Các bị cáo trong vụ án MobiFone mua cổ phần AVG kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

13:57 05/02/2020
Ngày 5/2, TAND TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đã nhận được kháng cáo của 11/14 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).


3 bị cáo còn lại không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm: Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- TT&TT), Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) và Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG). 

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo đều đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và áp dụng sự khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mình. Điểm chung trong các đơn kháng cáo là không có bị cáo nào kêu oan, hoặc cho rằng không phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. 

Trước đó, trong các ngày từ 16 đến 28/12/2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Trương Minh Tuấn 14 năm tù về tội nhận hối lộ và tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Phạm Đình Trọng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Phạm Nhật Vũ bị tuyên phạt 3 năm tù về tội đưa hối lộ.

Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có đơn kháng cáo trình bày, ở giai đoạn điều tra vụ án này, bị cáo đã tự khai nhận hành vi nhận hối lộ và đến nay đã khắc phục hết hậu quả. 

Ngoài ra, bị cáo Son còn trình bày nhiều nội dung, tình tiết đẻ Toà án cấp phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình như: có nhiều thành tích, cống hiến trong công tác và chiến đấu khi ở trong quân ngũ, sức khỏe già yếu, nhiều bệnh tật… Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Son bị tuyên phạt tù chung thân về tội nhận hối lộ và tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Hồ Tuấn (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Bị cáo Tuấn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho mình, cụ thể là bị cáo Tuấn xin được hưởng án treo với lý do, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá khách quan các tài liệu chứng minh tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trong vụ án; chưa áp dụng triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự dẫn đến mức án quá nặng so với vai trò của bị cáo trong vụ án.

Trình bày nội dung kháng cáo, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) cho rằng, mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo là quá nặng. 

“Tòa án cấp sơ thẩm chưa chấp nhận những nội dung đánh giá bản chất hành vi khách quan của bị cáo trong vụ án. Vì vậy, bị cáo làm đơn kháng cáo để được xem xét một cách khách quan và được miễn hình phạt”, bị cáo Hùng trình bày. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Hồ Tuấn và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên đơn dân sự là MobiFone cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone). Bị cáo Nguyên bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên sau đó, MobiFone đã rút đơn kháng cáo.

Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận hành vi vi phạm, thừa nhận cáo trạng và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà. Các luận cứ của luật sư bào chữa gỡ tội do các bị cáo cũng chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. 

Nói sau cùng tại phiên tòa, các bị cáo đều cảm ơn Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố đã tạo điều kiện cho các bị cáo được khai báo một cách khách quan về vụ án. Các bị cáo cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều khiển phiên tòa một cách công tâm, khách quan, dân chủ, tạo điều kiện về thời gian cho các bị cáo được trình bày và tự bào chữa.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền khoảng 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. 

Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Trương Minh Tuấn và các bị cáo khác ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Bộ TT&TT, MobiFone và Công ty Thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, thẩm định giá, sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.

Quá trình chỉ đạo mua AVG, các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone) và Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Biết rõ Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà, bị cáo Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua gần 8.900 tỷ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12-2015. 

Từ những sai phạm chủ ý có hệ thống của bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Trương Minh Tuấn và các bị cáo khác, bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG) đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng (cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần) mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỷ đồng. 

Đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone. Từ đó, các bị cáo này đã nhận hối lộ số tiền lớn từ Phạm Nhật Vũ. Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu USD, bị cáo Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD, bị cáo Cao Duy Hải nhận 500.000 USD, bị cáo Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD.

Nguyễn Hưng

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文