Bắt đối tượng giả danh nhà báo, cán bộ Cục Báo chí

19:32 05/09/2020
Dù không phải nhà báo, cũng không làm việc tại cơ quan báo chí nào, không phải là cán bộ Cục Báo chí, Xuất bản, Bộ Thông tin truyền thông nhưng đi đâu Trịnh Ngọc Tuyên (SN 1984, trú ở xã Hoằng Hợp, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cũng “nổ” mình là cán bộ Cục Báo chí và phóng viên báo để “lấy le” phục vụ mục đích lừa đảo.


Thậm chí, Tuyên còn mạo danh Cục Báo chí, Xuất bản đến các cơ quan công quyền ở Thanh Hoá để thăm, chúc mừng, tạo quan hệ với các lãnh đạo. Trong các cuộc hội nghị, Tuyên cũng giả danh nhà báo đến chụp ảnh, đưa tin rồi tranh thủ xin chụp ảnh “ké” với các đồng chí lãnh đạo để “loè” người dân. Nhưng rồi, thủ đoạn của hắn cũng bị Công an Thanh Hoá lật tẩy.

Đối tượng Trịnh Ngọc Tuyên.

Ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hoá tiếp nhận nguồn tin về tội phạm liên quan đến việc có đối tượng giả danh nhà báo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên địa bàn. Nhận thông tin, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hoá đã chỉ đạo CBCS Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, làm rõ, xử lý đối tượng nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua xác minh, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định, đối tượng có hành vi lừa đảo là Trịnh Ngọc Tuyên. Tuyên có thẻ nhà báo của báo Pháp luật Việt Nam do Bộ Thông tin Truyền thông cấp. Nghi vấn đây là thẻ giả, lực lượng chức năng đã xác minh tại Bộ Thông tin Truyền thông và được biết, đơn vị này không cấp thẻ cho nhà báo nào có tên là Trịnh Ngọc Tuyên. Số thẻ nhà báo trong tấm thẻ giả của Tuyên là số cấp cho nhà báo khác. Cục Báo chí, Xuất bản cũng đã có công văn khẳng định không có cán bộ, nhân viên nào tên là Trịnh Ngọc Tuyên, cũng không cử ai đến làm việc, chúc mừng các cơ quan ở tỉnh Thanh Hoá. 

Được biết, Tuyên vốn là đối tượng không nghề nghiệp, tốt nghiệp Đại học ở Huế ra, từng thử việc tại một cơ quan báo chí nhưng do không có khả năng làm việc nên không được ký hợp đồng. Từ đó, Tuyên về quê lang thang, đi đâu cũng nổ mình là nhà báo, có nhiều quan hệ để loè mọi người. 

Cũng nhờ “mác” nhà báo rởm, Tuyên quen và có quan hệ yêu đương với một nữ Giám đốc công ty có trụ sở ở thị xã Nghi Sơn. Người này đã bao bọc, giúp đỡ Tuyên về kinh tế nên hắn càng có điều kiện thể hiện vai trò “nhà báo”.  Cho đến khi Tuyên bị bắt, người phụ nữ này vẫn không hay biết người yêu của mình là kẻ vô công rồi nghề, chuyên lừa đảo kiếm sống.

Để mọi người tin tưởng, vào năm 2018, thông qua mạng xã hội, Tuyên đã đặt mua của một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh 1 thẻ nhà báo giả mang tên Trịnh Ngọc Tuyên, bút danh Ngọc Tuyên, công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam. Tuyên đã dùng thẻ nhà báo giả trên để khoe mẽ, giới thiệu với nhiều người mình là phóng viên nhằm tạo uy tín để lừa đảo. 

Cán bộ Công an Thanh Hoá đấu tranh với đối tượng Tuyên

Một trong những nạn nhân của Tuyên là bà Nguyễn Thị Canh, SN 1948, ở phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá. Biết bà Canh đang có khúc mắc cần khiếu nại, tố cáo nên Tuyên đã tiếp cận bà Canh, giới thiệu là phóng viên báo Pháp luật, cán bộ Cục Báo chí có thể giúp được bà Canh trong  việc tranh chấp đất. 

