân đã phạm vào tội cướp tài sản như bản án phúc thẩm đã áp dụng. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS nhưng cấp phúc thẩm chỉ áp dụng khoản 1 của điều luật này là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Chính vì áp dụng không đúng quy định của pháp luật hình sự nên toà phúc thẩm chỉ xử phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù là không nghiêm, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra, không có tác dụng răn đe, hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Tương tự, một bản án của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa bị VKSND cấp cao kháng nghị phúc thẩm vì áp dụng hình phạt quá nhẹ đối với bị cáo. Theo hồ sơ, đêm 12-10-2916, tại nhà một người bạn ở phường Long Tâm, TP Bà Rịa, Huỳnh Trung Nguyên (28 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) và anh Nguyễn Văn Hạnh xảy ra mâu thuẫn do trước đó anh Hạnh mượn xe chở Nguyên đi nhậu nhưng Nguyên ngồi sau không đội mũ bảo hiểm nên bị Công an xã kêu vào nhắc nhở. Lời qua tiếng lại, Nguyên vào bếp của nhà trọ lấy dao đâm anh Hạnh tử vong. Ba ngày sau khi gây án, Nguyên ra Công an đầu thú.
Với hành vi như trên, bản án hình sự sơ thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử ngày 14-2-2017 đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS tuyên phạt bị cáo Huỳnh Trung Nguyên 12 năm 6 tháng tù về tội "giết người". Ngoài ra, bản án còn tuyên về phần dân sự, nghĩa vụ bồi thường, cấp dưỡng cho gia đình nạn nhân.
Theo VKS, hành vi của bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhưng bị cáo đã cướp đi sinh mạng của người khác nhưng toà án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt là chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Với nhận định như trên nên VKS đã ra quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm xử tăng hình phạt tù đối với bị cáo.
Cũng vì áp dụng sai luật, bản án sơ thẩm của TAND huyện Ninh Sơn và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa bị VKS cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm huỷ cả hai bản án để xét xử lại, sau khi rà soát lại.
Vụ án thể hiện, chiều 31-10-2015 tại khu vực đèo Ngoạn Mục thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Công an bắt quả tang Phùng Văn Tân, Huỳnh Ngọc Anh, Phạm Quang Vinh, Lò Thị Minh Trang, Chiêm Thị Dưỡng và 20 đối tượng khác đang tổ chức đánh bài ăn tiền bằng hình thức xóc đĩa, thu giữ 404 triệu đồng trên chiếu bạc.
Tại CQĐT, Tân cùng các đối tượng trên khai nhận: tham gia chơi đánh bạc từ lúc 14h cùng ngày với mỗi lần đặt cược 500 ngàn đồng. Đến thời điểm bị bắt quả tang, Tân thắng 1 triệu đồng, Trang thắng 500 ngàn đồng, Anh thua 6 triệu đồng, Dưỡng thua 1 triệu đồng, Vinh thua 3,5 triệu đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND huyện Ninh Sơn đã xử phạt Tân, Vinh, Anh 7 tháng tù; Dưỡng, Trang 6 tháng tù cùng về tội "Đánh bạc", trong đó chỉ có Tân án tù giam, còn các bị cáo còn lại đều được hưởng án treo. Bản án ngay sau đó đã bị VKS kháng nghị, yêu cầu huỷ để xét xử lại. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Thuận đã không chấp nhận kháng nghị của VKS, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Theo VKS cấp cao, căn cứ vào biên bản phạm tội bắt quả tang và lời khai của các bị cáo tại CQĐT, tổng số tiền đánh bạc của các bị cáo trong vụ án này trên 400 triệu đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo phạm vào tội đánh bạc với số tiền trên 50 triệu đồng, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 248 BLHS năm 1999, có sửa đổi bổ sung năm 2009. Vì vậy, Toà án hai cấp đã áp dụng khoản 1 Điều 248 để xét xử các bị cáo là không đúng quy định, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
Ngoài ra, trong vụ án này, bị cáo Tân phạm tội với hai tình tiết định khung tăng nặng là số tiền đánh bạc lớn trên 50 triệu đồng và tái phạm nguy hiểm có mức hình phạt quy định từ 2 năm đến 7 năm tù, bị cáo chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ nhưng toà án 2 cấp chỉ xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (7 tháng tù) là vi phạm Điều 47 BLHS.
Đối với bị cáo Anh, khi bị xét xử trong vụ án này, bị cáo còn bị Công an Quảng Nam khởi tố trong một vụ đánh bạc khác nhưng toà án 2 cấp lại cho bị cáo hưởng án treo là trái quy định của pháp luật. Ngoài các lý do trên, theo VKS, quá trình xét xử, toà án còn có nhiều vi phạm tố tụng khác như xử lý vật chứng, biên bản nghị án và bản án có nhiều điểm không thống nhất... vì vậy cần thiết huỷ cả hai bản án nêu trên để xét xử lại.