Bị cáo chủ mưu trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang lĩnh án 8 năm tù
- Ngày 25-10, tuyên án các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
- Đề nghị xử lý vi phạm của vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang
- Kiến nghị khởi tố vụ án tại toà trong phiên xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) chủ động đặt vấn đề đối với bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) về việc nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh.
Các bị cáo nghe tuyên án sáng 25-10. |
Khi bị cáo Lương đồng ý, bị cáo Hoài đã 3 lần đưa danh sách 93 thí sinh là con, cháu người thân trong gia đình, bạn bè cho bị cáo Lương. Sau đó, bị cáo Lương đã trực tiếp sửa để nâng điểm thi cho thí sinh, số điểm được nâng khá cao. Ngoài việc nhận danh sách 93 thí sinh do bị cáo Hoài nhờ nâng điểm, bị cáo Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh là người thân, bạn bè của bị cáo.
Quá trình thực hiện, một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
HĐXX xác định trong vụ án này, bị cáo Hoài giữ vai trò chủ mưu về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Lương đồng phạm với vai trò thực hành tích cực. Hành vi phạm tội của bị cáo Hoài và bị cáo Lương thể hiện qua việc, câu kết chặt chẽ với nhau trong việc đưa và nhận danh sách của các thí sinh, nhận chìa khóa phòng giữ bài thi, sau đó tự sửa đáp án bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho nhiều thí sinh, tạo ra những điểm số không đúng thực tế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Chủ toạ phiên toà công bố bản án. |
“Hai bị cáo Hoài và Lương phạm tội có tổ chức, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực giáo dục. Động cơ phạm tội của hai bị cáo là do nể nang bạn bè, người thân. Quá trình điều tra và xét xử công khai, cơ quan tố tụng chưa chứng minh được hai bị cáo này có hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ nên không có căn cứ xác định, hai bị cáo Hoài và Lương phạm tội danh này”, HĐXX khẳng định.
Đối với bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), HĐXX xác định, tuy không tham gia trong Hội đồng thi nhưng bị cáo Khuông đã nhờ bị cáo Hoài nâng điểm cho con mình. Sau đó, thí sinh là con bị cáo Khuông đã được nâng 13,3 điểm.
Tại tòa, bị cáo Khuông thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo nên được xem là tình tiết giảm nhẹ về tội lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Đối với bị cáo Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang), HĐXX nhận thấy bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ công tác thường xuyên giữa đơn vị bị cáo công tác với Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nên bị cáo Dung đã nhờ bị cáo Hoài sửa điểm thi cho 20 thí sinh.
Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Dung thừa nhận hành vi phạm tội, giúp cơ quan tố tụng sớm làm rõ bản chất vụ án. Do đó, có đủ cơ sở xác định, bị cáo Dung phạm tội lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) là người có chức vụ, quyền hạn trong kỳ thi nhưng đã đưa danh sách 13 thí sinh gồm: con, cháu nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho bị cáo Hoài là vi phạm quy chế thi và quy định của ngành Giáo dục.
Trong quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo Chính và luật sư bào chữa đều cho rằng, bị cáo Chính không phạm tội vì chỉ nhờ xem điểm, không nhờ nâng điểm.
“Tại biên bản làm việc với Đoàn thanh tra Bộ GĐ&ĐT ngày 16-7-2018, bị cáo Chính đã thừa nhận việc nhờ Hoài xem xét, nâng điểm Ngữ văn cho từng thí sinh. Các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cũng cho thấy, bị cáo Chính đã nhờ bị cáo Hoài nâng điểm. Ngoài ra, nhiều phụ huynh thí sinh có mặt tại tòa cũng thừa nhận họ đã nhờ bị cáo Chính nâng điểm cho con mình để vào được trường xét tuyển theo nguyện vọng nhưng kết quả không được nâng. Căn cứ lời khai của bị cáo Hoài và nhân chứng, người liên quan, có đủ căn cứ xác định, bị cáo Chính đã phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, HĐXX khẳng định.
Sau khi phân tích, đánh giá toàn bộ nội dung vụ án cũng như vai trò phạm tội của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt: bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 năm tù và Vũ Trọng Lương 7 năm tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Bị cáo Triệu Thị Chính bị tuyên phạt 2 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bị cáo Lê Thị Dung bị tuyên phạt 2 năm tù về tội lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Bị cáo Phạm Văn Khuông bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Về hình phạt bổ sung, HĐXX cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 12-24 tháng sau khi mãn hạn tù.
Ngày 25-10, bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ Hà Giang cho biết, Đảng uỷ Khối cơ quan-doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã ra quyết định kỷ luật Đảng đối với bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính tỉnh Hà Giang. Bà Nga là vợ ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang bằng hình thức khiển trách, do nhắn tin nhờ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang “xem điểm” kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 cho cháu. |
*Sáng 23-10, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc tại Tỉnh ủy Hà Giang về nhiều nội dung, trong đó có nội dung về rà soát, kiểm tra các cán bộ, đảng viên (đợt 2) có liên quan vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Trong số cán bộ, đảng viên thuộc diện rà soát, xem xét kỷ luật đợt này có bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính tỉnh Hà Giang. Bà Nga là vợ ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Quá trình xét xử tại phiên toà cho thấy, bà Nga đã nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) nhờ giúp điểm cho cháu mình. Đoàn công tác thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc trực tiếp với cá nhân bà Nga.
Trong đợt kiểm tra xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm (đợt 1) tại tỉnh Hà Giang, bà Nga được xác định đã nhắn tin nhờ bị cáo Chính “giúp” điểm cho thí sinh nhưng lại không có tên trong danh sách 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh Hà Giang được công bố kỷ luật.