Do gia đình trong diện bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng bà Canh chưa đồng ý phương án đền bù nên đã khiếu kiện nhiều năm và đang có mâu thuẫn, tranh chấp đất đai với gia đình ông Mai Văn Kiệm nên khi thấy Tuyên giới thiệu làm ở báo Pháp luật Việt Nam lại là cán bộ Cục Báo chí, bà Canh rất tin tưởng “nhờ” Tuyên giúp. 

Theo đó, Tuyên giả vờ thu thập thông tin, cầm của bà Canh 10 tờ đơn khiếu nại, sổ hộ khẩu, trích lục đất phô tô và hứa hẹn sẽ giúp bà đòi tiền đền bù và thắng trong tranh chấp đất. Tuyên yêu cầu bà Canh phải đưa tiền thù lao cho hắn để giải quyết công việc. 

Bà Canh đã nhiều lần đưa tiền cho Tuyên với tổng số tiền là 27,5 triệu đồng. Cụ thể, vào tháng 6/2019, Tuyên nhận 2 lần tiền của bà Canh, lần 5 triệu, lần 2 triệu đồng. Tiếp đó, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, Tuyên lại đòi thêm 5 triệu nữa...

Sau nhiều lần giao nhận tiền, đến tháng 7/2020 (tức hơn 1 năm sau), thấy Tuyên vẫn chưa giúp được việc gì nên bà Canh rất sốt ruột. Chính vì vậy, khi Tuyên gọi điện đòi thêm 4 triệu đồng, bà Canh hỏi về tiến độ công việc. Tuyên vẫn leo lẻo “U cứ yên tâm, con sẽ giúp u, chậm nhất là ngày 15/6 âm lịch năm 2020, ông Kiệm sẽ sẽ phải dỡ nhà để trả lại cho U". Tưởng thật, bà Canh lại tiếp tục gửi tiền cho Tuyên.

Sau khi nhận tiền, Tuyên không có bất cứ động thái gì để giúp đỡ bà Canh mà dùng toàn bộ số tiền trên để tiêu xài cá nhân. Cho đến khi bị Cơ quan Công an phát hiện, triệu tập, đối tượng này mới thừa nhận không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gì, cũng không quen biết ai để có thể tác động giúp đỡ bà Canh. Việc Tuyên hứa hẹn với bà Canh như vậy nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Sau khi biết mình bị lộ, Tuyên đã đem chiếc thẻ nhà báo giả ra bờ sông đốt rồi quẳng tro xuống sông nên Cơ quan Công an không thu được nhưng đã thu thập được ảnh chụp tấm thẻ trên trong máy điện thoại của Tuyên.

Ngày 5/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Ngọc Tuyên để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình xác minh, Cơ quan điều tra nhận định, có thể còn rất nhiều người là nạn nhân của Trịnh Ngọc Tuyên, đề nghị ai bị Tuyên lừa đảo, đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thanh Hoá để trình báo.

Phương Thuỷ

Greenland được coi cửa ngõ quan trọng dẫn tới Bắc Cực, một khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các cường quốc khi băng tan và dần mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới. Không những vậy, chính Greenland cũng sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ, trong đó có đất hiếm - yếu tố then chốt trong sản xuất công nghệ cao, từ điện thoại di động đến máy bay chiến đấu.

Những hình ảnh hoang tàn ở các khu vực tại Los Angeles, California (Mỹ) mà thảm họa cháy rừng quét qua, khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của một vùng chiến sự. Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa Los Angeles đã bị áp đảo khi các đám cháy rừng đồng loạt bùng lên ở nhiều địa điểm, trong khi gió mạnh khiến việc chữa cháy trở nên bất khả thi. 

Theo ghi nhận thực tế, sau một tuần thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình trạng “nhờn” luật đã giảm. Cùng với đó, mức phạt vi phạm giao thông là nội dung được nhiều người quan tâm thời gian qua.

Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc (gộp bậc 1 và 2 hiện hành).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.